Top 10 thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022

Về thị trường xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hơn 77 tỷ USD, chiếm 30,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với trị giá gần 13,2 tỷ USD, chiếm 17,13% kim ngạch và hàng dệt, may với trị giá 12,88 tỷ USD, chiếm 16,73% kim ngạch.

Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ khác có trị giá trên 5 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, giày dép các loại, gỗ và sản phẩm gỗ.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam là Trung Quốc với kim ngạch 35,63 tỷ USD, chiếm 14,11% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ở châu Á. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với trị giá gần 9 tỷ USD.

Một số mặt hàng khác có trị giá xuất khẩu cao là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện xơ, sợi dệt các loại.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch 16,72 tỷ USD. Với thị trường này, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là các sản phẩm công nghệ như máy tính, điện thoại, linh kiện và các loại máy móc, thiết bị. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện có trị giá cao nhất với 3,88 tỷ USD. Ngoài ra, mặt hàng máy tính, sản phẩm điện từ, linh kiện và dệt, may cũng được xuất khẩu nhiều sang xứ sở kim chi với trị giá lần lượt là 2,28 và 2,14 tỷ USD.

Xếp thứ 4 là Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu 15,82 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022. Với thị trường này, mặt hàng dệt, may được xuất khẩu nhiều nhất với trị giá 477,3 triệu USD trong tháng 8 và 2,54 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022.

Hồng Kông (Trung Quốc) xếp thứ 5 trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm với kim ngạch gần 7,4 tỷ USD. Việt Nam chỉ có 2 mặt hàng có trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá 3,83 tỷ USD và điện thoại các loại và linh kiện với trị giá 1,47 tỷ USD.

Ngoài ra, một số quốc gia khác nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam gồm có Hà Lan, Đức, Ấn Độ, Thái Lan và Canada.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 31,06 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước. Tính chung cả 8 tháng đầu năm, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 29,84 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 160,89 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,1% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với trị giá 81,75 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, chiếm 33,08% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, 2 mặt hàng có trị giá nhập khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 16,66 tỷ USD và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 16,63 tỷ USD.

Xếp thứ 2 là Hàn Quốc với trị giá nhập khẩu đạt 43,42 tỷ USD, chiếm 17,57% tổng kim ngạch nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm. Mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với tổng trị giá đạt 2,25 tỷ USD trong tháng 8 và 16,56 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.

Thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 là Đài Loan (Trung Quốc) với kim ngạch 16,1 tỷ USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn là mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất với trị giá 7,82 tỷ USD.

Ở vị trí thứ 4 và thứ 5 là Nhật Bản và Mỹ với kim ngạch lần lượt là 15,98 tỷ USD và 9,92 tỷ USD. Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng có trị giá nhập khẩu cao nhất ở cả 2 thị trường này với trị giá 4,8 tỷ USD từ Nhật Bản và 2,47 tỷ USD từ Mỹ.

Ngoài ra, top 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam còn có Thái Lan, Úc, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.

Nội dung: Hạ Băng

Đồ họa: M.N