+
Aa
-
like
comment

Trăn trở về nền kinh tế nước nhà hay chỉ là sự “bụng gian miệng thẳng”?

Komi - 12/05/2021 15:29

“Thể chế của Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore là môi trường cho những “tinh túy của nền kinh tế” sống và phát triển, còn thể chế của Việt Nam là môi trường tốt cho những doanh nhiệp nhà nước và những doanh nghiệp thân hữu mà thôi”. Nhận định này liệu có đúng, hay chỉ là trò “lập lờ đánh lận con đen” với vài ba sự so sánh khập khiễng của Đỗ Ngà?

Trăn trở về nên kinh tế quốc gia hay chỉ là sự "bụng gian miệng thẳng" của Đỗ Ngà?
Trăn trở về nền kinh tế quốc gia hay chỉ là sự “bụng gian miệng thẳng” của Đỗ Ngà?

Mới đây, mạng xã hội lan truyền bài viết của Đỗ Ngà với nội dung bàn về nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã gây nên nhiều tranh cãi. Theo đó, Đỗ Ngà từ thực trạng doanh nghiệp trong nước bị doanh nghiệp ngoại “thâu tóm”, tỷ trọng đóng góp trong kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước có xu hướng giảm… đã vội kết luận chính “thể chế” đang “bóp nghẹt” doanh nghiệp Việt phát triển. Chưa hết, đối tượng này cũng sử dụng những lời lẽ thiếu thiện cảm nhằm công kích trực diện vào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thoạt nghe, bài viết của Đỗ Ngà có vẻ như phân tích khá “chuyên môn” về bức tranh kinh tế vĩ mô. Nhưng, thực chất đó chỉ là vô số những “hạt sạn” mà dường như Đỗ Ngà cố tình bày ra nhằm hướng lái dư luận.

Trước tiên, về nhận định thể chế tại Việt Nam chỉ tốt cho “doanh nghiệp nhà nước” và “doanh nghiệp thân hữu”. Đây hoàn toàn là đánh giá chủ quan, sai lệch và cũng chẳng thể hiện sự liên quan đến việc một số doanh nghiệp trong nước bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.

Theo thống kê, tính theo số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả kinh doanh bình quân trong giai đoạn 2016 – 2018, nước ta có 558.703 doanh nghiệp, trong đó có 540.548 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 96,8%); 15.686 doanh nghiệp FDI (chiếm 2,8%) và 2.469 doanh nghiệp nhà nước (chiếm 0,4%). Không chỉ đông đảo về số lượng, khối kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Với vai trò, vị thế như vậy, kinh tế tư nhân được Đảng, Nhà nước coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế để phát triển trong thời kỳ mới.

Về thực trạng doanh nghiệp Việt bị “thâu tóm”, từ những cái tên đình đám một thời như P/S, Tribeco, Diana, Huda Huế, X-men… cho đến gần đây nhất là Cotecons. Việc để mất những “tinh túy của nền kinh tế” vào tay nhà đầu tư ngoại tạo ra những lo ngại trực tiếp đến nội lực của nền kinh tế quốc gia. Trước thực trạng này, đặc biệt hơn là với sự tác động ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, mới đây, trong Kết luận số 77-KL/TW, ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, Bộ Chính trị đã đặt ra nhiệm vụ không để doanh nghiệp bị lợi dụng thâu tóm bởi nhà đầu tư ngoài nước. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh nhằm đón đầu các thời cơ, lợi thế, cơ hội mới. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng xác định phải có sự hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở phương diện khác, đặt trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, việc góp vốn, mua cổ phần, thâu tóm doanh nghiệp… chỉ là một diễn biến theo quy luật chung. Các thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) giúp cho các doanh nghiệp tái cấu trúc nguồn lực của mình; đồng thời là giải pháp đầu tư hiệu quả khi có thể tiếp cận thị trường một cách tối ưu nhất. Điều này có nghĩa, khi đã tham gia vào nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, doanh nghiệp Việt luôn phải đối mặt với nguy cơ bị “thâu tóm” bởi doanh nghiệp ngoại. Điều đó có nghĩa rằng, thực trạng mua bán cổ phần, thâu tóm doanh nghiệp không phụ thuộc vào thể chế chính trị hay loại hình doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân) mà phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh, mục tiêu, tầm nhìn của từng doanh nghiệp.

Như vậy, không còn lý do gì để phán xét thể chế là nguyên nhân “bóp nghẹt” sự phát triển của những doanh nghiệp “tinh túy của nền kinh tế”.

Thứ hai, về nhận định “mức thu nhập trung bình của người Việt càng bị nhóm trung bình của thế giới nới rộng khoảng cách” hay “GDP bình quân đầu người cao nhưng thực chất người dân Việt Nam không được hưởng bao nhiêu”. Đây tiếp tục lại là một đánh giá chủ quan, thậm chí là vô căn cứ hơn cả nhận định ban đầu.

Đỗ Ngà so sánh cơ học khoảng cách GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với mức trung bình thế giới bằng vài ba phép cộng trừ, nhưng lại vô tình hay cố ý bỏ bẵng đi rằng Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm 2020. Tính chung cả thời kỳ Chiến lược 2011 – 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới…

Còn về “mức hưởng” của người dân từ tăng trưởng kinh tế, cứ nhìn vào thực trạng mức sống của cộng đồng dân cư là đủ hiểu. Đô thị, nông thôn mười năm trước như thế nào? Đô thị, nông thôn của hiện nay như thế nào…?

Suy cho cùng, nhận định rằng Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” là hoàn toàn khách quan và dựa trên thực tiễn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhắc lại nhận định này không phải riêng rẽ chỉ là sự nhận định cá nhân mà còn khẳng định đó là “sự đồng tình của toàn dân”!

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều