Tiến sĩ ‘dạy làm giàu’ dụ tiền 2.500 người bằng cách nào?
Đang làm ăn ì ạch, Phạm Thanh Hải bỗng thu 2.700 tỷ đồng một năm nhờ quảng bá là tiến sĩ, mở lớp dạy làm giàu dụ 2.574 người góp vốn, trả lãi 50%/năm, VKS cáo buộc.
Ngày 29/3, TAND Hà Nội mở phiên xét xử bị cáo Phạm Thanh Hải, 57 tuổi, cựu Chủ tịch Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT), về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do hàng trăm bị hại vắng mặt, HĐXX phải hoãn phiên toà tới 19/4.
Tám năm từ khi bị bắt, tháng 10/2015, vụ án “tiến sĩ dạy làm giàu” vẫn chưa đến hồi kết.
Tháng 5/2018 tại phiên sơ thẩm, ông Hải bị tuyên tù chung thân. Toà phúc thẩm một năm sau đó tuyên huỷ án sơ thẩm để điều tra lại vì cho rằng cấp sơ thẩm xác định có 508 bị hại và người liên quan với thiệt hại gần 600 tỷ đồng (cả gốc và lãi) là chưa chính xác. Một số người biết và giúp bị cáo Hải chiếm đoạt số tiền lớn cần bị điều tra, tránh bỏ lọt tội phạm.
Sau 3 năm 6 tháng, cáo trạng mới nhất của VKSND Hà Nội ra tháng 11/2022, vẫn xác định tiến sĩ Hải là bị can duy nhất. Số bị hại được nhà chức trách xác định tăng 66 người, lên 574 người, tổng số tiền chiếm đoạt 576 tỷ đồng.
Vụ án được phát giác ngày 19/10/2015 khi tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng An ninh tài chính tiền tệ, Công an Hà Nội, đến kiểm tra trụ sở IDT đã phát hiện nhiều hợp đồng góp vốn với số tiền rất lớn, trong khi giấy phép đăng ký kinh doanh không có nội dung huy động vốn, hoạt động tín dụng.
Tổ điều tra lập biên bản tạm giữ tang vật và mời người liên quan về trụ sở làm việc. Người đứng sau vụ lừa đảo dần hé lộ.
Cáo trạng xác định, ông Hải thành lập và làm Chủ tịch HĐQT Công ty IDT từ năm 2007, hoạt động trong dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tư vấn quản lý; sản xuất bán buôn bán lẻ thực phẩm, hoá chất công nghiệp và tổ chức hội nghị, hội thảo. Việc kinh doanh không hiệu quả, một năm sau, ông Hải lập website hoclamgiau.vn, tổ chức các hội thảo dạy làm giàu.
Trong các buổi học này, ông Hải tự giới thiệu là tiến sĩ, nhiều kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh tại Liên Xô, có tài đầu tư, kinh doanh. Công ty IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây công nghiệp “tỷ đô” macca, có siêu dự án…
Nhà chức trách cáo buộc, để tạo tin tưởng, thu hút nhiều người góp vốn, ông Hải đưa ra các hợp đồng góp vốn với lãi suất 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Ông Hải mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi 2-10% tiền “thưởng kết nối” dành cho những người môi giới hợp đồng mới; tổ chức cho các “nhà đầu tư” này đi liên hoan, du lịch…
Ông Hải huy động vốn phục vụ cá nhân song chỉ đạo kế toán IDT soạn thảo, ký hợp đồng, kiểm đếm tiền giúp. Toàn bộ việc này được tổ chức tại trụ sở IDT. Ông đưa ra các hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp đồng ủy thác đầu tư… tự ý sử dụng con dấu IDT trong các hợp đồng này để họ tin tưởng công ty huy động vốn, VKS cáo buộc.
Chỉ một năm, tháng 10/2014-10/2015, ông Hải đã huy động được hơn 2.725 tỷ đồng từ 2.574 nhà đầu tư. Đây là con số “chỉ tính các khoản có phiếu thu”, do ông Hải chỉ đạo không nhập tiền vào hệ thống sổ sách kế toán của công ty và bản thân ông cũng không quản lý, kết luận điều tra nêu.
Theo lời khai tại cơ quan điều tra, việc sử dụng số tiền này ra sao, ông không cho các nhà đầu tư biết. Song nhà chức trách xác định, ông Hải chỉ dùng 99 tỷ đồng (tức 3,6% tổng số tiền) để góp vào 9 dự án, song cũng không phải với danh nghĩa IDT như cam kết.
