+
Aa
-
like
comment

Tòa án giúp bảo vệ luật biển quốc tế

27/08/2020 20:54

Tòa án Quốc tế về Luật Biển được coi là mắt xích quan trọng trong hệ thống giúp giải quyết mâu thuẫn về cách diễn giải hoặc áp dụng UNCLOS.

168 thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) hôm 24 và 25/8 bỏ phiếu bầu 7 thẩm phán mới của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), bao gồm những thẩm phán tới từ các nước Trung Quốc, Malta, Italy, Chile, Cameroon, Ukraine và Jamaica.

ITLOS, trụ sở tại thành phố Hamburg, Đức, là một cơ quan liên chính phủ được thành lập theo UNCLOS, với những thẩm phán đầu tiên được các quốc gia thành viên UNCLOS bầu ra vào ngày 1/8/1996. Các bên tham gia tố tụng không nhất thiết phải là quốc gia hoặc tổ chức quốc tế, mà có thể là thể nhân hoặc pháp nhân.

ITLOS được coi là một phần quan trọng trong hệ thống giải quyết tranh chấp toàn diện mà các nước thành viên UNCLOS đã nhất trí tuân thủ nhằm xử lý bất đồng. Quyền tài phán của ITLOS bao gồm tất cả tranh chấp liên quan tới cách diễn giải và áp dụng UNCLOS, như việc phân định ranh giới trên biển hay tư vấn pháp lý về mục đích của Công ước.

Trụ sở Tòa án Quốc tế về Luật Biển tại thành phố Hamburg, Đức. Ảnh: AFP.
Trụ sở Tòa án Quốc tế về Luật Biển tại thành phố Hamburg, Đức. Ảnh: AFP.

Trong một số vấn đề, như những tranh chấp nhất định liên quan đến việc khai thác dưới đáy biển, ITLOS có quyền tài phán duy nhất. Cơ quan cũng có thẩm quyền đặc biệt và mang tính ràng buộc đối với các thủ tục khẩn cấp trong việc phóng thích ngay lập tức các tàu bị một quốc gia khác bắt, nếu các bên liên quan không thể đạt được thỏa thuận trong vòng 10 ngày.

Căn cứ vào các điều khoản trong quy chế hoạt động, ITLOS đã thành lập Phòng Tóm tắt Thủ tục, Phòng Tranh chấp Nghề cá, Phòng Tranh chấp Môi trường Biển và Phòng Tranh chấp Phân định Hàng hải. Theo yêu cầu của các thành viên, tòa án còn thành lập một số phòng đặc biệt để xử lý những trường hợp nhất định.

ITLOS bao gồm 21 thẩm phán với nhiệm kỳ tối đa 9 năm. Mỗi quốc gia có thể đề cử tối đa hai ứng viên trong số những người có uy tín cao nhất về sự công bằng, liêm chính và năng lực được công nhận rộng rãi trong lĩnh vực luật biển.

Việc bầu thành viên mới được tổ chức ba năm một lần đối với 1/3 số thẩm phán của ITLOS theo hình thức bỏ phiếu kín. Thành phần của tòa án phải đại diện cho các hệ thống pháp lý chủ yếu trên thế giới, đảm bảo phân bố công bằng về mặt địa lý.

Phụ lục VI của UNCLOS quy định ITCLOS phải bao gồm ít nhất ba thẩm phán từ mỗi nhóm khu vực do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phân chia. Có 5 nhóm khu vực là châu Á – Thái Bình Dương, châu Phi, Mỹ Latinh và Caribe, Đông Âu, Tây Âu và các nước khác.

Điều này đồng nghĩa với việc 6 ghế của ITLOS có thể được đảm nhiệm bởi những thẩm phán tới từ bất cứ đâu. Thêm vào đó, số lượng quốc gia thành viên UNCLOS trong mỗi nhóm khu vực chênh lệch khá lớn, như nhóm châu Á – Thái Bình Dương có tới 55 thành viên, trong khi nhóm Tây Âu và các nước khác chỉ gồm 29 thành viên.

