Trùm giang hồ “Hải bánh” đã cải tạo tốt thế nào để được tha tù sau án chung thân?
Bị tuyên án tù chung thân, “Hải bánh” đã cải tạo tốt và liên tục được giảm án qua bình xét hàng năm và được ra tù trước hạn. Ngày 27/1, Nguyễn Tuấn Hải (tức trùm giang hồ “Hải bánh”) được ra tù sau gần 21 năm chấp hành xong hình phạt tù. “Hải bánh” đã cải tạo tốt thế nào để được tha tù sau án chung thân?
Năm 2003, liên quan vụ án giết nữ trùm giang hồ Hải Phòng Dung Hà, Hải “bánh” bị TAND TP HCM tuyên chung thân về tội giết người với vai trò đồng phạm, giúp sức cho kẻ chủ mưu Trương Văn Cam (Năm Cam).
Dư luận đặt câu hỏi, Hải bị tuyên chung thân, nghĩa là ở tù suốt đời, vì sao được tha tù sau 21 năm thụ án?
Trả lời câu hỏi trên, đại diện trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, nhờ cải tạo tốt từ năm 2015 cho đến nay, nên Hải “bánh” liên tục được giảm án qua bình xét hàng năm và được ra tù trước hạn. Trong thời gian thi hành án, nhiều lần trả lời báo chí, Hải “bánh”nhiều lần bày tỏ sự ăn năn hối lỗi và mong muốn cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình.
Rộng đường dư luận, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc “Hải bánh” được tha tù 21 năm thụ án không phải là chuyện hi hữu.
Nhắc đến “Hải Bánh” có lẽ những ai quan tâm đến vụ án Năm Cam không thể nào quên nhân vật này. “Hải Bánh” là đàn em khét tiếng của Năm Cam, độ manh động thì không phải bàn nhưng đáng chú ý, Hải chính là người có tinh thần phục thiện, sửa sai và nghị lực khao khát sống mãnh liệt.
Còn nhớ, lúc bị bắt, “Hải Bánh” cứng đầu và giữ quy tắc giang hồ “không mở miệng” khai đồng bọn và nguời chủ mưu. Nhưng chính sự quan tâm tận tình, chia sẻ đầy chân tình của Trung tá Nguyễn Văn Nên, lúc đó là Phó Phòng Cảnh sát Điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang và Trung tướng Nguyễn Việt Thành, lúc đó là Trưởng Ban chuyên án triệt phá Năm Cam, đã khơi dậy nhiều điều trong “Hải Bánh”.
Cũng chính chân tình của cán bộ, thấy Hải rách rưới không có quần áo để thay, cán bộ đã mua cho Hải quần áo mới. Hành động đầy tình người đó đánh thức tính lương thiện trong Hải. Hải quyết định mở miệng!
Hải hỏi Trung tá Nguyễn Văn Nên: “Nếu tôi khai ra người này các anh có dám bắt không?”. Trung tá Nguyễn Văn Nên trả lời chắc như đinh đóng cột: “Dù có là ai đi chăng nữa nhưng khi đã gây tội ác thì đều phải chịu trừng phạt bởi luật pháp”. Vì vậy, Hải đã khai toàn bộ sự thật và chi tiết vụ thanh toán Dung Hà cũng như những hoạt động đen tối của trùm Năm Cam cho cơ quan cảnh sát điều tra.
Hải cũng có thêm niềm tin vào cán bộ, tin vào những người dám nghĩ, dám làm và tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Vụ án Năm Cam được đưa ra ánh sáng pháp luật, lúc đó “Hải Bánh” nghĩ mình đáng tội tử hình nhưng mức án dành cho Hải là tù chung thân. Hải vẫn được sống!
Trong quá trình thụ án, Hải cố gắng cải tạo tốt, quay đầu thật sự và mang đầy niềm tin mình còn có ngày mai. Những hoạt động, việc làm nào tích cực, được sự hướng dẫn của cán bộ, “Hải Bánh” đều xông xáo thực hiện. Không chỉ thế, việc gì gồng gánh, giúp và hỗ trợ cho bạn tù, “Hải Bánh” cũng chia sẻ. “Hải Bánh” sống dung hòa hơn, tận tâm và thật lòng, không chống đối, không đối phó, cũng không bất cần đời.
Theo quy định, khi Hải bị tuyên án chung thân trong vụ án giết Vũ Thị Hoàng Dung (Dung Hà), trường hợp không được đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn, Hải sẽ phải chấp hành hình phạt tù chung thân, nghĩa là sẽ ở tù đến hết đời.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có quy định về đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn. Theo đó người phải chấp hành hình phạt tù (kể cả tù chung thân) nếu chấp hành tốt trong quá trình cải tạo vẫn có cơ hội được giảm án, được trở về với gia đình.
Thời điểm Hải bị xét xử, bị thi hành án với mức án tù chung thân là thời điểm đang có hiệu lực pháp luật của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Theo đó, Điều 58 Bộ luật hình sự quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên như sau: Người bị kết án cải tạo không giam giữ, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù, Toà án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
“Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống, mười hai năm đối với tù chung thân”, Luật sư Cường cho biết, một người có thể được giảm án nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên. Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng quy định tại Điều 63 như sau: “Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam với người bị kết án tù chung thân thì cánh cửa cuộc đời của họ chưa hẳn đã là đóng lại. Thẩm chí với người bị kết án tử hình thì vẫn có thể có cơ hội được sống nếu họ được Chủ tịch nước ân giảm hoặc được đặc xá, đại xá.
Luật sư Cường cho biết, với chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật thì người bị kết án tù chung thân nếu tích cực cải tạo trong thời gian chấp hành án, được nơi cải tạo ghi nhận thì vẫn có cơ hội được giảm thời gian chấp hành hình phạt tù.
Bên cạnh đó, sau khi chấp hành được 12 năm mà đủ điều kiện để xét giảm án theo quy định của pháp luật thì sẽ được giảm xuống tù có thời hạn là 30 năm.
Ngoài ra, mỗi năm thường sẽ có 3 đợt giảm án là đợt 30/4, đợt 2/9 và đợt Tết âm lịch. Nếu quá trình cải tạo tiếp theo vẫn đủ điều kiện để được xem xét giảm án thì sẽ được giảm nhiều lần nhưng tối thiểu phải chấp hành đủ 20 năm tù theo quy định tại điều 58 Bộ luật hình sự năm 1999 và điều 63 Bộ luật hình sự năm 2015.
Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, Nguyễn Tuấn Hải được giảm án nhiều lần và được tha tù trước thời hạn khi chấp hành được hơn 20 năm tù là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật.
“Với Hải “bánh” đã cách ly với đời sống xã hội hơn 20 năm, cuộc sống ngày nay rất khác so với hơn 20 năm trước. Khi anh Hải phải chấp hành hình phạt tù thì khi đó chưa có mạng xã hội, thậm chí công nghệ thông tin cũng chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Bởi vậy, để tiếp cận với thời đại kĩ thuật số, thời đại công nghệ thông tin, phải mất một khoảng thời gian thì mới có thể thích ứng và bắt nhịp với cuộc sống.
Những người phải chấp hành hình phạt tù dài hạn, khi trở về với đời sống xã hội như vậy rất cần có sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, bạn bè, chính quyền địa phương để anh Hải sớm hòa nhập cộng đồng. Nhà nước có chính sách đối với người chấp hành hình phạt tù khi họ trở về với đời sống xã hội để tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, họ được tạo cơ hội về công ăn việc làm, được hỗ trợ các điều kiện để phát triển đời sống kinh tế xã hội”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Thu Quách