+
Aa
-
like
comment

Trò hề “bảng xếp hạng tự do báo chí” – “điệp khúc” xuyên tạc chống phá đã cũ

23/10/2019 16:35

Những năm gần đây, việc hội nhập quốc tế ngày càng nhanh và mạnh mẽ, các quan điểm, xu hướng mới du nhập vào nước ta là tất yếu, không thể tránh khỏi và quá trình này cũng là “thời cơ” để các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình”. Trong lĩnh vực báo chí, chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” trở thành “vũ khí” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá ta trên mặt trận tư tưởng.

Tháng trước, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời phóng viên về việc Ủy ban Bảo vệ Ký Giả (CPJ) ra báo cáo nói Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí nhiều nhất, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, dựa trên những thông tin không chính xác, thiếu khách quan về tình hình Việt Nam trong báo cáo nói trên. Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản Luật liên quan”.

Cảnh giác với những thủ đoạn xuyên tạc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam
Cảnh giác với những thủ đoạn xuyên tạc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam

 

Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không gian mạng và các hình thức khác, trong đó bảo vệ người dân trước tin tức giả, tin tức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tin tức bịa đặt, sai sự thật, kích động hận thù…

Việc CPJ ra báo cáo nói Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia “kiểm duyệt báo chí nhiều nhất”, vu cáo Việt Nam không có tự do báo chí, vi phạm dân chủ, nhân quyền… là điệp khúc lặp lại thường kỳ của CPJ cũng như một số tổ chức thù địch với Việt Nam.

Thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với nước ta, các thế lực thù địch đã ráo riết lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, hướng lái Việt Nam theo quỹ đạo của phương Tây, trong đó họ triệt để lợi dụng quyền tự do báo chí để xuyên tạc tình hình thực tế, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền… hòng gây mất ổn định chính trị – xã hội; xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và công dân.

Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do báo chí. Trên cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế về quyền tự do báo chí, Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã khẳng định người dân có quyền tự do báo chí và được pháp luật đảm bảo thực hiện.

Các bản Hiến pháp sau này đều kế thừa và phát triển nội dung của Hiến pháp 1946 về quyền tự do báo chí. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng”.

Quy định này đã được thể chế trong các văn bản pháp luật nước ta nhằm đảm bảo quyền tự do báo chí được thực hiện trên thực tế như: Bộ luật Hình sự 2015, Luật Báo chí năm 2016…

Gần đây, nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và không ít trang web trong và ngoài nước rêu rao rằng: ở Việt Nam “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; Hà Nội “bắt bớ nhiều bloger” …

Điển hình như: Báo cáo nhân quyền thế giới hàng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện EU; Báo cáo thường niên, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc tế; Báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), của tổ chức Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ)…

Trong báo cáo năm nay, mặc dù không thể không thừa nhận Việt Nam đã có “tiến bộ về dân chủ, nhân quyền”, nhưng vẫn xuyên tạc tình hình, vu cáo Nhà nước vi phạm “tự do báo chí”, “đàn áp, bắt giữ trái phép các blogger” … Họ cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng hạ thấp uy tín nước ta trên trường quốc tế.

Một số phần tử còn tác động vào các chính khách cực đoan trong Quốc hội Mỹ, Anh, Canađa, … tổ chức điều trần, hội thảo, xuyên tạc tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam nhằm tác động Liên hợp quốc ra nghị quyết bất lợi đối với nước ta. Trên lĩnh vực báo chí, một số đối tượng còn thành lập các câu lạc bộ, các diễn đàn trên mạng dưới chiêu bài “tự do ngôn luận, tự do báo chí” để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Không chấp nhận mọi hình thức xuyên tạc, vu khống về quyền tự do báo chí của Việt Nam
Không chấp nhận mọi hình thức xuyên tạc, vu khống về quyền tự do báo chí của Việt Nam

 

Trong những năm qua, nước ta đã đạt được thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí của người dân. Theo thống kê, hiện cả nước có 844 cơ quan báo chí gồm 184 cơ quan báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 1 hãng thông tấn quốc gia; 67 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh và truyền hình vượt 98% diện tích cả nước.

Ở Việt Nam, báo chí đã thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng – lòng dân”, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật và đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước; là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền của người dân, tích cực phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, hành vi vi phạm vi phạm pháp luật. Đó là minh chứng phản bác luận điệu vu cáo Nhà nước Việt Nam “bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “kiểm soát báo chí, Internet”…

Cũng như hoạt động bình thường khác của xã hội, việc thực hiện quyền tự do báo chí đều phải trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, không một cá nhân, tổ chức hoạt động báo chí nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của nền báo chí Việt Nam hiện đại, cách mạng đã khẳng định: “Tự do tư tưởng. – Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tư do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của con người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý.

Báo chí chân chính phải thực sự là “vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Mọi sự lẫn lộn “chính”- “tà” đều không đúng với bản chất và vai trò của báo chí nước ta trong tình hình mới. Báo chí phải chung vai gánh vác sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần cổ vũ, giáo dục, định hướng tư tưởng, nhân lên những điển hình tốt, đấu tranh chống tiêu cực, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, đi ngược lại lợi ích của dân tộc và đất nước.

Phạm Minh Hà

Bài mới
Đọc nhiều