‘Triết lý giáo dục phổ thông Việt Nam đang đi ngược với thế giới’
“Hiện nay giáo dục đại học nước ta còn yếu kém so với thế giới nhưng cách làm của chúng ta tương đồng với họ. Trong khi đó, triết lý giáo dục phổ thông đang đi ngược lại với thế giới”.
GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, bày tỏ sự trăn trở như trên với ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhân dịp ông Thưởng đến thăm, chúc mừng 20-11 gia đình ông.
Tại buổi gặp gỡ, ông Võ Văn Thưởng đã gửi tặng bình hoa tươi thắm cùng lời chúc sức khỏe và chúc mừng 20-11 đến gia đình GS Quân.
Ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao sự đóng góp của GS Quân trong sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.
“Ở cương vị bộ trưởng Bộ GD&ĐT hay khi đã về nghỉ theo chế độ chính sách, thầy luôn dành thời gian, tâm huyết góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục. Thời gian gần đây, thầy vẫn thường xuyên tham dự các hội thảo, hội nghị và có những ý kiến để xây dựng chính sách phát triển ngành cũng như xây dựng đội ngũ chăm lo cho thế hệ học sinh, sinh viên” – ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Võ Văn Thưởng, sự nghiệp giáo dục của đất nước luôn được Đảng quan tâm. Cứ một đến hai nhiệm kỳ, trung ương đều đưa ra nghị quyết đề cập những vấn đề quan trọng đến sự phát triển giáo dục.
Ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Vì thế ngành giáo dục phải cố gắng nhiều hơn nữa trong giai đoạn hiện nay. “Cho nên hy vọng các nhà quản lý, các nhà khoa học, các thầy cô đã và đang gắn bó với sự nghiệp giáo dục sẽ tiếp tục góp ý ở nhiều cấp độ khác nhau để ngành giáo có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình” – ông Võ Văn Thưởng khẳng định.
Trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, GS Trần Hồng Quân bày tỏ niềm xúc động.
Trò chuyện với trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, GS Quân cho hay trong thời đại hiện nay, ngành giáo dục phải phát triển nhiều hơn nữa. Trong đó, giáo dục phổ thông giữ vai trò nền tảng, giáo dục đại học phải tăng tốc. Vì giáo dục đại học có phát triển thì đất nước mới giàu mạnh.
Nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết giáo dục là một vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm do đó nhận được nhiều ý kiến khen chê từ dư luận. Tuy nhiên đó là tín hiệu đáng mừng, bởi có tranh cãi, có phản biện mới nhìn ra những hạn chế, từ đó tìm giải pháp khắc phục.
“Hiện nay giáo dục đại học nước ta còn yếu kém so với thế giới nhưng cách làm của chúng ta tương đồng với họ. Trong khi đó, triết lý giáo dục phổ thông đang đi ngược lại với thế giới” – GS Quân bày tỏ sự trăn trở.
Đơn cử, học sinh Việt Nam khi tham gia các cuộc thi quốc tế về học thuật luôn đoạt giải cao so với các nước. Thế nhưng tư duy tự chủ, phản biện, chinh phục kiến thức, nghiên cứu sáng tạo thì học sinh chúng ta lại thiếu. Bởi chúng ta đang đào tạo học sinh chỉ biết học và chấp nhận. Trong khi đó, tại các nước có nền giáo dục phát triển, triết lý giáo dục khai phóng được họ đưa vào từ cấp 1.
“Nhiều phụ huynh cho con sang nước ngoài du học, thấy chương trình toán dễ hơn nước mình, họ băn khoăn, lo lắng thậm chí còn cho rằng sai lầm khi cho con du học. Tuy nhiên, thực tế ở các nước khác, những học sinh cấp 2 đã tự viết và trình bày quan điểm về một số vấn đề như phân biệt chủng tộc hay điều gì đáng tự hào ở tổ quốc của anh. Triết lý giáo dục của họ không coi trọng những kiến thức mang tính học thuật mà đi sâu vào thực tiễn. Vì thế, tôi nghĩ giáo dục phổ thông đang tồn tại nhiều vấn đề mang tính cơ bản” – GS Quân chia sẻ.
Lắng nghe những ý kiến của nhà giáo lão thành, ông Võ Văn Thưởng cám ơn những góp ý tâm huyết của GS Quân. Đây là những ý kiến quý báu góp phần phát triển giáo dục đào tạo trong thời gian tới.
NGUYỄN QUYÊN/Pháp Luật TP.HCM