+
Aa
-
like
comment

TP.HCM đề ra nhiều dự án giao thông nhưng hoàn thành được vài công trình

11/07/2020 07:24

Các đại biểu HĐND cho rằng giải phóng mặt bằng chậm, đầu tư dàn trải khiến nhiều công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM thi công dở dang, chậm tiến độ.

“Trong lần đi giám sát dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), chúng tôi gặp một bà cụ đã 80 tuổi. Bà kể khi thực hiện dự án này bà mới 60, bà nói chỉ mong sống được đến lúc nhìn thấy cây cầu hoàn thành”, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ bày tỏ nỗi bức xúc về sự chậm tiến độ của dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè).

Tại phiên thảo luận chuyên đề về tiến độ, hiệu quả triển khai các công trình, dự án giao thông trọng điểm chiều 10/7 của HĐND TP.HCM, nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan ngại trước hàng loạt giao thông bị đình trệ, ngừng thi công bởi nhiều lý do.

Bao giờ hết cảnh cầu chờ đường, đường chờ cầuĐại biểu Lê Minh Đức dẫn chứng dự án cầu Nam Lý (quận 9, TP.HCM) khởi công tháng 10 năm 2016, dự kiến công trình chỉ mất 1 năm rưỡi để khánh thành. Tuy nhiên đến nay, dự án chưa hoàn thiện và phải ngừng thi công 2 năm để chờ mặt bằng.

“Trong dự án cầu Nam Lý, hạ tầng cầu đã xong nhưng lại phải đợi bàn giao mặt bằng để làm đường chân cầu. Bà con nơi đây rất bức xúc bởi sống trong cảnh thi công dở dang, cầu chờ đường, đường chờ lại cầu”, ông Lê Minh Đức thông tin.

Du an cham tien do HCM anh 1
Bà Nguyễn Thị Lệ tại kỳ họp HĐND TP.HCM. Ảnh : Duy Anh.

Một dự án khác tại TP.HCM đã chậm tiến độ đến 4 năm, gây bức xúc trong nhân dân là nâng cấp, mở rộng tuyến đường Lương Định Của (quận 2). Người dân quận 2 phải chịu cảnh trời nắng thì bụi bặm, trời mưa thì lầy lội.

“Dự án này chậm bởi mức bồi thường thấp, việc bàn giao mặt bằng khó khăn. Nhưng để người dân sống trong cảnh dở dang đến 2 năm hay 4 năm thì có cần đánh giá lại năng lực tài chính, chuyên môn của doanh nghiệp, đơn vị thi công đã được giao hay không?”, đại biểu Đức đặt câu hỏi.

Trả lời ý kiến phản ảnh của các đại biểu HĐND, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông TP.HCM, chia sẻ vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang là áp lực lớn nhất trong việc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.

Ông thừa nhận tình trạng chậm tiến độ có phần trách nhiệm về năng lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công nhưng đó không phải vấn đề quá lớn. Khi được bàn giao mặt bằng sạch, hầu hết công trình trọng điểm chỉ mất 1 đến 2 năm để hoàn thành.

“Đối với dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), UBND huyện đã cam kết bàn giao mặt bằng vào cuối năm nay. Sau khi có mặt bằng, dự án cần 12 tháng để hoàn thành”, ông Phúc báo cáo HĐND.

Du an cham tien do HCM anh 2
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông TP.HCM. Ảnh: Duy Anh.

Theo kết quả giám sát của HĐND TP.HCM, Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng các công trình giao thông chịu trách nhiệm 75 dự án trên địa bàn. Trong đó 18 dự án đang được thực hiện; 29 dự án thi công cầm chừng; 28 dự án phải ngừng thi công.

Giám đốc ban quản lý cho biết các dự án đầu tư cầm chừng do phải vừa làm vừa đợi mặt bằng chuyển giao, các dự án phải ngừng thi công do chưa hoàn thiện các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng.

“Ban quản lý cam kết 16 dự án sẽ được hoàn thành trong năm nay, 14 dự án ngừng thi công cũng được bàn giao mặt bằng trong năm và 14 dự án còn lại sẽ tập trung tìm cách tháo gỡ trong năm 2021”, ông Lương Minh Phúc khẳng định.

Đề ra nhiều nhưng thực hiện được ítTheo danh mục các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020 UBND TP.HCM ban hành, 172 dự án dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Tuy nhiên hiện tại, chỉ 37 dự án được hoàn thành, 70 dự án chưa thực hiện và 65 dự án đang ngừng thi công.

Du an cham tien do HCM anh 3
Nút giao Mỹ Thủy là một trong những công trình chậm tiến độ và đội vốn tại TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh

Đại biểu Lê Minh Đức cho rằng số lượng dự án lớn thể hiện sự chuẩn bị cẩn thận cùng tầm nhìn của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn thành ở mức thấp cho thấy rõ tình trạng khó khăn của nguồn vốn và mặt bằng, sự thiếu quyết liệt của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.

“Chúng ta cần có cơ chế đánh giá thêm về mức độ thiệt hại đối với phát triển kinh tế khi đưa ra nhiều công trình nhưng tỷ lệ thực hiện được lại ở mức thấp”, vị đại biểu HĐND TP.HCM đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM, cùng nhận xét việc quá nhiều công trình trọng điểm được đưa vào kế hoạch là khó khả thi đối với tình hình của thành phố. Ông Nhựt cho rằng việc đầu tư dàn trải là lý do khiến nguồn lực bị chia nhỏ, nhiều công trình kéo dài, không dứt điểm.

“Theo tôi thành phố nên xem xét, đánh giá nguồn lực hiện có rồi đầu tư cuốn chiếu. Nguồn lực bao nhiêu, dự kiến công trình nào thì dồn sức hoàn thành công trình đó”, Phó ban Đô thị HĐND TP.HCM góp ý.

Đại diện Ban Đô thị HĐND TP.HCM cũng bày tỏ băn khoăn trước thứ tự danh mục ưu tiên các công trình trọng điểm, được ưu tiên. Ông dẫn chứng nhiều công trình mang tính chiến lược như việc khép kín vành đai 2, vành đai 3 đến nay chưa thực hiện được, cũng không nằm trong thứ tự ưu tiên là 1 bất cập của giao thông thành phố.

Quang Huy – Thu Hằng/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều