+
Aa
-
like
comment

TP.HCM: Giảm cán bộ không chuyên trách, xã đông dân gặp khó

21/12/2020 06:37

Từ ngày 1-1-2021, TP.HCM chính thức cắt giảm gần 2.300 cán bộ không chuyên trách khiến các phường, xã đông dân trên địa bàn TP “đau đầu”.

Bắt đầu từ ngày 1-12, nhiều phường, xã trên địa bàn TP.HCM đã chính thức thông báo việc chấm dứt hợp đồng đối với số cán bộ không chuyên trách bị dôi dư sau khi thực hiện Nghị quyết số 06/2020 của HĐND TP. Đây là nghị quyết về việc thực hiện quy định chức danh, bố trí số lượng và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn.

Tuy nhiên, việc này đã khiến các phường, xã đông dân “đau đầu” vì áp lực khi phải cắt giảm một số lượng lớn cán bộ không chuyên trách. Bởi thực tế, các địa bàn dân đông, rộng, giáp ranh phức tạp phải cần đến đội ngũ cán bộ này mới đảm nhận hết số lượng công việc.

TP.HCM: Giảm cán bộ không chuyên trách, xã đông dân gặp khó - ảnh 1
Phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân lo lắng về áp lực khó có thể hoàn thành nhiệm vụ khi phải cắt giảm 28 cán bộ không chuyên trách. Ảnh: LÊ THOA

Xã đông dân “mất” 41 cán bộ

Giữa tháng 11-2020, chúng tôi có mặt tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, dù đã hơn 11 giờ nhưng các cán bộ tại bộ phận một cửa vẫn tất bật trả, nhận hồ sơ cho người dân.

Ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã, chỉ vào hai chồng hồ sơ trên bàn và cho biết đó là kết quả của buổi chiều hôm trước do ông đi họp trên TP nên không thể giải quyết xong. “Sáng nay tôi vừa giải quyết số hồ sơ tồn hôm qua, vừa làm hồ sơ mới” – ông Duy nói.

Theo ông Duy, hiện xã Vĩnh Lộc A là xã đông dân nhất TP với dân số trên 130.000 người, diện tích gần 2.000 ha. Tuy nhiên, xã chỉ có 79 biên chế, trong đó 55 người là cán bộ không chuyên trách. “Khi thực hiện Nghị quyết số 06, xã sẽ giảm 41 cán bộ không chuyên trách. Trong số này có nhiều người phụ trách tiếp nhận và trả hồ sơ cho dân. Nếu tinh giản thì bộ phận một cửa sẽ gần như… không còn ai” – ông Duy cho hay.

Cũng theo chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, nhiệm vụ của từng bộ phận ở tất cả xã, phường là giống nhau nhưng đầu việc và khối lượng công việc là khác nhau. Nếu tinh giản theo quy định thì 17 cán bộ kinh tế của xã Vĩnh Lộc A chỉ còn một người, phụ trách cả bốn lĩnh vực gai góc là địa chính – xây dựng – đô thị – môi trường, chỉ đi địa bàn cũng đã đuối sức.

Tương tự, bộ phận văn thư – lưu trữ từ 11 người giảm còn một người, vừa quán xuyến công tác văn phòng, tiếp nhận, xử lý văn bản đi và đến, phụ trách bộ phận một cửa, sao y chứng thực, đóng dấu cho dân, vừa hỗ trợ tổ địa chính… Trong khi trước đó, mỗi đầu việc này sẽ do một cán bộ phụ trách.

“Với lượng công việc và số cán bộ như hiện nay, nếu làm thêm buổi tối, cuối tuần thì vừa sức để gồng gánh. Nếu giảm đi 41 cán bộ thì dù có giải pháp hay, con người tốt đến mấy cũng sẽ hạn chế trong việc phục vụ tốt nhất cho người dân. Với vai trò là chủ tịch, tôi vẫn ở đây đến 8-9 giờ tối để giải quyết công việc cho dân” – ông Duy khẳng định.

Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn được bố trí theo quy định về phân loại đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn thuộc TP.HCM từ 10 đến 14 người. Cụ thể, đơn vị loại một giảm từ 22 xuống 14 người, đơn vị loại hai giảm từ 20 xuống 12 người và đơn vị loại ba giảm từ 19 xuống 10 người. Số lượng chức danh người hoạt động không chuyên trách cũng giảm từ 21 xuống 13 vị trí.

(Theo Nghị quyết 06/2020 của HĐND TP.HCM)

TP.HCM: Giảm cán bộ không chuyên trách, xã đông dân gặp khó - ảnh 2
Cán bộ tại Phòng tiếp nhận và trả hồ sơ UBND quận Thủ Đức đang giải quyết hồ sơ cho dân. Ảnh: THANH TUYỀN

18 cán bộ kinh tế chỉ còn một

Ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã, cho biết với khoảng 127.000 dân, buộc phải giảm 31 cán bộ không chuyên trách sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo ông Phong, lĩnh vực trật tự xây dựng, môi trường ở địa phương này vốn dĩ đã rất phức tạp. “Với 18 cán bộ kinh tế như lâu nay vẫn không làm xuể do có rất nhiều công trình tồn, mỗi năm hàng ngàn hồ sơ hành chính về đất đai, xây dựng, việc đi tuần tra, kiểm tra ở những ấp có diện tích rộng hơn xã khác cũng rất áp lực…, thế nhưng giờ giảm chỉ còn một người” – ông Phong nói.

Ông Phong cũng phân tích thời gian qua, hầu như tất cả công việc từ trung ương đến địa phương đều giao về cho xã. Chẳng hạn, một công trình được Sở Xây dựng lập hồ sơ xây dựng sai phép nhưng lại giao cho xã cưỡng chế. Trong lĩnh vực môi trường, cơ quan chức năng lấy mẫu vi phạm nhưng xã phải đi cưỡng chế. Đến cả thi hành án cũng lấy lực lượng của xã…

“Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực an ninh thực phẩm, xây dựng, môi trường, sản xuất,… hiện đang trong giai đoạn nhạy cảm trước tết. Bởi thời điểm này, các cơ sở kinh doanh sẽ tăng cường sản xuất nên xả thải ra môi trường; người dân cũng sẽ sửa sang nhà cửa, phát sinh xây dựng sai phép; các đầu nậu cũng buôn bán hàng lậu…” – ông Phong lo lắng.

Còn phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân hiện có 42 cán bộ không chuyên trách, phục vụ cho hơn 125.000 dân. Theo ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường, với việc phải sắp xếp 28 cán bộ dôi dư thì phường sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi tất cả công việc của cán bộ không chuyên trách sẽ chuyển sang cho công chức phường.

“Bình quân mỗi cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách của phường phục vụ cho khoảng 2.000 dân. Sau khi cắt giảm, nếu tính cả số cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách thì phường còn 37 người, tức một người sẽ phục vụ cho gần 3.400 dân. Như vậy chất lượng phục vụ người dân sẽ giảm đi nhiều” – ông Ngân nói.

Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A cũng cho rằng với tình hình này, cán bộ không chỉ quá tải về giải quyết thủ tục hành chính cho dân mà còn kéo theo nhiều bất cập khác như công tác quản lý, điều hành bị hạn chế; đồng thời sẽ gặp rất nhiều áp lực, khó khăn trong giải quyết công việc, nhất là ở một số lĩnh vực nóng như đất đai, xây dựng, vệ sinh, môi trường, xã hội,…

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, cũng nhìn nhận địa bàn phường giáp sông, rạch nên phải có cán bộ phụ trách phòng, chống lụt bão…

“Phường lớn, số lượng công chức còn thiếu, cán bộ không chuyên trách lại ít nên bị quá tải, nhiều trường hợp địa phương cũng không thể linh động được” – ông Tuấn nêu cái khó.

Cán bộ thai sản không thuộc diện sắp xếp

Theo Văn bản số 4843 của Sở Nội vụ TP. hcm, trường hợp người hoạt động không chuyên trách là nữ mang thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi không thuộc diện sắp xếp dôi dư. Tuy nhiên, việc này đã khiến nhiều phường, xã băn khoăn.

Với số dân hơn 81.000 người nhưng UBND phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân phải giảm 17/31 cán bộ không chuyên trách. Trong số 14 cán bộ được giữ lại có ba người thuộc diện mang thai, thai sản. “Khi cắt giảm hơn một nửa cán bộ thì áp lực công việc sẽ tăng lên gấp đôi. Việc giữ lại các cán bộ nữ đang mang thai, thai sản liệu có đảm bảo được chất lượng công việc? – ông Võ Văn An, Chủ tịch UBND phường, lo lắng.

Theo ông An, nữ cán bộ mang thai thường sức khỏe không đủ đảm bảo, đi địa bàn cũng khó khăn… Chưa kể là nếu nghỉ thêm sáu tháng thai sản thì công việc sẽ không có ai đảm nhiệm, còn đi làm sớm cũng không ổn vì sẽ ảnh hưởng sức khỏe.

Còn lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức cho biết một cán bộ đang mang thai của phường dù không thuộc diện dôi dư nhưng đã chủ động viết đơn xin nghỉ.

Cán bộ bị cắt giảm nói gì?

Nhiều cán bộ gắn bó lâu với công việc ở phường, xã đều tỏ ra hụt hẫng, tiếc nuối khi bị tinh giản, thế nhưng người được giữ lại cũng đầy những lo lắng.

Là một trong số cán bộ bị dôi dư, anh Huỳnh Tường Vũ (34 tuổi), hiện phụ trách mảng tư pháp – hộ tịch ở UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, cho biết hằng ngày ngoài giờ hành chính thì anh phải ở lại làm việc đến tối muộn mới giải quyết hết công việc. “Mình cống hiến bao nhiêu năm mà giờ nằm trong diện tinh giản, nghe không buồn sao được nhưng quy định vậy, chấp nhận thôi” – anh Vũ tâm sự.

Trong khi đó, anh Đoàn Công Hưng (34 tuổi), cán bộ địa chính phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, đã chia sẻ với lãnh đạo phường về mong muốn được ký hợp đồng lao động để tiếp tục làm việc.

“Dù khi chuyển qua làm cán bộ hợp đồng, chế độ trợ cấp thấp hơn nhưng tôi vẫn muốn làm. Bởi tôi làm ở phường đã quen, đây cũng là lĩnh vực chuyên môn của mình nữa” – anh Hưng trải lòng.

TP.HCM: Giảm cán bộ không chuyên trách, xã đông dân gặp khó - ảnh 3
Sau khi cắt giảm, anh Nguyễn Tấn Thành (bìa phải) sẽ gánh công việc của chín cán bộ kinh tế tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Ảnh: LÊ THOA

Còn chị Nguyễn Khắc Lan Chi, 36 tuổi, phụ trách công tác tư pháp – hộ tịch của phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, đã lâu. Mỗi ngày chị Chi tiếp nhận hàng trăm hồ sơ, nhiều hôm chị phải ở lại xử lý hồ sơ đến 7 giờ tối mới xong. Những ngày qua, dù đã biết mình thuộc diện dôi dư, buộc cắt giảm, chị Chi vẫn cố gắng để hoàn thành tốt công việc của mình. “Chúng tôi vẫn đang kềm lại mọi cảm xúc để làm việc trong thời gian còn lại. Sau này nếu ở nhà thì sẽ thấy hụt hẫng lắm” – chị Chi xúc động nói.

Chị Chi cũng cho biết dù đã chuẩn bị nhưng đến giờ này chị cũng chưa biết sẽ làm công việc gì sắp tới. “Mình làm trong môi trường này nhiều năm, đã quen rồi. Bây giờ ra ngoài xin việc thì các đơn vị tuyển dụng đều ưu tiên người trẻ tuổi…” – chị Chi nói thêm.

Đối với anh Nguyễn Tấn Thành (36 tuổi), cán bộ kinh tế phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, thì lại rất bất ngờ khi được lãnh đạo phường giữ lại tiếp tục công tác. “Dù vậy nhưng tôi cũng rất lo lắng bởi trước đây lĩnh vực này có đến chín cán bộ không chuyên trách, giờ chỉ còn mình tôi” – anh Thành chia sẻ.

Theo anh Thành, mỗi ngày ngoài đi địa bàn với 18 khu phố, anh còn phải lo nhiều báo cáo, văn bản, xác minh… Chưa kể các sự vụ đột xuất như xử lý hàng gian, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm. Có cao điểm xử lý vi phạm phải đi từ 2 giờ đến 3 giờ sáng… “Công việc dù có áp lực tôi cũng sẵn sàng làm nhưng nếu chỉ còn một mình thì chưa biết thế nào” – anh Thành nói.

Trong khi đó, chị Ngọc Hằng, cán bộ văn phòng Đảng ủy phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, sẽ một mình đảm nhiệm công việc của bốn người sau khi ba cán bộ của bộ phận này bị cắt giảm.

Theo chị Hằng, hiện chị đang phụ trách công tác dân vận và tuyên giáo, đồng thời choàng gánh thêm việc cho ủy ban kiểm tra và cả công tác tổ chức ở phường, làm công tác tham mưu cho Đảng ủy… Với áp lực này, nếu như chỉ còn mình chị thì e sẽ khiến chất lượng công việc không đảm bảo.

Sẽ tính toán để cán bộ kiêm nhiệm thêm việc

Lãnh đạo phường đang tính toán để cán bộ đoàn thể kiêm nhiệm thêm một số nội dung của Đảng ủy, chính quyền, nhằm hỗ trợ nhau đảm đương công việc sau khi chấm dứt hợp đồng đối với số cán bộ không chuyên trách dôi dư.

Nhiều cán bộ dôi dư đã đề đạt nguyện vọng được phường ký hợp đồng lao động để tiếp tục gắn bó với công việc. Tuy nhiên, hiện phường không có nguồn kinh phí để ký hợp đồng, chưa kể phường cũng chưa biết sẽ ký hợp đồng cho cán bộ với chức danh gì vì chưa có quy định, hướng dẫn.

Ông VÕ VĂN AN, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân

Phường kiến nghị tăng chỉ tiêu công chức

Ban chấp hành Đảng ủy xã đã rất khó khăn để đưa ra danh sách cán bộ dôi dư, bởi tất cả đều tương đương nhau về trình độ, năng lực. Do đó, xã đã lựa chọn những cán bộ có tâm trong công việc, có thái độ làm việc chuẩn mực.

Tới đây, khi phải cắt giảm 41/55 cán bộ không chuyên trách, lãnh đạo xã sẽ tự thực hiện nghiên cứu, báo cáo và ký văn bản luôn chứ không cần người tham mưu nữa, đồng thời hạn chế các cuộc họp không cần thiết để tập trung công việc tối đa.

Chúng tôi kiến nghị được tăng chỉ tiêu về cán bộ, công chức, bởi riêng trong lĩnh vực trật tự xây dựng thì chỉ công chức mới được lập hồ sơ xử lý. Với ba công chức địa chính hiện có thì mỗi người phải gánh trên 40.000 hộ dân và diện tích trên 600 ha. Trong khi đó, nhiều vụ việc đã tồn tại từ rất nhiều năm trước khiến áp lực dồn lên vai cán bộ trở lên cao hơn.

Tôi cũng đề nghị TP hỗ trợ kinh phí để xã ký lại hợp đồng đối với những cán bộ thuộc diện tinh giản và có mong muốn tiếp tục gắn bó với công việc, đồng thời có cơ chế đặc thù cho xã đông dân.

Ông TRẦN VŨ HỮU DUY, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh

Đề nghị hỗ trợ kinh phí để ký hợp đồng thời vụ

Trước mắt, tôi đề nghị TP có thể hỗ trợ kinh phí để phường ký hợp đồng thời vụ với một số cán bộ có năng lực nhằm giúp phường phục vụ dân tốt hơn. Còn về lâu dài, phường kiến nghị tăng biên chế công chức cho cấp phường để các cán bộ không chuyên trách có cơ hội thi công chức và tiếp tục công tác; tăng mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách còn lại để lực lượng này an tâm công tác.

Tôi cho rằng nên quy định số lượng cán bộ không chuyên trách trên cơ sở dân số, đồng thời đề nghị TP xem xét chia tách địa giới hành chính do dân số của phường hiện đã gấp nhiều lần so với các địa phương khác.

Ông NGUYỄN VĂN NGÂN, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân

Có cơ chế đặc thù cho phường đông dân

Hiện chúng tôi đang chờ kỳ thi công chức sắp tới xem có phân bổ được thêm cán bộ cho phường hay không. Chúng tôi cũng kỳ vọng khi thành lập TP Thủ Đức, với lượng cán bộ dôi dư sau đó sẽ được phân bổ về cho các phường đông dân; hoặc sẽ có cơ chế đặc thù cho phường đông dân vì nếu kéo dài tình trạng như vậy sẽ rất khó khăn cho phường.

Theo tôi, việc phân bổ cán bộ không chuyên trách không nên cào bằng, áp một quy chuẩn chung cho tất cả các phường mà phải căn cứ vào đặc thù của địa phương, địa giới hành chính, lượng dân cư, tốc độ đô thị hóa… để có sự cân đối.

Thực tế phường có thể ký hợp đồng để tiếp tục làm việc với các cán bộ bị cắt giảm nhưng việc ký hợp đồng như thế cũng gây khó cho người lao động, bởi lương không đảm bảo cho cuộc sống của họ, thậm chí đến cuối năm cũng không có thưởng nên sẽ bị thiệt thòi.

Ông NGUYỄN NGỌC TUẤN, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức

LÊ THOA – THANH TUYỀN/PL

Bài mới
Đọc nhiều