Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: ‘Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay’
Nhận định đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay đã được chấp nhận, “nói thoải mái mà không bị ngượng”, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương khai mạc sáng 28/2. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.., cùng nhiều vị lãnh đạo tham dự.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói những kết quả đạt được trong năm 2020 đã góp phần làm nên thành tựu quan trọng, nổi bật của nhiệm kỳ khóa XII và có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới, “làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”.
Giải thích thêm về phát biểu trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, khi câu nói đó lần đầu xuất hiện, có người băn khoăn liệu chủ quan, kiêu ngạo hay không, nhưng thực tế chứng minh “càng ngày càng thấy đúng”.
“Đất nước đang có gần 100 triệu dân, làm đủ ăn, thu đủ chi, xuất đủ nhập trong đó xuất khẩu nhiều hơn, có của ăn của để. Ngày xưa, Hà Nội là thành phố của xe đạp, một thời kỳ là thành phố xe máy, còn bây giờ là thành phố ôtô. Máy bay cũng rất nhiều. Cũng đất đai, đồng ruộng ấy đã xuất hiện bao công trình, đường xá, lâu đài”, ông dẫn chứng.
Ngày xưa, đất nước từng trải qua thời kỳ có 2 triệu người chết đói, có thời kỳ hơn 30 triệu dân sống khổ sở, phải ăn bột mì mốc của nước ngoài dành cho lợn. Học sinh đi học không có trường lớp, thiếu quần áo…
Đến nay, về vị thế, Việt Nam tham gia nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế, đạt được nhiều kết quả. “Cho nên hình như bây giờ câu nói ấy được chấp nhận, nói một cách thoải mái, không hề bị ngượng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, đồng thời lưu ý không vì thế mà thỏa mãn, chủ quan.
Trong số các thành tựu năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập đến chủ trương chấp nhận hi sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe người dân, “chống dịch như chống giặc”, đã giảm thiểu tác động của dịch bệnh. “Gần đây, Đại sứ EU tại Việt Nam nói rằng, ở Việt Nam thời dịch bênh là may mắn xa xỉ”, ông nêu dẫn chứng.
Năm qua, Việt Nam là một trong số ít nước tăng trưởng GDP cao nhất thế giới; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ; tham nhũng, tiêu cực được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm…
“Tình hình Biển Đông tuy có diễn biến phức tạp nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nhờ đó niềm tin của nhân dân với Đảng, lực lượng vũ trang không ngừng được củng cố, nâng cao”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Ông khẳng định, dù không hoàn thành một số chỉ tiêu như đã đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, năm 2020 vẫn được xem là thành công hơn năm 2019 và thành công nhất trong 5 năm qua.
Cơ bản đồng tình với phương hướng năm 2021 mà dự thảo nghị quyết của Chính phủ đề ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp, các ngành phải tích cực, sáng tạo, năng động để đạt được kết quả cao hơn.
Theo ông, tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể đất nước giai đoạn tới là đẩy mạnh đổi mới, trong đó phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; đảm bảo quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên…; “các nguồn lực trong và ngoài nước cần được tận dụng, trong đó nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Đặc biệt, ông lưu ý công việc trước mắt rất nặng nề, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn đấu tranh với chính mình để không mắc sai phạm. “Chúng ta rất nhân văn, không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí mình, trái lại rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, để nhiều người không mắc sai phạm, nên phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đến thời điểm này, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép, vừa kiểm soát vững chắc dịch bệnh trong nước, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế dương.
Nhìn lại 5 năm qua, Việt Nam tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, Việt Nam tăng trưởng gần 3%; quy mô kinh tế đạt 340 tỷ USD, đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương và vượt qua một số nền kinh tế lớn trong khu vực, kể cả một số “con hổ” châu Á.
Với tăng trưởng bình quân 6,8% giai đoạn 2016 – 2019, Việt Nam nằm trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Thu ngân sách năm 2020 cơ bản đạt mục tiêu đề ra, chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Trong nhiệm kỳ 5 năm qua, Việt Nam tạo ra 8 triệu việc làm mới; thu nhập bình quân hiện đạt 5.000 USD mỗi năm.
“Tăng trưởng hiện nay không còn tập trung vào thành phần nào. Kinh tế tư nhân từng bước được khẳng định là động lực quan trọng của đất nước”, Thủ tướng nói.
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra đến sáng mai 28/12.
Viết Tuân/VNE