+
Aa
-
like
comment

Trong bức tranh kinh tế cuối năm, bấu víu vào đâu?

Diệu Hương - 11/11/2022 13:57

Những ngày qua, lướt đọc thông tin trên mạng, ta bắt gặp liên tiếp những dòng thông tin về việc hàng nghìn công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động và có nguy cơ mất việc tại khu vực phía Nam. Theo một khảo sát gần đây tại các doanh nghiệp hoạt động trong các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng và sẽ có gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng.

Công nhân ở các khu công nghiệp

Đây chỉ là những tín hiệu ban đầu của suy thoái kinh tế. Lạm phát gia tăng đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào nguy cơ trì trệ… Điều đó làm cho tiêu dùng sụt giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gãy đổ, chi phí logistics tiếp tục tăng cao, nhà sản xuất khó khăn… Các chuyên gia kinh tế dự báo, từ quí IV năm nay đến quí I năm 2023 có thể sẽ còn thêm những người lao động phải rời nhà máy, sẽ còn thêm những nhân viên công sở phải dọn đồ khỏi văn phòng…

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp, bất định, khó lường của thế giới, chúng ta phải bình tĩnh nhìn lại bức tranh thật của nền kinh tế đầy đủ và toàn diện hơn trong năm 2022. Bởi sự thực là, ngay cả những doanh nghiệp tốt hàng đầu của nền kinh tế cũng đang phải chịu những rủi ro khủng khiếp. Họ phải đóng dây chuyền sản xuất để giảm tồn kho, để bớt thiệt hại vì tỉ giá, bớt áp lực vì lãi suất…

Trước đó, kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức sau gần ba năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhìn vào mấy con số khô khan về số lượng doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động, tỉ lệ người lao động thất nghiệp hồi hương… thật khó để hình dung về một bức tranh kinh tế sáng sủa vào cuối năm. Thế nhưng vượt lên tất cả, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc trong bức tranh không sáng sủa của dịch bệnh toàn cầu. Tăng trưởng GDP quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 lần lượt đạt 13,67% và 8,83%, mức cao nhất từ năm 2011 tới nay.

Thông điệp của năm 2022 sẽ gói gọn trong hai chữ “niềm tin” – tin tưởng, với sự chỉ đạo của Nhà nước, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, những khó khăn rồi sẽ qua đi và bầu trời sẽ lại sáng. Phải tin ở hoa hồng. Những doanh nghiệp như Hoà Phát vừa phải báo lỗ và đóng 4 lò luyện thép rồi sẽ trở lại, sẽ tiếp tục làm ăn tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, cho những người lao động của họ.

Niềm tin này có cơ sở, khi chúng ta vẫn có một nền kinh tế vĩ mô khá ổn định, thu ngân sách vẫn đạt và vượt mục tiêu đề ra, xuất nhập khẩu cao. Các chuyến công du của các lãnh đạo ra nước ngoài như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang Thái Lan và dự hội nghị APEC, Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Camphuchia và dự hội nghị ASEAN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc đã mang về rất nhiều cam kết đầu tư cho Việt Nam. Đó là niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam. Thế cho nên, đừng nhìn tình hình chung mà khiến cuộc sống của chỉ toàn màu xám.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều