+
Aa
-
like
comment

Tổng Bí thư: TW không bỏ phiếu giới thiệu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội

05/07/2021 12:09

Tổng bí thư cho biết, các chức danh chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 24 chức danh lãnh đạo khác đã được bỏ phiếu giới thiệu thì không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại.

Tổng bí thư: T.Ư không bỏ phiếu giới thiệu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội - ảnh 1
Hội nghị T.Ư 3 khóa XIII sẽ kéo dài tới 9.7

Phát biểu khai mạc Hội nghị T.Ư 3 khóa XIII khai mạc sáng 5.7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hội nghị lần này T.Ư sẽ thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 5 năm 2021 – 2025; xem xét, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhiệm kỳ khoá XIII;

Quy định thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khoá XIII; tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV; và một số vấn đề quan trọng khác.

Đánh giá tình hình hiện tại, dự báo xu hướng phát triển

Về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhất trí cao đề ra Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.

Tổng bí thư đề nghị T.Ư căn cứ vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tờ trình, các báo cáo, tài liệu tham khảo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, cũng như thực tiễn tình hình ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình kinh tế – xã hội hiện nay và phân tích, dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới.

Ông lưu ý các đại biểu chú ý phân tích, đánh giá thật sâu sắc, làm rõ thêm thực tế tình hình. Đó là, trong 6 tháng đầu năm, cả nước vẫn phải tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống dịch; đợt bùng phát dịch lần thứ tư lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát, có thể còn tiếp tục kéo dài; thậm chí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới.

Kinh tế – xã hội đất nước tuy tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị /// Ảnh Nhật Bắc
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị

Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng cũng chưa thật vững chắc; thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm; nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính – tiền tệ thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, vẫn còn nguy cơ lâm vào khủng hoảng.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, khu vực, trong đó có nước ta; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị và tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải thay đổi định hướng, chiến lược phát triển kinh tế theo hướng nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển kinh tế số, xã hội số…

Tổng bí thư đề nghị T.Ư cho ý kiến vào các vấn đề lớn nêu trong tờ trình và các báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, nhất là những vấn đề quan trọng thuộc về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo còn có ý kiến khác nhau. Chú ý làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu, một số chỉ tiêu cơ bản và đặc biệt là các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể, sát hợp với thực tế, có tính đột phá, khả thi cao, bảo đảm thực hiện thành công các kế hoạch đề ra.

Xây dựng Quy chế làm việc của  T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Về xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Tổng bí thư nhấn mạnh cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị; đổi mới, cải tiến chế độ, lề lối làm việc, phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ và phù hợp; tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót việc.

“Đây là những cơ sở quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đảng, tăng cường sức mạnh, kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội”, Tổng bí thư nói.

Tổng bí thư cũng đề nghị T.Ư tập trung cho ý kiến và góp ý trực tiếp vào dự thảo các quy chế, nhất là những nội dung cần bổ sung, sửa đổi. Chẳng hạn, các nội dung về trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư; của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư; chế độ sơ kết, tổng kết, chế độ đi công tác cơ sở, phương pháp, lề lối làm việc, mối quan hệ công tác..

Đối với Quy định về thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Tổng bí thư đề nghị T.Ư nghiên cứu kỹ và có ý kiến, góp ý vào dự thảo các quy định về những nội dung mà qua thực tiễn thi hành còn có những vướng mắc, bất cập, nhất là các vấn đề cụ thể phát sinh từ cơ sở, từ các chi bộ, đảng bộ.

Lấy phiếu 23 chức danh trước khi giới thiệu ra Quốc hội

Đối với việc giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 – 2026, Tổng bí thư khẳng định: “Đây là công việc rất hệ trọng”.

Ông cho biết, tại Hội nghị T.Ư 2 khoá XIII (tháng 3.2021), Ban Chấp hành T.Ư đã thống nhất cao là cần sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổng bí thư: T.Ư không bỏ phiếu giới thiệu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội - ảnh 2
T.Ư sẽ tiến hành lấy phiếu giới thiệu 23 chức danh sẽ kiện toàn tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối tháng 7

Ban Chấp hành T.Ư đã xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và cho ý kiến giới thiệu nhân sự đảm nhiệm 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV (tháng 3 – 4.2021), Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và bầu hoặc phê chuẩn đối với 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước.

Đến nay, sau cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV (nhiệm kỳ 2021 – 2026), Ban Chấp hành T.Ư có trách nhiệm chuẩn bị và tiếp tục giới thiệu nhân sự để Quốc hội khoá XV bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất sắp tới theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tại hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành T.Ư xem xét, giới thiệu nhân sự theo hướng: đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước đã được Hội nghị T.Ư 2 khoá XIII bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao thì Ban Chấp hành T.Ư không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại.

Đối với 23 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị T.Ư 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến T.Ư bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều