+
Aa
-
like
comment

Tín hiệu tốt: 71% người Việt ở nước ngoài đang muốn trở về quê hương làm việc

Lan Hoa - 12/09/2023 13:14

Đây là kết quả khảo sát do Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters thực hiện tháng 7/2023. Theo đó, có đến 71% người Việt Nam sống ở nước ngoài dự định sẽ quay trở về quê hương sinh sống và làm việc trong vòng 5 năm tới.

Khảo sát này được thực hiện với sự tham gia của 380 người Việt Nam ở nước ngoài đến từ nhiều ngành nghề như: Công nghệ thông tin, Dịch vụ chuyên nghiệp, Dược phẩm và Chăm sóc sức khỏe, Năng lượng và Tái tạo, Bán lẻ… Khảo sát cho thấy ngày càng nhiều người Việt ở nước ngoài có nguyện vọng trở về quê hương lập nghiệp, đồng thời đưa ra những gợi ý để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược thu hút nhân tài chất lượng cao trong tương lai.

Chia sẻ về những kết quả nổi bật của khảo sát, ông Phạm Tuấn Phúc – Giám đốc điều hành của Robert Walters Việt Nam cho biết: “Với mức tăng trưởng GDP dự kiến duy trì ở khoảng 6% trong trung hạn và ngày càng có nhiều công ty đạt doanh thu vượt qua 1 tỷ USD, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và nhân tài quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động, sự phát triển ổn định với nhiều lĩnh vực nổi bật trong nước đã giúp củng cố quyết định trở về đóng góp cho quê hương của một bộ phận lớn người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Robert Walters, trong số những người khảo sát cho rằng yếu tố kinh tế tác động tích cực đến họ, có đến 66% cho biết họ tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, và đây cũng là lý do quan trọng hàng đầu khiến họ lựa chọn quay về.

Thêm vào đó, các chính sách được ban hành những năm gần đây của Chính Phủ nhằm khuyến khích khởi nghiệp và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh cũng là một động lực cho việc trở về của người Việt đang định cư ở nước ngoài. Những chính sách này đã góp phần tạo ra môi trường kinh tế sôi động và cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội cho người Việt Nam ở nước ngoài muốn khẳng định bản thân và góp phần vào sự phát triển của quê hương.

Ông Phạm Tuấn Phúc, Giám đốc điều hành của Robert Walters Việt Nam

Ngoài ra, tỷ lệ giữa mức lương cao và chi phí sinh hoạt thấp tại Việt Nam cũng là một yếu tố hấp dẫn đối với 44% người khảo sát (trên tổng số những người cho rằng yếu tố kinh tế tác động tích cực đến họ). Theo đó, việc trở về quê hương sẽ giúp họ có được một cuộc sống thoải mái và chất lượng hơn.

Bên cạnh những lý do kinh tế, khảo sát của Robert Walters cũng cho thấy có nhiều yếu tố then chốt khác làm tăng mong muốn quay về quê hương của người Việt ở nước ngoài. Cụ thể, 62% người được khảo sát cho rằng sự gắn kết về mặt cảm xúc, xã hội và văn hóa với Việt Nam thôi thúc họ trở về quê nhà – tăng 13% so với lần gần nhất được khảo sát vào năm 2021. Ngoài ra, 40% cũng cho biết họ muốn về nước để thuận tiện chăm sóc và gần gũi hơn với gia đình, người thân ở Việt Nam.

Có thể thấy, đứng trước quyết định “về hay ở”, người Việt ở nước ngoài không chỉ quan tâm đến cơ hội nghề nghiệp hay thu nhập cao mà còn đề cao giá trị gia đình và quê quán. Đối với họ, việc trở về Việt Nam không chỉ là một quyết định kinh tế mà còn là một lựa chọn gắn với những yếu tố tinh thần.

Với xu hướng người Việt ở nước ngoài trở về quê hương trong 5 năm tới, các doanh nghiệp trong nước đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Khảo sát của Robert Walters cũng chỉ ra những yếu tố về công việc, mức lương và phúc lợi mà nhóm nhân lực này quan tâm. Về mức lương, 27% người Việt Nam ở nước ngoài cho biết họ có thể chấp nhận giảm lương 30% hoặc ít hơn so với mức lương hiện tại nếu trở về. Trong khi đó, 26% cho biết họ muốn có mức lương phù hợp với kinh nghiệm và vai trò của họ cũng như mặt bằng chung của thị trường lao động.

Theo thứ tự ưu tiên, người Việt ở nước ngoài khi trở về Việt Nam mong muốn có cơ hội tham gia vào những dự án hấp dẫn, trải nghiệm thực tế và có trách nhiệm cụ thể trong công việc; mức lương và đãi ngộ hấp dẫn; văn hoá doanh nghiệp và phong cách lãnh đạo tạo điều kiện để nhân tài phát triển; cơ hội thăng tiến rộng mở; quy mô và tính chất của công việc, ngành nghề phù hợp… Nếu có thể đáp ứng được những nhu cầu này, doanh nghiệp trong nước có thể thu hút và giữ chân được những nhân tài này.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều