+
Aa
-
like
comment

Trung Quốc đổi thái độ, Việt Nam chờ bùng nổ?

Bảo Trâm - 27/12/2022 18:32

Việc Trung Quốc bất ngờ đổi thái độ chống dịch Covid-19, tiến dần tới quy trình mở cửa trở lại đất nước, được kỳ vọng giúp kinh tế Việt Nam hưởng lợi. Nhân sự kiện này, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng VinaCapital đã có bài phân tích chủ đề “Trung Quốc mở cửa trở lại thúc đẩy nhẹ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023”.

Trung Quốc mở cửa lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2%

Tuần trước Trung Quốc đã bỏ nhiều/hầu hết các yêu cầu xét nghiệm COVID, ngừng “truy vết COVID” và đã ngưng thông báo số ca nhiễm mới. Đến 27/12, Trung Quốc quyết định bỏ xét nghiệm và cách ly đối với du khách quốc tế. Trước đó, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc (CEWC) cũng nhắc lại cam kết của chính phủ về “cải thiện tổng thể” và “tăng trưởng hợp lý” cho nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2023 tới đây.

Du khách Trung Quốc tại Nha Trang

Đa số đồng thuận là tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Trung Quốc sẽ tăng từ khoảng 0% trong năm 2022 lên khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2023 và mức sử dụng năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 10% trong năm tới. Do đó, các nhà đầu tư đang quan tâm liệu Việt Nam có thể hưởng lợi như thế nào từ sự phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc, mặc dù có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc mở cửa có thể làm gia tăng lạm phát ở Việt Nam và toàn cầu.

Trong nghiên cứu mới công bố, Kinh tế trưởng VinaCapital kỳ vọng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2% vào năm tới do lượng khách du lịch Trung Quốc trở lại vào nửa cuối năm 2023.

Cần lưu ý rằng, Vietnam Airlines đã nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc vào ngày 9/12 và khách du lịch Trung Quốc chiếm 1/3 tổng lượng khách du lịch của Việt Nam trước COVID. Ông Kokalari dự đoán, Trung Quốc mở cửa trở lại trong năm tới sẽ chỉ tác động đến lạm phát ở mức thấp và lưu ý rằng lạm phát của thế giới đã đạt đến đỉnh điểm và hiện đang giảm dần.

“Cuối cùng, trong khi tác động quan trọng nhất của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với Việt Nam là lượng khách du lịch Trung Quốc có khả năng trở lại bình thường trong nửa cuối năm 2023, thì tác động tức thời nhất là sự cải thiện về tâm lý đối với Việt Nam Đồng (VND)”, – chuyên gia nhấn mạnh.

Giảm áp lực với đồng nội tệ Việt Nam

Kinh tế trưởng của VinaCapital phân tích, VND tăng giá hơn 5% trong tuần cuối cùng của tháng 11 và tuần đầu tiên của tháng 12 (cùng khoảng thời gian Trung Quốc thay đổi chính sách Zero COVID vào ngày 7/12) vì đồng tiền Trung Quốc tăng giá khoảng 5% trong hai tuần đó.

Việt Nam đã xuất khẩu hơn 47 tỷ USD sang Trung Quốc tính đến tháng 10 năm 2022. (Đơn vị: 1 tỷ USD)

VND đã giảm giá tới 9% so với đầu năm vào giữa tháng 11 do USD tăng giá mạnh trong năm nay. Vì vậy, sự sụt giảm vừa phải của USD gần đây cũng giúp giảm bớt áp lực mất giá đối với VND, nhưng sự gia tăng giá trị của NDT là yếu tố chính thúc đẩy VND phục hồi như biểu đồ trên.

Cần lưu ý thêm rằng, giá trị của USD/Chỉ số DXY về cơ bản không thay đổi trong hai tuần nêu trên, trong cùng thời gian đó đã xuất hiện một số tin tức khá tiêu cực về cán cân thương mại và cán cân thanh toán của Việt Nam. Cả hai đều cho thấy rõ chính sự tăng giá của NDT đã khiến VND tăng giá.

Ở dưới góc độ kinh tế, chưa rõ vì sao sự tăng giá gần đây của NDT đã thúc đẩy sự tăng giá của VND; Việt Nam có thâm hụt thương mại ~17%/GDP với Trung Quốc và sự tăng giá của NDT so với VND làm thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn.

“Vì vậy, tâm lý thị trường thường lấn át các yếu tố kinh tế trên thị trường ngoại hối và tâm lý tích cực khi Trung Quốc mở cửa trở lại đã dẫn đến sự tăng giá mạnh của NDT và VND”, chuyên gia nhận định.

Điều ngược lại xảy ra vào tháng 8/2015, khi NDT đột ngột giảm 3%, VND cũng giảm 3% ngay lập tức, mặc dù Việt Nam được hưởng lợi từ sự mất giá của đồng tiền Trung Quốc. Đại diện VinaCapital kỳ vọng một hiện tượng tâm lý tương tự sẽ thúc đẩy VN-Index, nhưng cũng thấy rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ phục hồi khiêm tốn khi chính phủ nước này gỡ bỏ các hạn chế về COVID và các nhà đầu tư Việt Nam hiện đang chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước đã tác động thị trường năm nay.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều