+
Aa
-
like
comment

TP.HCM xử lý bài toán “có tiền nhưng không tiêu được”

Công Luân - 27/12/2022 15:18

Từ nhiều năm nay, giải ngân vốn đầu tư công đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương, bộ, ngành. Và mới đây, TP.HCM đã có phương thức để xử lý bài toán này!

Những dự án chậm giải ngân gây ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển của thành phố

Trong khi nền kinh tế đang ở giai đoạn phục hồi, nhu cầu đầu tư phát triển, đầu tư công đang trở thành động lực vô cùng quan trọng cần được thúc đẩy. Trên thực tế, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư không chỉ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn để đảm bảo đồng vốn được sử dụng hiệu quả, tận dụng tối đa các lợi ích mà dự án sử dụng vốn đem lại. Và ngược lại, chậm thực hiện dự án làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, trong đó 6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi. Tính trung bình, nếu chậm trễ 2 – 3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính.

Bên cạnh đó, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tỷ lệ tăng trưởng hồi phục kinh tế sẽ chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư công. Nhất là thời điểm, cả thế giới đang gặp những biến cố, khủng hoảng sau đại dịch. Đây là thời cơ không thể tốt hơn trong một thập kỷ qua, để Việt Nam hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại kết nối toàn quốc. Bài học từ Trung Quốc khi họ dành nhiều thập kỷ cải tổ kinh tế để hoàn tất mạng lưới giao thông hiện đại trước khi cất cánh chiếm ngôi vị ngôi sao kinh tế thứ hai, xét về quy mô, của thế giới vẫn còn đó.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so cùng kỳ năm 2021. Trớ trêu thay, chúng ta lại không thể quy được trách nhiệm cho ai, cũng không biết chậm ở khâu nào.

Công bằng ghi nhận, thời gian qua hàng loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn, những nút thắt cho các dự án chậm giải ngân vốn từ khâu triển khai của các địa phương đến cơ chế, chính sách từ bộ, ngành đã được triển khai. Tuy nhiên, nguyên nhân chậm giải ngân cần phải nhìn nhận rõ về mặt con người. Dù chính sách có tốt cỡ nào nhưng người quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm thì vẫn không thể phát huy hết hiệu quả. Rõ ràng, điều mà ai cũng nhìn thấy là do nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý đã khiến những người công bộc chùn tay, viện đủ mọi lý do thủ tục để bao biện, lắt léo khiến cho những sự việc đã khó nay còn rơi vào bế tắc.

Chính vì vậy, tăng tính kỷ luật trong giải ngân đầu tư công là câu chuyện cần được làm mạnh tay hơn, tăng trách nhiệm đối với chủ đầu tư từng dự án, với từng địa phương, từng bộ, ngành là điều cần phải được chú trọng. Mới đây, TP.HCM đã đưa ra một giải pháp rất có triển vọng và thiết thực, đó là không giải quyết tăng lương cho cán bộ nếu tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30%.

Với một thành phố kinh tế của cả nước, việc đi đầu trong các biện pháp cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ là một điều đáng hoan nghênh. Dù kết quả vẫn còn phải đợi thời gian để trả lời, nhưng rõ ràng cái dư luận đang thấy được là tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo thành phố.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều