+
Aa
-
like
comment

“Trò chơi điện đài” của Liên Xô trong Thế chiến II

26/10/2020 16:41

Khả năng chơi “trò chơi điện đài” thành thạo là điều cho phép tình báo Liên Xô vô hiệu hóa hàng chục điệp viên và thu hàng triệu rúp của Đức Quốc xã, cũng như giúp Moscow chiến thắng trong những trận chiến quan trọng nhất ở mặt trận phía Đông.

“Trò chơi điện đài” của Liên Xô trong Thế chiến II

Một ứng cử viên lý tưởng

Một đêm mùa đông lạnh giá năm 1941, một người đàn ông tự xưng là người đại diện cho nhà thờ chống lại bolshevik và một nhóm ủng hộ chế độ quân chủ được gọi là “Prestol” (có nghĩa là “Ngai vàng”). Người đàn ông tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ người Đức lật đổ nền thống trị của Liên Xô.

Trên thực tế, người đàn ông đó là điệp viên Liên Xô tên là Aleksander Demyanov được Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) đưa sang khu vực tiền tuyến gần Mozhaisk, và bố trí một cuộc đào tẩu “như thật” cho ông sang phía quân Đức ở Smolensk với vỏ bọc là một người Nga căm ghét chế độ Liên Xô và ủng hộ Đức Quốc xã.

Tên mã chiến dịch là “Tu viện” do Tướng Pavel Sudoplatov của NKVD chỉ huy, với nhiệm vụ chính là “nhồi” thông tin giả cho Bộ chỉ huy Đức Quốc xã. Chiến dịch “Tu viện” được hình thành như một “trò chơi điện đài” được tiến hành bởi giới chức Bộ Nội vụ Liên Xô chống lại Abwehr (Cơ quan tình báo và phản gián quân sự Đức), kéo dài từ năm 1941 đến 1944.

Nhân vật chính của chiến dịch là điệp viên Alexander Petrovich Demyanov, xuất thân từ một gia đình quý tộc mang mật danh “Heine”.

“Trò chơi điện đài” của Liên Xô trong Thế chiến II - Ảnh 1.
Alexander Demyanov.

Vóc dáng thể thao quyến rũ, thông minh và học vấn tốt, với khả năng thông thạo tiếng Đức, Demyanov là một người hoàn toàn phù hợp để triển khai phía sau phòng tuyến của kẻ thù.

Thêm vào đó, Demyanov có khả năng thâm nhập sâu vào tâm lý con người, có một trí nhớ tuyệt vời, phản ứng nhanh và khả năng đưa ra quyết định một cách độc lập. Vào đầu chiến tranh Vệ quốc, Demyanov đã có nhiều kinh nghiệm làm việc của một điệp viên. Alexander Demyanov có một câu chuyện hay.

Mẹ và ông nội của Demyanov là những người nổi tiếng địa phương trong giới nhập cư có liên hệ với người Nga ở Đức, trong khi những người họ hàng khác đã sống ở Italia thân thiện với Đế chế thứ ba. Bên cạnh đó, Demyanov là gương mặt thường xuyên có mặt tại các cơ quan đại sứ quán ở Moscow và lọt vào tầm ngắm của tình báo nước ngoài.

Ngay trước khi chiến tranh bùng nổ, “Heine” gặp một đại diện của phái đoàn thương mại Đức, và trong quá trình giao tiếp đã đề cập đến một số tên của những người di cư Nga trước cách mạng gần gũi với gia đình Demyanov.

Abwehr quan tâm đến Demyanov như một đối tượng để tuyển dụng. Vào tháng 7-1941, cơ quan tình báo Liên Xô đã tạo ra một “Prestol” hư cấu – được cho là một nhóm của những người có cảm tình với chế độ quân chủ ngầm, đang chờ quân đội Đức đến thủ đô Liên Xô.

Thành viên của tổ chức bao gồm các cựu sĩ quan và lính bạch vệ, quý tộc, sĩ quan Sa hoàng và đại diện của các giáo sĩ phản động – những người thực sự không hài lòng với chế độ Xôviết. Tất cả họ sẵn sàng phục vụ Đệ tam Quốc xã Đức để đảm bảo được bố trí vào các vị trí cao tại các vùng lãnh thổ bị Đức chiếm đóng.

Các đối tượng này sống cạnh nhau trong khuôn viên của Tu viện Novodevichy. Vì tổ chức này được thành lập trên lãnh địa của Tu viện Novodevichy, hoạt động nhằm đánh lạc hướng Hitler nên được gọi là “Tu viện” và “Heine” được cài cắm vào tổ chức này.

