+
Aa
-
like
comment

Tổng bí thư nêu 4 khó khăn, thách thức trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực

21/01/2022 13:20

Trong phát biểu kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) ngày 20.1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo Tổng bí thư, mặc dù hành vi tham nhũng, tiêu cực vừa qua đã bị xử lý nghiêm, nhưng vẫn xuất hiện nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn, tinh vi hơn, vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn.

Tổng bí thư: 4 khó khăn, thách thức trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực - ảnh 1
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp

Theo ông, điều này cho thấy, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực…

Thứ 2, theo Tổng bí thư, các hành vi tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi hơn, không chỉ ở trong một số người, trong một bộ phận nhỏ mà đã xuất hiện sự liên kết, liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương.

“Chỉ cần một vụ tham nhũng đã có thể làm tha hoá cả một hệ thống với số lượng lớn cán bộ, thậm chí có thể làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Thứ 3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là vấn đề nhức nhối, gây dư luận xấu khi mà vẫn có một số cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, ngành tư pháp… (kể cả cán bộ cấp cao) bị xử lý.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính T.Ư chủ trì xây dựng chuyên đề “Quy định về giám sát quyền lực trong các cơ quan nội chính”.

Tổng bí thư cũng cho biết, về tiến độ, chất lượng xử lý một số vụ án, vụ việc, việc giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo vẫn còn chậm tiến độ; hiệu quả chưa cao…

“Những tồn tại, thách thức trên đây cần được Ban Chỉ đạo xem xét một cách thấu đáo, để từ đó có trách nhiệm đóng góp đề xuất các giải pháp hiệu quả vào việc đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng” Từ những phân tích trên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”.

Cụ thể hoá, thể chế hoá đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Ông cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong việc phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm liên quan các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Cụ thể, Tổng bí thư cho biết, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các ngành, các địa phương và một số chuyên đề về tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; công tác giám định, định giá tài sản; và một số cuộc kiểm tra khác về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng bí thư cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; xử lý nghiêm các sai phạm, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá hơn nữa trong công tác giám định, định giá và thu hồi tài sản tham nhũng.

Chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính, không tiêu cực, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là thực hiện trách nhiệm nêu gương của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và người đứng đầu các cấp.

Bên cạnh đó, xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Tổng bí thư cũng nhấn mạnh, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

TTXVN

Bài mới
Đọc nhiều