+
Aa
-
like
comment

Tìm thuốc trị bệnh “hành dân”

14/09/2019 08:26

Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn nhằm góp phần chấn chỉnh tình trạng “hành dân”, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ cấp xã, phường hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế ở đâu đó vẫn còn những cán bộ xã, phường tìm cách gây khó cho dân. Và khi những câu chuyện này được phát giác, các cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia lại đi tìm thuốc đặc trị bệnh “hành dân” của những người vẫn được coi là “công bộc của dân”.

Muôn kiểu quan liêu

Mới đây, sáng ngày 5/9, công dân Nguyễn Chí Dũng (trú tại tổ 11, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) đến bộ phận một cửa UBND phường Việt Hưng xin xác nhận thực trạng và nhu cầu đất ở, để làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng một thửa đất tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội.

Do không nắm được thủ tục, cán bộ bộ phận một cửa tiếp công dân Nguyễn Chí Dũng đã bảo công dân đi về, 10 giờ sáng có mặt để được cán bộ Đặng Thị Oanh Yến, người hiểu rõ thủ tục hơn hướng dẫn.

Cán bộ Cục thuế Hà Nội tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục. Ảnh: Phạm Hùng

Đúng 10 giờ, ông Dũng có mặt tại UBND phường Việt Hưng. Thay vì hướng dẫn, bà Đặng Thị Oanh Yến thông báo với ông Dũng là phường Việt Hưng không xác nhận thực trạng và nhu cầu đất ở của ông.

Cho dù, từ tháng 1/2018, UBND quận Long Biên đã ban hành văn bản quy định một số vấn đề về chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng cán bộ bộ phận một cửa UBND phường Việt Hưng lại khẳng định là… không có và yêu cầu công dân phải… tự đi tìm văn bản. Ông Nguyễn Chí Dũng ra về với lòng đầy bức xúc và nghi ngại: “Tôi rất buồn vì việc này. Hay là do thiếu “bôi trơn” nên cán bộ hành xử như vậy?”.

Còn nhớ, vào những ngày cận Tết năm 2017, chuyện gây khó, trì hoãn cấp giấy chứng tử cho người đã khuất của cán bộ phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội) đã khuất khiến gia đình bức xúc phản ánh lên mạng xã hội. Sau khi thông tin này được đăng tải không ít người chung quan điểm là “đến nghĩa tử là nghĩa tận còn bị gây khó dễ thì chuyện khác sẽ còn khó đến thế nào?”.

Hiện nay, kiểu “hành dân” phổ biến nhất chính là việc xin chữ ký, hay còn được gọi là “nạn bút phê” vào lý lịch. Dân đến xin phê một nội dung, nhưng cán bộ xã phường lại điềm nhiên điền những thông tin khó hiểu.

Tại Quảng Ngãi, khi đến UBND xã Tịnh Khê xin xác nhận sơ yếu lý lịch xin việc cho con gái, ông Trần Tấn Huyên không hiểu vì sao bị Phó Chủ tịch xã “phê xấu” trong lý lịch, làm ảnh hưởng quá trình xin việc của con ông sau này. Cụ thể, Chủ tịch xã phê một cách chung chung nhưng rất “ác”: “Gia đình chưa chấp hành tốt chủ trương của địa phương”. Còn cán bộ xã ở Kim Lộc (Hà Tĩnh) thì ghi ngay vào lý lịch người dân: “Gia đình chưa chấp hành các khoản đóng nộp của thôn”.

Và cũng tại Thanh Hóa, một người dân vô cùng bức xúc khi “bỗng nhiên” bị biến thành con nghiện khi cán bộ xã phê: “Có quan hệ với người nghiện” mà không chứng minh được quan hệ thế nào.

Những lời phê này đã làm ảnh hưởng xấu đến các vấn đề liên quan đến giấy tờ của người dân sau này, thậm chí còn làm hỏng các cơ hội việc làm, học tập của người dân. Và khi phát hiện ra cán bộ sai thì mọi sự đã rồi.

Đề cao văn hóa công vụ của “người Nhà nước”

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong cơ quan hành chính Nhà nước, hướng đến sự văn minh, thanh lịch trong văn hóa ứng xử. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn một số người đứng đầu, cán bộ, chuyên viên tại bộ phận một cửa của cấp phường, xã thể hiện thái độ tác phong hách dịch với dân.

Sở Nội vụ Hà Nội đã xây dựng bộ chế tài xử lý vi phạm, bao gồm hình thức phạt tiền, nêu tên trên các kênh thông tin đại chúng, thông báo về cơ quan, đơn vị… với từng lỗi vi phạm của công chức, viên chức. Đặc biệt, Sở Nội vụ còn xây dựng Bộ chế tài tình huống 146 công chức không được làm.

Với tất cả những động thái này, Hà Nội mong muốn cải thiện chất lượng phục vụ, văn hóa ứng xử của những cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan thuộc TP Hà Nội, đặc biệt là cán bộ thường xuyên tiếp xúc với người dân như bộ phận một cửa.

Một trong bốn nội dung của Đề án “văn hóa công vụ” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra yêu cầu về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức có nội dung cốt lõi là khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, mỗi “người Nhà nước” cần thực hiện “4 xin” là “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “4 luôn” là: “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”.

Khi được hỏi việc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện “4 xin”, “4 luôn” có khiến “người Nhà nước” bị giảm vị thế trong con mắt người dân không, TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội, cho rằng: Không những không giảm, mà ngược lại càng tăng thêm tình cảm, niềm tin của Nhân dân đối với những người thực thi, thừa hành công vụ.

Cán bộ, công chức thời nay là những người được Nhân dân ủy thác quyền lực của mình để làm việc cho dân, thế nên họ phải có bổn phận, trách nhiệm phục vụ Nhân dân. Một chính quyền của dân, do dân, vì dân thì nhất thiết phải lấy mục tiêu phục vụ và bảo đảm lợi ích tối cao cho dân, do đó, những “người Nhà nước” đương nhiên phải có thái độ giao tiếp, ứng xử lễ phép, đúng mực.

Dù không phải tất cả, nhưng qua các sự việc đã xảy ra có thể thấy vẫn còn đâu đó một số cán bộ có thái độ “bề trên”, quát nạt người dân làm việc trong bộ máy hành chính, lạm quyền, hách dịch để làm khó dân. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ mặt của cơ quan công sở.

LINH ANH

Bài mới
Đọc nhiều