9 dự án này đều chưa có lợi nhuận, hoặc lợi nhuận chỉ 2-200 triệu đồng/năm, bị VKS đánh giá “hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao” như ông Hải hứa hẹn.
Ông ta khai “nhận thức được các dự án chưa thể sinh lãi suất cao như hứa hẹn”, trong khi phải trả tiền gốc, tiền lãi đến hạn với số tiền rất lớn nên buộc phải tiếp tục huy động của nhiều nhà đầu tư hơn để lấy tiền của người sau, trả cho người trước và “đảm bảo uy tín cá nhân”. Ông Hải nhận thức có sai sót trong việc huy động vốn nhưng “không lường trước được rủi ro” và hậu quả.
Hiện, ông Hải mất hoàn toàn khả năng thanh toán cho các “nhà đầu tư” này.
Bị hại nói ‘không bị lừa’
Trong gần 2.600 người nộp tiền cho ông Hải, VKS xác định 2.000 trường hợp không đến cơ quan điều tra làm việc, lấy lời khai. Cơ quan công an tách phần tài liệu liên quan 2.000 người này để điều tra, xử lý sau.
Với hơn 570 người đã xác định được nhân thân, nhà chức trách kết luận số tiền bị chiếm đoạt là 576 tỷ đồng. Song quan điểm của những “nhà đầu tư” này về vụ án, chia hai luồng ý kiến trái ngược.
294 người khai qua bạn bè, người quen và mạng Internet đã tới dự các hội thảo do IDT tổ chức. Họ nghĩ công ty đang triển khai các dự án tiềm năng, có hợp đồng góp vốn đầu tư với lãi suất cao. Họ được giới thiệu Phạm Thanh Hải là tiến sĩ, chủ tịch, Tổng giám đốc IDT, có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh tại Nga, có uy tín… nên tin tưởng đầu tư vào các dự án ông này quảng cáo.
“Nếu biết việc nộp tiền là để Hải đầu tư cá nhân thì không nộp”, nhiều người khai và yêu cầu IDT cùng bị cáo bồi thường, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong khi đó, 92 người rút đơn khiếu kiện, khẳng định không bị ông Hải lừa đảo và yêu cầu trả tự do cho bị can.
Những người còn lại đã chuyển địa chỉ, không đến làm việc, từ chối cung cấp thông tin hoặc đã chết.
Nêu quan điểm tại phiên toà hôm 29/3, một bị hại 95 tuổi, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội khẳng định ông Hải “có trí tuệ, tài năng, tầm nhìn kinh doanh”, không lừa đảo. Bà đề nghị toà tuyên bị cáo vô tội, trả tự do để ông Hải tiếp tục giảng dạy, truyền kinh nghiệm và thực hiện nốt các dự án đang sinh lời. Trước quan điểm này, HĐXX cho biết sẽ làm rõ vụ án và hành vi trong phiên xét xử ngày 19/4 tới.
Một bị hại 48 tuổi cho rằng, ông Hải thực tế đã chi trả cho các nhà đầu tư nhiều hơn số tiền huy động. Hơn 2.700 tỷ đồng là tính cả gốc và lãi, không phải tổng số tiền đã huy động được của các nhà đầu tư. “Điều đó chứng minh tiến sĩ Hải kinh doanh có lãi”, ông này nói.
Ông phủ nhận tư cách bị hại, nêu nguyện vọng trả tự do cho ông Hải. Ông nói mình và những người đồng quan điểm sẽ “tự giải quyết” với ông Hải theo nội dung hợp đồng, do đây là tiền của họ, “không liên quan tài sản nhà nước”.
Sau quá trình vụ án điều tra lại, vợ Hải cùng 4 kế toán, nhân viên công ty IDT vẫn được VKS xác định “không biết, không tham gia việc kinh doanh của ông Hải, không được hưởng lợi” và không được ông ta giải thích gì. Cơ quan công tố do đó kết luận “chưa đủ cơ sở” để khẳng định họ là đồng phạm nên không đề cập xử lý.
21 tài khoản ngân hàng của bị cáo Hải và một số cựu nhân viên IDT, tổng số dư nợ 17 tỷ đồng đã bị phong toả, chờ phán quyết của toà.
Thanh Lam