Tiếng la ó, phản đối giữa lúc Sài Gòn đang chữa bệnh, muốn chấm dứt phải làm sao?
Sài Gòn bị “bệnh” nặng, bước vào cơn sốt mệt mỏi nhất sau gần 2 năm sống chung với “Cô Vít”. Gò Vấp đau rồi đến quận Ba đau, vậy rồi những quận khác nữa đua nhau đổ bệnh, nhanh như một cơn mưa đầu mùa. Chúng ta ai lớn nổi mà không trải qua vài trận ốm như thế. Và để chữa bệnh cho Sài Gòn trong giai đoạn vàng, Chỉ thị 15 và 16 đã được đưa xuống. Vậy mà chỉ mới có hai ngày trong đợt chữa trị cho Sài Gòn, lại bắt gặp những tiếng la ó, thất thanh của người Sài Gòn.
Sáng nay, bên cạnh tiếng còi cứu thương là những tiếng la ó phản đối ở của người dân ở 10 chốt kiểm soát đường vào khu vực quận Gò Vấp. Người dân muốn đi qua đây phải khai báo y tế, có giấy xác nhận của công ty có trụ sở tại quận Gò Vấp, có chứng minh nhân dân mà hộ khẩu thường trú tại đây… Thú thật, việc đưa tiền lẻ cho xe qua trạm thu phí thôi cũng đã gây ùn tắc đằng này lắm thủ tục mà lại còn phải kiểm tra vô cùng kĩ càng thì bảo sao… Phần lực lượng chức năng căng mình để không sót những mầm bệnh có sẵn trong cộng đồng, phần người dân vẫn phải lo lắng cơm áo hằng ngày, giữa cái nóng hầm hập như cơn sốt của Sài Gòn, và thế là tất cả muốn bùng nổ. Người dân “quạu”, lực lượng chức năng giải thích không nổi, cuối cùng là xả trạm….
Tất nhiên, không ai đồng ý với việc quạu của một số bộ phần người dân tại các chốt kiểm soát này, thế nhưng phải dũng cảm thừa nhận, nhiều người vẫn còn đang sợ chết đói trước khi sợ chết vì dịch. Và ý thức của mỗi người khác nhau, chúng ta chỉ có thể kêu gọi không có thể áp đặt. Vậy nên cũng đừng thắc mắc vì sao một số người lại nổi nóng trên tính mạng của chính mình!
Cũng không ai đồng ý với việc xả trạm này, thế nhưng nếu các bạn đứng trước sự phẫn nộ của một đám đông, hơn nữa việc tụ tập đông người càng khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng hơn, vậy thì liệu các bạn sẽ làm như thế nào? Hơn nữa, nên nhớ rằng, lực lượng lao động tại Gò Vấp là vô cùng đông đảo, hơn nữa địa bàn quận có các tuyến đường huyết mạch kết nối Hóc Môn, quận 12 với trung tâm, cũng như con đường Phạm Văn Đồng nối các quận Tân Bình – Phú Nhuận – Bình Thạnh – TP Thủ Đức – Bình Dương. Vậy nên, dù điều động một lực lượng chức năng lớn cũng không thể nào giải quyết hết như cầu của một số bộ phận người dân tại khu vực này.
Sài Gòn bệnh là điều không ai mong muốn, thế nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để cùng chung tay chữa bệnh cho nó trong suốt 2 tuần. Mới có hai ngày thôi, mà tiếng la ó đã ngập tràn, vậy nên, nếu không kêu gọi được ý thức thì cứ áp dụng luật mà làm. Cần phải đưa ra quy định nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp không chịu hợp tác, không chuẩn bị khai báo y tế, không chuẩn bị giấy tờ… Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng phải tuyên truyền rộng rãi những tuyến đường có thể di chuyển vào Gò Vấp. Dù biết là không đủ nhưng vẫn rất cần tăng cường lực lượng chức năng nhiều hơn nữa để đủ sức phục vụ cho nhu cầu của người dân tại khu vực trong những ngày còn cách ly. Tốt nhất là lực lượng cảnh sát giao thông nên túc trực 24/24 để kịp thời xử lý, phân luồng, tránh tình trạng ùn tắc cục bộ.
Còn các doanh nghiệp cần nhanh chóng đưa ra quy định rõ ràng cho nhân viên của mình nếu buộc phải đi làm tại các khu vực này. Nếu có thể, cho phép nhân viên được làm việc online tại nhà là tốt nhất. Bên cạnh đó, cũng cần nắm rõ lịch trình di chuyển của các nhân sự của công ty mình, yêu cầu tuyệt đối nếu không phải di chuyển qua các khu vực cấm, tránh tình trạng vì “gần”, “tiện đường” nên đi vẫn cố chấp đi qua.
Thế nhưng, hãy nhớ rằng áp dụng luật chỉ là trường hợp bất đắc dĩ, bởi lẽ Sài Gòn sẽ mau khỏi bệnh nếu mỗi người dân tự nâng cao được ý thức của mình. Sài Gòn đang cần được “An Yên”- muốn an toàn thì hãy ngồi yên, nếu mệt quá thì hãy nằm yên.
Hạnh Anh