+
Aa
-
like
comment

Tranh cãi kiểm toán dự án hay một phần dự án đầu tư hợp tác công tư

28/05/2020 11:05

Một số đại biểu cho rằng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cần phải kiểm toán toàn bộ, song nhiều quan điểm lại không đồng tình và chỉ nên kiểm toán những nội dung liên quan tài sản, vốn nhà nước.

Sáng 28-5, Quốc hội thảo luận về Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự kiến sẽ được bấm nút thông qua tại kỳ họp này.

Cho ý kiến về vấn đề kiểm toán với các dự án PPP, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng hiện có 2 ý kiến kiểm toán toàn bộ hay một phần dự án vì có sử dụng nguồn ngân sách.

Có vốn đầu tư nhà nước, nên phải kiểm toán toàn bộ

Theo ông, đây là dự án đầu tư công, do Nhà nước chủ trì và kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Nhà nước phải trả tiền lại cho nhà đầu tư bằng giá trị công trình hoặc bằng quyền thu phí. Do đó, bản chất hợp tác công tư là đầu tư công nên phải tuân thủ việc thực hiện kiểm toán nhà nước theo đúng quy định Luật kiểm toán.

Tranh cãi kiểm toán dự án hay một phần dự án đầu tư hợp tác công tư - Ảnh 1.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) – Ảnh: Quochoi.vn

Các nội dung kiểm toán, theo ông, cần bao gồm tính tuân thủ quy định pháp luật, quy định hợp đồng và quy chế dự án, tránh tình trạng thời gian qua các dự án BOT giao thông đặt sai vị trí; hai là kiểm toán giá trị công trình để tính toán hiệu quả thu phí, làm căn cứ trả nợ; ba là kiểm toán hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án, đảm bảo tính công khai minh bạch.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì đề nghị cần bổ sung điều khoản công khai thông tin hợp đồng, chi phí… Bởi thực tế thời gian qua nhiều dự án BOT đang có những bất cập, tiềm ẩn rủi ro thất thoát lãng phí, nên cần tăng cường tính minh bạch, tạo niềm tin cho nhân dân, động lực cho đầu tư phát triển.

Đặc biệt, hiện các dự án PPP chưa được Nhà nước kiểm toán về hiệu quả hiệu lực, trong khi đây là tài sản công, thuộc đối tượng kiểm toán nhà nước. Do đó cần phải cho kiểm toán tham gia ngay từ đầu, kiểm tra hiệu quả hiệu lực đầu tư, áp dụng loại hợp đồng kinh doanh quản lý, phân loại dự án phù hợp đặc thù từng dự án…

Tuy nhiên, liên tục có ba đại biểu tranh luận về vấn đề kiểm toán với dự án PPP.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng luật PPP theo hình thức đối tác công tư chứ không phải đầu tư công, đều có vốn nhà nước và tư nhân. Chỉ khi hết quá trình vận hành, bàn giao cho nhà nước toàn bộ mới là tài sản công 100%.

Do đó, kiểm toán toàn diện không hợp lý vì có dự án nhà đầu tư chỉ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ giao đất đai, mặt bằng. Nên việc kiểm toán chỉ nên ở các tài sản công, còn phần vốn đầu tư tư nhân thì kiểm toán giá trị đầu ra, sản phẩm chất lượng đầu ra.

Ví dụ con đường dài bao nhiêu, lưu lượng xe bao nhiêu, chịu đựng tải trọng xe thế nào; hoặc nước sạch cung cấp bao nhiêu m3/ngày, chất lượng nước ra sao hay xử lý nước thải năng lực sản xuất và được trả phí bao nhiêu…

Phần vốn góp tư nhân nên kiểm toán độc lập

“Thiết kế luật đã rõ, phần nào ngân sách nhà nước thì kiểm toán theo đầu tư công, còn cấu phần nào gồm cả vốn nhà nước và tư nhân, hoặc tư nhân thì thuê kiểm toán độc lập để minh bạch. Thiết kế như vậy vừa đúng hiến pháp, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, Nhà nước và người dân” – đại biểu Sinh cho hay.

Tiếp tục, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng dự án PPP mang tính chất đặc thù, vừa công vừa tư, nên không thể áp dụng kiểm toán công toàn bộ hay tư toàn bộ. Vì vậy, kiểm toán phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp luật, hiến pháp.

Ông Thành đề nghị xem xét thời điểm xác định tiến hành kiểm toán và chỉ nên kiểm toán ở giai đoạn khi công trình đã hoàn thành và chuẩn bị đi vào vận hành. Kiểm toán cả đầu tư, thủ tục và phần vốn nhà nước, phần vốn tư nhân đóng góp ở các chỉ tiêu cơ bản.

Đại biểu Đặng Thanh Vinh (Hậu Giang) cũng nói nếu kiểm toán khi mới triển khai dự án là quá sớm, vì chưa có nội dung gì. Quá trình triển khai cũng còn nhiều sửa đổi, nên nếu kiểm toán ban đầu liệu có đảm bảo sau này không có sai phạm hay không. Kiểm toán ban đầu cũng không phải là chứng chỉ để sau không phải kiểm toán nữa.

Trường hợp khi chuyển giao cho Nhà nước mới kiểm toán, đại biểu Vinh cũng cho muộn vì khi đó đã thu phí của người dân thời gian dài rồi ví dụ 5 năm, nhưng sau đó kiểm toán bất cập thì trả phí cho người dân thế nào, nộp ngân sách nhà nước cũng không công bằng với người dân đã trả phí.

Thu hút PPP với nhà máy điện, lưới điện

Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP vào lĩnh vực năng lượng, tờ trình dự thảo đề xuất phương án 1 thu hút đầu tư tư nhân qua hình thức PPP vào nhà máy điện, lưới điện nói riêng (trừ thủy điện).

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nói điện là hàng hóa đặc biệt không thể cất kho, nên trong bối cảnh nhu cầu tăng lên, cần phải đáp ứng. Vì vậy theo ông, dự thảo luật PPP không nên hạn chế nhà máy điện, để đảm bảo an ninh năng lượng khi thời gian qua có nhiều vấn đề, nguy cơ có thể không đảm bảo được năng lượng phát triển kinh tế.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng việc lựa chọn phương án năng lượng nói chung, lưới điện trừ nhà máy thủy điện nên thực hiện theo phương thức PPP nhằm thu hút đầu tư xã hội hóa vào ngành điện, loại bỏ tính độc quyền, tăng tính cạnh tranh cho ngành điện.

Về chia sẻ rủi ro, đại biểu Hạ nhấn mạnh cần theo nguyên tắc lời cùng hưởng, lỗ cùng chịu, song cần phải có ưu đãi thu hút tốt nhất, người dân mạnh dạn thu hút tốt nhất. Quan điểm những gì tư nhân làm được thì nên để cho tư nhân làm, chứ không nhất thiết Nhà nước giành lại, chỉ nên tập trung an ninh quốc phòng.

NGỌC AN/TT

Bài mới
Đọc nhiều