Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Ai xứng đáng thì làm, không sợ thiếu cán bộ
Như Bác Hồ nói “gốc có vững cây mới bền”, trong năm qua, Đảng không ngừng củng cố vai trò và năng lực lãnh đạo để gây dựng niềm tin, uy tín với nhân dân thông qua việc “chỉnh đốn”, xử lý những thói hư, tật xấu trong một bộ phận, cán bộ, đảng viên.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân ”.
Không dừng lại, không ngơi nghỉ
Năm 2019, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, cả về khách quan và nội tại, song với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước đã không ngừng được củng cố và nâng cao. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu tuyệt đối. Năm 2019, Chính phủ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Trong đó, tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét.
Đặc biệt, trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nếu như đầu năm, có không ít những tâm lý lo ngại về nguy cơ “chùng xuống”, thì nay nhìn lại, có thể thấy, công cuộc phòng, chống tham nhũng vẫn được tiếp tục đẩy mạnh, hiệu quả ngày càng rõ rệt hơn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong nhiều cuộc họp cũng đã khẳng định: “Không hề dừng lại, không hề ngơi nghỉ, mà làm ngày càng quyết liệt, đi vào chiều sâu, có hiệu quả cao hơn, và cho chúng ta nhiều bài học, kinh nghiệm quý”.
Thực tế cho thấy, trong năm 2019, dưới sự chỉ đạo của Đảng và các cơ quan Nhà nước, hàng loạt các vụ việc gây bức xúc dư luận đã được thanh tra, kiểm tra xử lý, được tòa án xét xử. Điển hình như vụ AVG, Gang thép Thái Nguyên, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc ngành Giao thông vận tải, hay các vụ việc liên quan đến vi phạm quản lý đất đai ở Khánh Hòa, Quân chủng Hải quân; các vụ việc liên quan đến gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La… Cùng với đó, nhiều cán bộ cao cấp, từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đến các tướng tá trong quân đội bị “gọi tên”, xử lý.
Theo nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng, tất cả những việc làm trên cho thấy, việc chỉnh đốn Đảng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 không hề chùng xuống mà ngày càng quyết liệt, chặt chẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. “Muốn cây xanh tốt, thì phải chăm tưới tắm, loại trừ “sâu bệnh”. Muốn Đảng vững mạnh thì phải xử lý, loại bỏ những cán bộ đảng viên suy thoái, biến chất. Có như thế Đảng mới được nhân dân yêu quý và tin tưởng”, ông Thưởng bày tỏ.
Trong phiên họp thứ 16, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đây là yêu cầu của cách mạng, yêu cầu, tình cảm của Nhân dân, mong muốn của Đảng ta. Phải khẳng định quyết tâm ấy. Còn trong chúng ta có ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo, xin tự thôi đi! Phải quyết tâm như thế, và truyền tinh thần này xuống dưới”.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi đăng đàn trả lời chất vấn trước các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phải bằng công cụ pháp luật và sử dụng mạnh mẽ các chế tài pháp luật để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi đôi với đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế pháp luật để loại trừ những kẽ hở dễ bị lợi dụng, sửa đổi những quy định không rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn”.
Ai xứng đáng thì làm, không sợ thiếu cán bộ
Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Việc đầu tiên cần làm, theo ông Lê Quang Thưởng là phải thực hiện tốt đại hội đảng bộ các cấp, trong đó trọng tâm là công tác nhân sự. Bởi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, nếu chọn được nhân sự có tài, có đức, tâm huyết phục vụ nhân dân và đất nước thì sẽ nhân lên được các thành quả mà nhiệm kỳ trước đạt được. Ngược lại để “lọt” nhân sự xấu thì không chỉ gây hại cho cơ quan, đơn vị đó mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ”.
Khẳng định, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền” đã thể hiện quyết tâm lớn của Đảng trong việc xây dựng một đội ngũ cán bộ có tài, có đức, có năng lực và trình độ để đáp ứng yêu cầu trong nhiệm kỳ mới.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tích cực chuẩn bị những công việc cần thiết tiến tới tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, song như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói trong trong Lễ kỷ niệm Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Chúng ta tự hào với tất cả những gì chúng ta đã đạt được, song cũng không khỏi trăn trở, day dứt trước những gì chúng ta chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn. Không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe dọa tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu, ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, yếu kém, tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, không say sưa với thắng lợi, hay bi quan dao động trước thử thách, khó khăn”.
Nhấn mạnh, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc”, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. “Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương”, Thủ tướng nói.
Làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng
“Đề nghị từng đồng chí ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường. Chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất! Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11, khóa XII (tháng 10/2019).
Văn Kiên/TP