Theo kế hoạch ban đầu của chiến dịch “Tu viện”, Demyanov được cử đến Berlin với nhiệm vụ thâm nhập vào vòng kết nối của những người nhập cư Nga làm việc với Đức, cũng như thiết lập các mối liên hệ vững chắc của riêng mình trong bộ máy tình báo Đức. Năm 1929, Demyanov bị xử lý (theo kế hoạch của tình báo Liên Xô) vì “sở hữu vũ khí bất hợp pháp và tuyên truyền chống Liên Xô”.

Trong mắt người Đức, Demyanov có lý do để bất mãn chế độ Xôviết và mong muốn trả thù. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo kế hoạch. Sau những cuộc kiểm tra kéo dài và kỹ lưỡng, Demyanov có được sự tin tưởng vô điều kiện của Abwehr.

Thậm chí, Demyanov bị đưa ra trước một đội xử bắn để kiểm tra con người thật của ông. Cuối cùng, người Đức quyết định sử dụng Demyanov làm điệp viên ngầm của họ bên trong Liên Xô. Sau vài tháng huấn luyện tại trường tình báo quân sự của Abwehr, Demyanov được đặt một bí danh mới là “’Flamingo” và gửi trở lại Liên Xô để hoạt động.

“Trò chơi điện đài” bắt đầu

Lúc đó “trò chơi điện đài” giữa Liên Xô với Đức Quốc xã bắt đầu. Giữa tháng 3/1942, người Đức đưa một số tiền nhất định cho Demyanov để hỗ trợ “Prestol” và lên máy bay.

Sau khi nhảy dù xuống khu vực Arefino thuộc vùng Yaroslavl, người của phía Liên Xô đã đợi sẵn và Demyanov (tức “Flamingo”) được đưa bằng xe hơi đến Yaroslavl, và từ đây đi cùng với các sĩ quan an ninh nhà nước về Moscow. Phiên liên lạc đầu tiên với người Đức diễn ra hai tuần sau đó.

“Trò chơi điện đài” của Liên Xô trong Thế chiến II - Ảnh 3.
Tướng Sudoplatov, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch “Tu viện”.

Lúc này, Demyanov chuyển cho Abwehr thông tin giả được Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô chuẩn bị. Mục đích đầu tiên là giành được lòng tin của người Đức bằng cách đưa lực lượng chống bolshevik vào thế giới ngầm thông qua các bước của chiến dịch.

Flamingo báo cáo về kế hoạch của Prestol tiến hành khủng bố phía sau phòng tuyến của Liên Xô. Không lâu sau, các tờ báo của Liên Xô bắt đầu đăng tin về các vụ đánh bom vào các khu công nghiệp ở Ural và Siberia, do “các chi nhánh của phát xít” thực hiện. Thậm chí Liên Xô phải tiến hành giả một số hành vi khủng bố phá hoại đường sắt.

Để làm việc này, các đoàn tàu chở các thiết bị quân sự bằng gỗ được phủ bạt được giật nổ và loan báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tất nhiên, tất cả đều là dàn dựng nhưng niềm tin của Đức về lòng trung thành của Flamingo thực sự được củng cố từ đó.

Ngày 18/12/1942, “Flamingo” được tặng thưởng huân chương Chữ thập sắt Đức vì “lòng dũng cảm”. Người Đức tin tưởng giao cho “Flamingo” nhiệm vụ khảo sát hệ thống phòng không của thủ đô Moscow.

“Trò chơi điện đài” của Liên Xô trong Thế chiến II - Ảnh 4.
“Flamingo” giúp Liên Xô giành chiến thắng trong cuộc chiến với quân đội Đức quốc xã.

Ngay sau đó, Đức Quốc xã nhận được bức điện như sau: “Thành phố chứa một số lượng lớn máy bay chiến đấu và pháo binh mới. Các công nghệ mới sẽ được áp dụng trong những ngày tới, mang lại khả năng đánh chặn máy bay đối phương ở độ cao lớn hơn”.

Sau đó, quân Đức kịp thời hủy bỏ cuộc tấn công. Dần dần, Flamingo trở thành một trong những điệp viên mật hữu ích nhất của Abwehr ở mặt trận phía Đông. Đệ tam Đế chế đã bị cung cấp một luồng thông tin sai lệch, pha loãng với một số sự thật từ Bộ Tổng chỉ huy Liên Xô để làm cho tất cả trông như thực. “Flamingo” được Moscow giao nhiệm vụ truy tìm “mạng lưới chuột chũi” gián điệp bên trong Liên Xô.

Trong thời gian Demyanov hoạt động ngầm cho Đức Quốc xã, các nhân viên an ninh Moscow đã bắt giữ hơn 20 điệp viên Abwehr thu thập thông tin tình báo và phá hoại ở hậu phương của Liên Xô, cũng như hàng triệu rúp bị tịch thu. Sau đó, Liên Xô bắt số gián điệp Đức này tham gia vào “trò chơi điện đài ” với các ông chủ Abwehr của chúng.

