+
Aa
-
like
comment

Tiết lộ lễ vật cao quý được dâng lên các Vua Hùng năm Giỗ Tổ năm đầu độc lập

21/04/2021 10:09

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách từ giặc nội xâm và giặc ngoại xâm, nhưng Nhà nước Việt Nam mới với chính thể Dân chủ Cộng hòa vẫn đặc biệt quan tâm tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với những nghi thức trang nghiêm. Việc làm này không chỉ nhằm nêu ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ, mà còn thể hiện chí nguyện vì một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất và nhiệm vụ của chính quyền cùng với quốc dân đồng bào vì chí nguyện đó. Những tư liệu báo chí đương thời (nhất là báo Cứu quốc) phản ánh tương đối rõ nét điều này.

Báo Cứu Quốc số 214 ra ngày 13.4.1946 viết về Ngày Giỗ Tổ tại đền Hùng như sau: “Mồng 10.3 âm lịch: ngày giỗ Tổ. Ngày giỗ Tổ năm nay trong toàn cõi Việt Nam tỉnh nào cũng làm lễ rất long trọng, và phần nhiều theo một nghi thức mới. Tại đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ, nơi có lăng tẩm của ngài, ngày hội cũng khác mọi năm nhiều”.

Đó là những gian hàng của các đảng phái và tổ chức được dựng lên: gian hàng bày sách báo và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng triển lãm tranh ảnh chiến tranh và chống nạn mù chữ. Hội Phụ nữ Cứu quốc thì có hàng quà kiến quốc. Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức quán chống chiến tranh… Các khẩu hiệu “Việt Nam thống nhất”, “Tổ quốc muôn năm”, “Sẵn sàng tuân mệnh lệnh Hồ Chủ tịch” treo khắp các ngả đường từ chân núi tới đỉnh núi.

Ngày mồng 9.3 âm lịch, đoàn đại biểu Quốc hội và Chính phủ đã lên tới Đền Hùng gồm có cụ Huỳnh Thúc Kháng – Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Nguyễn Văn Tố – Chủ tịch Quốc hội và ông Nguyễn Xiển – Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ.

Thay mặt Quốc hội, cụ Nguyễn Văn Tố đã lên diễn đàn nói về ý nghĩa ngày giỗ Tổ trong năm đầu chính quyền độc lập, tự do. Cụ Chủ tịch Quốc hội đã hô hào dân chúng đoàn kết thống nhất.

Ông Nguyễn Xiển kêu gọi nhân dân toàn tỉnh Phú Thọ tham gia việc sửa chữa đê điều, nhất là quãng đê ở Lâm Thao, Hà Kỳ yêu cầu phải có sự nỗ lực cả Chính phủ mới có thể ngăn được sức nước đe dọa.

Lễ hội Đền Hùng năm 1946 với những hoạt động mới của Chính phủ và Quốc hội tại đây đã làm nao nức lòng người về dự.

Chính hội, sáng mồng 10.3, đại diện Chính phủ và Quốc hội đã tham gia lễ rước và lễ tế Quốc tổ Hùng Vương. Phóng viên Báo Cứu Quốc mô tả: “Trước bàn thờ Tổ quốc trên đỉnh núi cao, bốn bề cây cối âm u từ đền trung lên đền thượng, cụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Chủ tịch Quốc hội và ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ làm bồi tế”.

Đặc biệt, cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ đã dâng bức bản đồ Việt Nam thống nhất Bắc – Trung – Nam và lá cờ đỏ sao vàng lên ban thờ Tổ quốc, thể hiện ý chí bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Việc làm này đã “làm cho mọi người tràn ngập một ý nghĩ thiêng liêng về đất nước và có lẽ ai nấy trong lòng cùng thề nguyền: quyết giữ vững non sông và bảo vệ ngọn cờ”.

Hạnh Nhân

Bài mới
Đọc nhiều