Tiến tới bộ máy tinh gọn, lương thưởng rõ ràng, trách nhiệm cụ thể
Chính phủ quyết liệt tinh gọn tổ chức, hoàn thiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp và đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1581/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp. Đây là bước triển khai cụ thể, đồng bộ nhằm thực hiện các chủ trương lớn của Trung ương, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân trong tình hình mới.
Kế hoạch gồm 32 nhiệm vụ trọng tâm, giao rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, sản phẩm đầu ra và thời hạn hoàn thành. Đây là cách làm thể hiện tinh thần quyết liệt, minh bạch, gắn trách nhiệm với kết quả, tránh tình trạng chồng chéo, trì trệ trong tổ chức thực hiện.
Theo đó, các bộ, ngành chủ quản như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo… có trách nhiệm rà soát, sắp xếp bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn từng lĩnh vực. Những nội dung đặc biệt như sắp xếp hệ thống thanh tra, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, tổ chức ngành dọc như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… cũng được cụ thể hóa về nhiệm vụ và thời hạn hoàn thành.
Đáng chú ý, Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ trọng tâm trong việc rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến chế độ, chính sách, tiền lương, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã, thôn, tổ dân phố. Nhiệm vụ này phải hoàn thành trước ngày 31/10/2025.
Chính phủ xác định rõ, tinh giản tổ chức không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý hay làm xáo trộn đời sống cán bộ. Việc điều chỉnh chính sách lần này nhằm giữ chân và tạo động lực cho những người có năng lực, trách nhiệm, đồng thời thực hiện nguyên tắc công vụ hiện đại: “có vào, có ra”, đảm bảo minh bạch và công bằng trong tuyển dụng, sử dụng và đánh giá cán bộ.
Hai lĩnh vực then chốt là giáo dục và y tế tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế được giao rà soát tổng thể nhu cầu sử dụng viên chức ở các địa phương, đảm bảo cân đối giữa chất lượng và số lượng, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều đơn vị hành chính được sáp nhập, tái cơ cấu.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ sẽ đánh giá tình hình quản lý, sử dụng biên chế sau khi sắp xếp, hoàn thiện vị trí việc làm làm cơ sở xác định biên chế đến năm 2031. Đây là bước đi dài hạn, góp phần nâng cao chất lượng quản trị công và tối ưu hóa nguồn lực con người.
Một điểm tích cực khác là việc Chính phủ giao Bộ Xây dựng ban hành chính sách nhà công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phải di chuyển chỗ ở sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Đây là bước đi thiết thực, góp phần ổn định đời sống, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho cán bộ, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Kế hoạch lần này là một phần trong tổng thể cải cách hệ thống chính trị và hành chính công, hướng tới xây dựng một bộ máy “tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” như tinh thần của các nghị quyết Trung ương. Việc tập trung vào đánh giá, xếp loại công chức, viên chức, đồng thời rà soát lại các quy định về số lượng cấp phó, cơ cấu tổ chức cũng cho thấy quyết tâm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, minh bạch và hiện đại.
Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều yêu cầu cao hơn về hiệu quả điều hành, cải cách hành chính và tổ chức bộ máy là yêu cầu tất yếu. Kế hoạch 1581/QĐ-TTg không chỉ là một chỉ đạo hành chính, mà còn là bước chuyển mang tính chiến lược, thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ, bám sát thực tiễn và hướng đến mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn.
Với sự vào cuộc đồng bộ, bài bản của các bộ, ngành, cùng việc đặt con người vào trung tâm của cải cách, có thể kỳ vọng rằng hệ thống hành chính công sẽ ngày càng tinh gọn, năng động và hiệu quả hơn – đúng như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Thảo Nguyên