Tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 tại TP.HCM, các tỉnh áp dụng Chỉ thị 16
Việc đánh giá kiểm soát dịch Covid-19 tại TP.HCM và các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 dựa vào 2 nhóm tiêu chí gồm số ca mắc mới và nguy cơ lây nhiễm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành Quyết định kèm hướng dẫn Tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 tại TP.HCM và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, một địa bàn (cấp tỉnh/thành phố, huyện, xã) kiểm soát được dịch Covid-19 khi đáp ứng các tiêu chí sau:
Nhóm chỉ số về mắc mới Covid-19 trên địa bàn cần đạt 3 tiêu chí nhỏ:
Số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.
Tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính/số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày.
Địa bàn không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày.
Bộ Y tế lưu ý, số ca mắc mới tại cộng đồng được hiểu là ngoài khu vực đang thực hiện cách ly y tế vùng có dịch Covid-19 theo Quyết định 3986 ngày 16/9/2020 của Bộ Y tế và các khu vực cách ly y tế khác.
Nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm cần đạt 4 tiêu chí nhỏ:
Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao (theo hướng dẫn đánh giá tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021).
Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao.
Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ.
Tăng tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức bình thường mới.
Riêng tại TP.HCM, nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm có 3 tiêu chí nhỏ gồm: giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ.
Vì sao số lượng F0 trong cộng đồng tại TP.HCM tăng?
Tại buổi họp báo chiều 19.8, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết việc số lượng F0 trong cộng đồng tăng lên những ngày gần đây là tín hiệu lạc quan.
Một trong những lý do được ông Tâm đưa ra là người dân có thể sử dụng test nhanh để kiểm tra, nếu dương tính thì báo ngay y tế cơ sở tại phường, xã, thị trấn. Một lý do khác xuất phát từ việc “chỗ này, chỗ kia” chưa tuân thủ giãn cách khiến F0 có cơ hội lây bệnh cho cộng đồng.
Theo ông Tâm, kế hoạch xét nghiệm mà TP.HCM đang triển khai sẽ không giống như kế hoạch xét nghiệm trước đây, dự kiến sẽ tăng mẫu xét nghiệm nên dự báo sẽ tăng số ca F0 mới. Công tác xét nghiệm sẽ có trọng tâm, trọng điểm theo vùng nguy cơ: vùng xanh, vùng vàng, vùng cam và vùng đỏ; mỗi vùng có kế hoạch khác nhau, chia theo từng tổ dân phố. “Mặt tích cực của số F0 tăng lên là TP kiểm soát được số lượng, quản lý chắc, cùng với hoạt động chăm sóc F0 tại nhà sắp triển khai”, ông Tâm đánh giá và cho rằng đây là những tín hiệu lạc quan khi đã phát hiện, kiểm soát sát hơn, chắc hơn.
Trả lời câu hỏi người dân test nhanh dương tính nhưng chậm được xử lý, ông Tâm hướng dẫn nếu dương tính thì người dân báo ngay cho y tế địa phương; trong hướng dẫn xử lý F0 tại nhà của Sở Y tế TP đã tính luôn cho trường hợp tự test nhanh dương tính chứ không chờ xét nghiệm khẳng định bằng PCR. Sắp tới, khi TP triển khai các trạm y tế lưu động thì các trạm này sẽ tiếp nhận, xử lý và chăm sóc như một ca F0 bình thường. Ông Tâm hướng dẫn nếu ca F0 chẳng may mất tại nhà thì gia đình cũng nên báo ngay cho y tế phường để phối hợp chính quyền địa phương xử lý.
3 nguyên nhân khiến đường phố đông đúc
Cũng tại buổi họp báo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho hay có 3 nguyên nhân dẫn đến đường phố đông đúc trong những ngày gần đây, dù TP đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Thứ nhất, từ ngày 16.8, TP.HCM cho phép thêm nhiều dịch vụ được hoạt động để duy trì cuộc sống hằng ngày như: bảo trì hạ tầng kỹ thuật tòa nhà, chung cư, cấp thoát nước, điều hòa…
Thứ hai, các địa phương rào chắn các tuyến đường nhánh và chỉ duy trì các tuyến đường chính để thuận tiện cho công tác kiểm soát. Do vậy, dù quy mô số người ra đường vẫn như cũ nhưng số đường đi ít hơn, người dân tập trung vào một số tuyến đường nên có cảm giác đông hơn. Ông Đức dẫn chứng bản thân cũng phải đi đường vòng, mất thêm 10 – 15 phút so với trước đây.
Thứ ba, người dân cần ra đường để đi tiêm vắc xin. Những ngày gần đây có khoảng 200.000 người đi tiêm vắc xin, thậm chí có ngày lên đến hơn 300.000 người. “Đây là công tác quan trọng nên không thể dừng, nếu người dân thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch thì không tạo ra mối nguy cơ lớn”, ông Đức đánh giá.
Về tình hình ùn tắc ở các chốt kiểm soát, ông Đức cho biết Công an TP.HCM đã tổ chức cuộc họp, rà soát các đối tượng được phép hoạt động (hiện có 17 nhóm đối tượng) để có quy định cụ thể hơn; trong đó nếu trường hợp không cần thiết thì sẽ hạn chế ra đường để thực hiện mục tiêu giãn cách.
Đến hết ngày 20/8, Việt Nam đã ghi nhận tổng số 312.611 bệnh nhân Covid-19, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4), nước ta có thêm 308.559 ca do lây nhiễm trong nước.
Các tỉnh phía Nam đang là tâm dịch của cả nước, trong đó 4 địa phương có số mắc cao nhất là TP.HCM (hiện đã phát hiện tới 164.542 ca tính riêng đợt dịch này), Bình Dương (55.601), Long An (16.552), Đồng Nai (15.602).
Nguyễn Anh