TP HCM quyết liệt xử lý doanh nghiệp nợ BHXH
Theo quy định hiện hành, một năm cơ quan BHXH chỉ được thanh tra doanh nghiệp một lần dẫn đến tình trạng lờn luật
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự (BLHS), doanh nghiệp (DN) trốn đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ) từ 6 tháng với 50 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự bằng hình thức phạt tiền hoặc phạt tù. Thực hiện quy định này, BHXH TP HCM đã gửi danh sách 33 DN vi phạm sang cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý hình sự. Tuy nhiên, do thời gian qua, chưa có hướng dẫn thực hiện nên đến nay vẫn chưa có DN nào bị xử lý hình sự. Điều này dẫn đến tình trạng DN “lờn luật”, đồng thời BLHS chưa phát huy được tính răn đe như kỳ vọng.
Doanh nghiệp lờn thuốc
Ngay khi BLHS có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2018), tháng 3-2018, BHXH TP đã chuyển hồ sơ sang Công an TP đề nghị điều tra, xử lý hình sự DN nợ BHXH đầu tiên, đó là Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi, TP HCM). Theo kết luận thanh tra, từ tháng 9-2015 đến hết tháng 11-2017, công ty nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 28 tỉ đồng của khoảng 600 lao động. Đến tháng 12-2017, công ty này mới chỉ khắc phục được hơn 2,9 tỉ đồng. Biết tin bị đề nghị xử lý hình sự, ông Nam Sung Ho, giám đốc công ty, lập tức gửi công văn đề nghị BHXH TP cho phép trả nợ dần từng tháng một cho đến năm 2020 nhưng không được chấp thuận. Sau đó, vì không bị xử lý gì nên công ty vẫn hoạt động và ngưng hẳn việc đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. Để đòi quyền lợi, một số NLĐ đã khởi kiện ra tòa và thắng kiện nhưng công ty chây ì không chịu thi hành án. Đến tháng 11-2018, giám đốc công ty này “biến mất”, để lại khoản nợ BHXH gần 29 tỉ đồng.
Tiếp đó, tháng 4-2019, BHXH TP tiếp tục chuyển hồ sơ 10 DN nợ BHXH (tổng số tiền nợ hơn 54 tỉ đồng) đề nghị công an điều tra, xử lý hình sự. Ngay lập tức, có 6 DN khắc phục một phần nợ với tổng số tiền khoảng 16 tỉ đồng. Tuy nhiên, cũng có DN chây ì, điển hình như Công ty CP Xây dựng Công nghiệp Descon (quận 1). Thời điểm bị đề nghị xử lý, công ty này nợ BHXH hơn 12,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn không chịu khắc phục nợ. Tính đến tháng 7-2019, số nợ đã lên đến hơn 13,3 tỉ đồng. Tương tự, số nợ BHXH, BHYT, BHTN Công ty CP Tư vấn TM DV Địa ốc Hoàng Quân (quận Phú Nhuận) nợ của NLĐ là hơn 9,2 tỉ đồng, nay đã lên hơn 10 tỉ đồng và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Đầu tháng 8 vừa qua, 22 DN chây ì trong việc khắc phục nợ đã bị BHXH TP lập danh sách gửi cơ quan công an xử lý.
Theo BHXH TP, các DN bị đề nghị xử lý hình sự đều từng bị cơ quan BHXH tiến hành thanh tra, kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Tuy nhiên, kết quả đâu lại vào đấy, nợ vẫn hoàn nợ. “Việc xử lý DN nợ BHXH theo quy định của BLHS chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn nên chưa phát huy tính răn đe. Hơn nữa, theo quy định hiện hành, 1 năm chỉ được thanh tra DN 1 lần, đồng thời việc cưỡng chế DN thực hiện quyết định xử phạt sau thanh tra còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng “lờn luật” trong DN”, một cán bộ Phòng Thanh tra – Kiểm tra BHXH TP, lý giải.
Doanh nghiệp nợ BHXH đã biết sợ
Để khắc phục tình trạng trên, mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 214, 215, 216 về tội gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, cho NLĐ của BLHS. Việc ra đời nghị quyết này được giới chuyên môn và NLĐ đánh giá cao bởi ngoài việc góp phần đưa BLHS vào thực tiễn, nó còn nâng cao tính răn đe và bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.
Sau khi nghị quyết được công bố, một số DN nợ BHXH đã có chuyển biến tích cực. Điển hình như Công ty CP Vận tải Tốc hành Mai Linh (quận 10) đã liên hệ cơ quan BHXH truy nộp nợ BHXH. Trước đó, từ tháng 6-2016, công ty này bắt đầu nợ BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ và từng bị BHXH TP thanh tra, xử phạt số tiền 150 triệu đồng. Thế nhưng, sau đó công ty vẫn để nợ BHXH, BHYT, BHTN đến gần 4 tỉ đồng nên đã bị BHXH TP đề nghị công an xử lý theo quy định của BLHS. Sau 2 lần trả nợ gốc và lãi vừa qua, hiện công ty này vẫn còn nợ khoảng 1,8 tỉ đồng tiền lãi.
Theo BHXH TP HCM, Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 có tác động rất lớn trong việc xử lý DN nợ BHXH. Cụ thể, nghị quyết tạo hành lang pháp lý quan trọng để xử lý DN vi phạm pháp luật BHXH, BHYT để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, buộc chủ sử dụng lao động chấp hành đầy đủ quy định về pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, đây cũng là công cụ quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT, bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi để DN, NLĐ được hưởng quyền lợi theo đúng quy định.
Ông PHAN VĂN MẾN, Giám đốc BHXH TP HCM:
Bảo đảm quyền thụ hưởng của NLĐ
BLHS năm 2015 bổ sung 3 tội danh là tội gian lận BHXH, BHTN; gian lận BHYT; trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Tuy nhiên, bộ luật này vẫn còn có nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Cơ quan BHXH các địa phương đã chuyển nhiều hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý về các hành vi trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN thế nhưng do nhiều vướng mắc về quy trình khởi kiện cũng như việc xử lý đối với các hành vi vi phạm nên chưa có kết quả. Sắp tới, BHXH TP sẽ phối hợp với cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát và các ngành liên quan để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP, nhằm bảo đảm quyền thụ hưởng của NLĐ.
(Theo Người Lao Động)