TP.HCM đã tận dụng thỏi nam châm siêu hút vốn FDI như thế nào?
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2002, Khu Công nghệ cao (KCNC) của TP.HCM đã trở thành “địa chỉ” đầu tư quen thuộc của nhiều dự án công nghệ cao trong và ngoài nước. Trong đó, tổng vốn đầu tư FDI cho KCNC trong 6 tháng đầu năm 2022 hiện đã đạt hơn 12,06 tỷ USD với gần 160 dự án khác nhau.
Trong suốt 20 năm, KCNC TP.HCM luôn là một trong những đặc khu kinh tế – kỹ thuật thu hút nhiều vốn đầu tư nhất cho thành phố. Mặc dù trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thành phố vẫn duy trì dấu hiệu tăng trưởng tích cực với tổng vốn đầu tư nước ngoài là 3,81 tỷ USD. Trong đó, KCNC là đơn vị dẫn đầu về sản xuất sản phẩm công nghệ cao với hơn 16,2 tỷ USD tăng 19,82% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu đạt hơn 15,4 tỷ USD tăng gần 23,6%.
Trong năm 2021, TP.HCM tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tổng số vốn đầu tư FDI tính đến ngày 20/12/2021 mà TP.HCM ghi nhận được là 3,74 tỷ USD, trong đó KCNC vẫn tiếp tục là điểm sáng đóng góp hơn 10% Tổng GRDP Thành phố. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TPHCM).
Tính đến cuối tháng 6/2022, KCNC đã “hút” hơn 12 tỷ USD vốn đầu tư với gần 160 dự án công nghệ cao trong và ngoài nước, đóng góp gần 50% giá trị xuất khẩu của toàn thành phố. Các dự án tại đây cũng đang tạo ra việc làm cho gần 52.000 người, trong đó có khoảng 570 lao động nước ngoài. Dự kiến đến cuối năm nay, KCNC sẽ đạt hơn 23 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và trở thành đơn vị chủ lực có tác động trực tiếp đến sự phát triển của kinh tế TP.HCM sau dịch.
Bên cạnh vai trò là “thỏi nam châm” hút đầu tư của thành phố, KCNC còn đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với Thành phố Thủ Đức. Việc các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rót vốn vào KCNC đã giúp cho giá trị bất động sản của các khu vực quanh đó tăng nhanh. Mặt khác, sự xuất hiện của KCNC cũng kéo theo hàng loạt những tiện ích và dịch vụ khác “mọc” lên như nấm, chẳng hạn như các trung tâm giải trí, trung tâm thương mại, khu vui chơi, khu nhà ở, trường học, công cộng… Điều đó không chỉ giúp làm tăng tốc độ phát triển kinh tế của thành phố Thủ Đức mà còn góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.
KCNC hiện lấp đầy hơn 85% đất thương mại. Chính vì vậy, để tiếp tục khai thác tiềm năng to lớn của KCNC, lãnh đạo thành phố đã đồng loạt triển khai nhiều chính sách ưu đãi đầu tư. Ví dụ như những dự án đầu tư mới sẽ được miễn, giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm. Doanh nghiệp đầu tư cũng sẽ được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản (không quá 3 năm). Hay như việc các nhà đầu tư sẽ được giảm 50% mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (từ 1-3% tổng vốn đầu tư).
Ngoài việc triển khai các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư thì lãnh đạo TP.HCM cũng liên tục triển khai nghiên cứu và tháo gỡ những khó khăn cho nhà đầu tư trong các thủ tục hành chính. Nhằm giúp cho quá trình đầu tư và phát triển của các doanh nghiệp diễn ra nhanh và thuận lợi nhất.
Với sự nỗ lực của chính quyền thành phố, biến KCNC thành “tấm đệm giảm sốc” cho thành phố sau đại dịch. Nhờ đó, mà trong năm 2022, TP.HCM đã có những con số ấn tượng về phát triển kinh tế.
Minh Thanh