Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Ban Bí thư xem xét, quyết định về công tác cán bộ
Sáng 31/1, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để đánh giá kết quả thực hiện chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2020; xem xét, quyết định về công tác cán bộ.
Sáng 31/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Ban Bí thư để đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2020; xem xét, quyết định về công tác cán bộ. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Sau khi nghe Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 40 về tổ chức Tết Canh Tý 2020, Ban Bí thư hoan nghênh Văn phòng Trung ương Đảng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc Báo cáo trình Ban Bí thư; hoan nghênh các ban, bộ, ngành trong dịp Tết đã cập nhật thông tin hàng ngày về tình hình đón Tết trong cả nước và kịp thời báo cáo Thường trực Ban Bí thư.
Ban Bí thư thống nhất đánh giá: Các ngành, các cấp đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 40 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều hình thức phong phú và những việc làm thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đón Tết vui tươi, phẩn khởi, an toàn, lành mạnh, nghĩa tình.
Nổi bật là sự chủ động của các ngành, các cấp đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và huy động mọi nguồn lực để bảo đảm mọi người, mọi nhà đều được đón Tết đầm ấm, yên vui; gắn các hoạt động đón Tết vui Xuân với các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng; tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao, đón những người con đi xa về sum họp với gia đình, quê hương…
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã thăm, chúc Tết, động viên cán bộ, chiến sỹ, công nhân, các gia đình chính sách, các đơn vị phải trực và làm việc trong thời gian Tết.
Các bộ, ngành, các địa phương đã cung ứng kịp thời, đầy đủ những mặt hàng thiết yếu cho nhân dân, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhất là đối với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các khu vực tập trung đông công nhân lao động sinh sống. Việc chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người có công, người lao động các địa phương được quan tâm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
An toàn giao thông được bảo đảm trên toàn bộ các tuyến; tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng liên quan tới nồng độ cồn giảm sâu so với các năm trước; số ca cấp cứu tai nạn giao thông giảm hơn 15%,… Nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao việc thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.
Các ban, bộ, ngành, các tỉnh uỷ, thành uỷ thực hiện nghiêm Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nhất là gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; không sử dụng công quỹ để chia thưởng, làm quà biếu, quà tặng; không sử dụng kinh phí, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp lễ, Tết.
An ninh chính trị, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác phòng chống cháy nổ, phòng chống tội phạm được chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, qua đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, ở một số nơi người dân chưa chấp hành tốt quy định về không đốt pháo, có nơi còn xảy ra tệ nạn xã hội đánh bạc, gây trọng án, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, thiên tai bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động ở một số địa phương…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động điều kiện, phương tiện, mọi biện pháp phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), không để ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 79 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, ngay sau Tết, các cấp, các ngành tập trung ngay vào thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; tiếp tục chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện tốt công tác đối ngoại, nhất là vai trò, trách nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN; bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý các cấp ủy Đảng tổ chức các hoạt động thiết thực với quy mô thích hợp, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng và các ngày lễ lớn của đất nước. Hoạt động lễ hội cần bảo đảm an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, gắn với hoạt động du lịch, mang tính giáo dục cao, không để xảy ra tai nạn, tệ nạn xã hội.
Tại cuộc họp, sau khi xem xét tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bí thư xem xét quyết định một số nhân sự thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư./.
Bộ Chính trị quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Trong đó, bao gồm các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn đối với từng chức danh cụ thể gồm: Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư; Trưởng ban đảng Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ; các chức danh khối các cơ quan đảng ở Trung ương, khối cơ quan Quốc hội, khối cơ quan Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước; chức danh khối cơ quan tư pháp, khối cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội Trung ương, khối đảng uỷ khối trực thuộc Trung ương; chức danh khối tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;…
Về tiêu chuẩn chung, cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia – dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc; luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia – dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, yên tâm công tác. Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng.
Đặc biệt, quy định của Bộ Chính trị nêu rõ, cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình và chỉ đạo thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, việc làm trái với các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ. Đồng thời, Quy định cũng nêu rõ các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực và uy tín, sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm.
Ngoài tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh, Quy định của Bộ Chính trị còn quy định khung tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý với các nhóm tiêu chí về chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật; về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cũng theo Quy định, Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan liên quan cụ thể hoá tiêu chuẩn các chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Trung ương quản lý đã nêu trong Quy định này cho sát hợp với đặc điểm, điều kiện, thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị./.
Xem toàn văn Quy định 214 tại đây.
Thành Nhân