Vì vậy, việc bầu thẩm phán đã trở thành một vấn đề phức tạp của ITLOS kể từ khi tòa án được thành lập, thúc đẩy các nước thành viên UNCLOS tìm cách giải quyết. Trong cuộc bầu cử đầu tiên vào năm 1996 tại New York, Mỹ, chủ tịch cuộc họp giữa các thành viên UNCLOS đã đưa ra một đề xuất, nhằm “hòa hợp yêu cầu về địa lý trong thành phần của ITLOS, cũng như tạo điều kiện cho tất cả ứng viên có cơ hội bình đẳng để tranh cử”.

Theo thỏa thuận giữa các nước, 21 thẩm phán của ITLOS sẽ bao gồm 5 đại diện từ châu Á, 5 người từ châu Phi, 4 người từ các nước Mỹ Latinh và Caribe, 4 người từ Tây Âu và nước khác, cùng ba đại diện từ Đông Âu. Trước khi tiến hành bỏ phiếu năm 1996, các nước thành viên UNCLOS đã thông qua đề xuất này bằng sự đồng thuận.

Dù ngày càng nhiều nước tham gia UNCLOS, sự khác biệt đáng kể về số lượng quốc gia trong 5 nhóm khu vực vẫn không thay đổi, khi châu Á và châu Phi vẫn đông nhất. Do đó, tại hội nghị UNCLOS lần thứ 17 vào tháng 6/2007, hai nhóm khu vực châu Á và châu Phi đã đệ trình một đề xuất chung, đề nghị mỗi nhóm được trao tối thiểu 5 ghế tại ITLOS dựa trên “sự gia tăng đáng kể” số lượng thành viên UNCLOS tại hai khu vực này.

Tại hội nghị lần thứ 19 hồi tháng 6/2009, các quốc gia thành viên UNCLOS đã thông qua thỏa thuận phân bổ lại ghế thẩm phán trong ITLOS, với số ghế tối thiểu của châu Á và châu Phi đều tăng lên 5, trong khi các nước Mỹ Latinh và Caribe chiếm 4 ghế, Tây Âu và nước khác ba ghế, Đông Âu ba ghế, một ghế còn lại có thể tới từ khu vực bất kỳ.

Kể từ năm 2009, các nước UNCLOS đã tuân thủ thỏa thuận này trong mọi cuộc bầu cử thẩm phán ITLOS, được tổ chức ba năm một lần. Trong mỗi cuộc bầu cử, chủ tịch của cuộc họp năm đó sẽ xem xét các chi tiết thỏa thuận và thành phần thẩm phán ITLOS lúc đó, rồi xác định các ghế trống sẽ được phân bổ theo nhóm khu vực ra sao.

Các quốc gia thành viên UNCLOS tuân thủ vô cùng nghiêm ngặt quy tắc phân bổ thẩm phán ITLOS theo khu vực địa lý. Một báo cáo thường niên năm 2005 cho biết các lá phiếu sẽ bị coi là không hợp lệ nếu bầu cho nhiều ứng viên hơn so với quy định về số ghế tối thiểu mỗi khu vực.

Kể từ khi UNCLOS có hiệu lực vào năm 1994 tới nay, 29 vụ đã được đệ trình lên ITLOS, bao gồm cả tranh chấp và tư vấn, liên quan đến một loạt vấn đề pháp lý, từ phân định ranh giới trên biển, cải tạo đất đến nêu ý kiến về trách nhiệm và nghĩa vụ quốc gia. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp ITLOS giải quyết liên quan tới việc thả nhanh những tàu bị bắt vì nghi ngờ đánh cá trái phép.

Thành Nhân/Theo Federal Foreign Office, Lawfare, Lowy Institute

Bài mới
Đọc nhiều