Vai trò then chốt của chiến dịch “Tu viện”

Chiến dịch “Tu viện” đóng vai trò then chốt quyết định kết quả của các trận đánh lớn tại mặt trận phía Đông. Vào ngày 4/11/1942, Demyanov nói với người Đức rằng Hồng quân sẽ tập trung ở Rzhev – thay vì Stalingrad.

Sau khi nhận được thông tin giả từ Demyanov, Bộ Chỉ huy Đức bắt đầu đưa quân đến Rzhev. Và tài năng quân sự của Nguyên soái Zhukov, cuộc tấn công của Đức Quốc xã đã bị đẩy lùi bằng sinh mạng của hàng ngàn binh sĩ Liên Xô. Chiến dịch Mars, hay cuộc tấn công vào Rzhev, là một thất bại.

“Trò chơi điện đài” của Liên Xô trong Thế chiến II - Ảnh 5.
Nguyên soái Georgy Zhukov.

Pavel Sudoplatov, cấp trên trực tiếp của Demyanov, nhớ lại: “[Nguyên soái] Georgy Zhukov, người không biết gì về trò chơi điện đài, đã phải trả một cái giá đắt – cuối cùng ông ta đã để mất hàng nghìn hàng vạn binh sĩ của chúng ta tại Rzhev”.

Mùa hè năm 1943, “Flamingo” mật báo cho phía Đức rằng, hầu hết quân đội Liên Xô đều tập trung ở phía đông Kursk, nhưng khả năng cơ động rất khó khăn. Ngoài ra, trong báo cáo cũng nói rằng Bộ Chỉ huy Liên Xô quyết định các chiến dịch tấn công ở phía bắc Kursk và trên mặt trận phía Nam.

Điều gây bất ngờ cho Đức Quốc xã là sự phòng thủ chiến lược trên vòng cung Orlov-Kursk và cuộc tấn công sau đó của Hồng quân. Theo các nhà sử học, đó là một thảm họa đối với quân đội Đức, và một lần nữa, không thể không có sự tham gia của Demyanov hay “Flamingo”.

Điều thú vị là trong chiến dịch “Tu viện”, thông tin giả của Demyanov đã quay trở lại các cơ quan tình báo Liên Xô 3 lần dưới dạng thông tin tình báo, nhưng từ các nguồn khác. Một lần, chính Thủ tướng Anh Churchill cảnh báo Stalin rằng có người tại Bộ Tham mưu của Hồng quân đang… làm việc cho Abwehr.

Chiến dịch “Tu viện” kéo dài đến mùa hè năm 1944, nhưng danh tính điệp viên không bao giờ được giải mật. Trong vai trò mới, Demynov được chuyển từ Bộ Tổng Tham mưu sang làm bộ đội đường sắt Belorussia. Demyanov yêu cầu gửi cho mình một thiết bị vô tuyến khác, để không làm gián đoạn liên lạc với tình báo Đức tại vị trí thực hiện nhiệm vụ mới.

Trên thực tế, Heine đã tham gia vào một chiến dịch mới có tên mã là “Berezino”. Sau khi chiến dịch “Tu viện” kết thúc, Alexander Demyanov trở thành liên kết chính trong chiến dịch Berezino (còn gọi là chiến dịch Scherhorn).

Theo tài liệu lưu trữ của cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR), chiến dịch Berezino bắt đầu đồng thời với các cuộc tấn công quy mô lớn của Hồng quân vào mùa hè năm 1944 và sau đó đã giải phóng Belarus.

Sự thật ít được biết đến

Sau chiến tranh, Alexander Petrovich Demyanov làm việc tại viện nghiên cứu chuyên về kỹ thuật điện. Ông qua đời năm 1978 vì một cơn đau tim ở tuổi 68. Khi Demyanov còn sống, không ai biết về vai trò của ông trong các hoạt động tình báo phụng sự đất nước.

“Trò chơi điện đài” của Liên Xô trong Thế chiến II - Ảnh 7.
Cuốn sách “Tình báo và Điện Kremlin” của Pavel Sudoplatov – tướng chỉ huy chiến dịch “Tu viện”.

Mọi người chỉ biết về một điệp viên “Heine” trong cuốn sách “Tình báo và Điện Kremlin” của Sudoplatov – tướng chỉ huy chiến dịch “Tu viện” – đã viết trước khi mất không lâu. Ba tập thông tin giả mã hóa được Heine chuyển cho Abwehr phù hợp với ba tập bản gốc đồ sộ hiện đang được lưu trữ.

Ngoài tung tin tình báo giả, kết quả của chiến dịch “Tu viện” là 50 đặc vụ Abwehr bị bắt, và khoản tài trợ cho “Prestol” với số tiền vài triệu rúp được chính quyền Liên Xô thu giữ. Với thành tích nổi trội của mình, Alexander Demyanov được trao tặng Huân chương Sao Đỏ của Liên Xô.

CAND

Bài mới
Đọc nhiều