Trợ lực nào giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm 2022?
Tăng trưởng GDP của Việt Nam được Ngân hàng thế giới (World Bank) dự báo sẽ tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022. Đây là một con số không hề nhỏ do nó quá chênh lệch so với năm ngoái, trong khi lạm phát cũng được dự báo sẽ tăng 3,8%, dưới mức 4% mà chính phủ kỳ vọng. Vậy cơ sở nào để tổ chức quốc tế này đưa ra nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam như vậy?
Có thể nói, giai đoạn này là thiên thời của Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2018, căng thẳng Mỹ – Trung đã tạo tiền đề cho dòng vốn tháo chạy sang thị trường Việt Nam. Từ đó đến nay, Việt Nam đã nỗ lực hết sức để biến mình trở thành nơi đầu tư lý tưởng cho khối ngoại. Đơn cử như mở rộng quỹ đất khu công nghiệp, sửa đổi chính sách, luật đầu tư, kiểm soát dịch bệnh trong nước, đầu tư xây dựng cảng, rút ngắn thời gian cho chuỗi logistic, dập tắt nạn đầu cơ bất động sản, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, hướng dòng tiền từ ngân hàng chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, … Những điều đó đã cho phép nhà đầu tư cảm thấy Việt Nam là một nơi tốt để họ có thể yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định được chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp trong tình hình hết sức biến động hiện nay.
Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục khiến cho các doanh nghiệp Mỹ và Châu Âu tìm đến Việt Nam, lý do là họ sợ Trung Quốc và Mỹ sẽ trả đũa nhau nếu như Trung Quốc giúp Nga khắc chế các lệnh trừng phạt. Chưa hết, tiếp theo đây lại là cuộc xung đột giữa Đài Loan và Trung Quốc. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) lũy kế đến 20/9/2021 ghi nhận các doanh nghiệp Đài Loan tổng cộng đã đầu tư 35,038 triệu USD với 2,831 dự án, đứng thứ 6 trong các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các tập đoàn điện tử lớn của Đài Loan như Foxcom, Weistron, Foxlink… đều đã đầu tư vào Việt Nam và đang triển khai chiến lược mở rộng đầu tư, hy vọng đến năm 2025 -2030 có thể đạt mức 45% – 70% tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam đang đón tới 4 làn sóng FDI, một là các nước Đông Á (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản), hai là Trung Quốc, ba là Hoa Kỳ và thứ tư là Châu Âu, đó là chưa kể đến Nga cùng các nước Bắc mỹ khác như Canada. Các doanh nghiệp của Trung Quốc do có đối tác khách hàng chủ yếu ở Phương Tây sẽ chuyển dịch cơ sở sản xuất kinh doanh sang Việt Nam do Việt Nam có văn hoá kinh doanh gần gũi. Còn các doanh nghiệp phương Tây gồm Mỹ và Châu Âu cũng đang gia công sản xuất tại Trung Quốc phải lựa chọn chuyển dịch ngay cơ sở sang các nước trung gian thứ 3 để ổn định kinh doanh. Việt Nam lại một lần nữa là điểm đến hấp dẫn do các doanh nghiệp phương tây vẫn rất cần đến nguồn nguyên vật liệu thô Trung Quốc.
Nơi nào đang có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhất, đó là Việt Nam. Nơi nào có thể nhập nguyên vật liệu của Trung Quốc nhiều nhất và nhanh nhất, vẫn là Việt Nam. Không một nước ASEAN nào có thể mạnh được như Việt Nam trong việc thu hút FDI hiện nay. Nên mức tăng trưởng 7.5% mà World Bank đưa ra là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh những trợ lực thì cũng có những áp lực buộc Việt Nam phải căng mình giải quyết.
Thứ nhất là đó câu chuyện lạm phát, cục dự trữ liên bang Mỹ FED cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên thêm 0.5% hoặc 0.75% vào tháng 09. Đồng nghĩa lạm phát ở nước Mỹ sẽ giảm nhưng lại làm leo thang lạm phát ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác. Nếu lạm phát tăng, và chỉ số giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu 4% do Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải chuyển sang thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền. Điều đó cũng đồng nghĩa kiềm hãm nhu cầu chi tiêu và sức phục hồi của nền kinh tế. Một đợt suy thoái ngắn hạn có thể diễn ra nếu như Việt Nam không tránh khỏi cái bẫy lạm phát này.
Áp lực thứ hai nữa là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang đứng trước bờ vực suy thoái. Châu Âu và cả Mỹ đều vậy, do việc tăng lãi suất sẽ kiềm hãm nhu cầu. Người dân Mỹ và Châu Âu ít chi tiêu thì Việt Nam cũng khó bán chạy hàng, từ đó làm các doanh nghiệp thu không đủ sẽ không trả được tiền nợ vay sản xuất kinh doanh, quay lại tạo ra nợ xấu đe dọa nền kinh tế.
Vì thế tăng trưởng nóng nhưng hệ thống tín dụng cần tránh cho vay đầu tư ồ ạt, không phải cứ là lĩnh vực sản xuất là bơm tiền vô tội vạ. Chúng ta cần tầm soát trước những rủi ro để cho vay phù hợp, nếu không nợ xấu sẽ gia tăng, gây áp lực và kiềm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sau này.
Kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh rằng trong bối cảnh tăng trưởng GDP đạt mức ấn tượng, kinh tế đang phục hồi toàn diện, thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng; ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả.
Huy Hoàng