+
Aa
-
like
comment

Tiệm vàng chuyển tiền ngàn tỉ ra nước ngoài trong nhiều năm

15/01/2021 09:34

Kết luận điều tra của đại án Nhật Cường đã hé lộ một phần trong ‘tảng băng chìm’ của việc chuyển tiền ra nước ngoài, thực hiện những giao dịch bất hợp pháp.

Quá bất thường khi một tiệm vàng chuyển tiền ngàn tỉ - Ảnh 1.

Để vận hành đường dây buôn lậu “khủng” trong nhiều năm, ông chủ Nhật Cường đã thông qua trung gian chuyển hàng ngàn tỉ đồng cho chủ hàng ở nước ngoài.

Và mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an TP Hà Nội đã triệt phá một đường dây khác vận chuyển trái phép tới 30.000 tỉ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài nhằm che giấu hành vi phạm tội khác.

Tiệm vàng làm “cò” chuyển tiền

Theo kết luận điều tra, bị can Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường (Nhật Cường), đã giao dịch mua hàng lậu với 16 chủ hàng là nhà cung cấp nước ngoài. Huy là người quyết định việc chi tiền, tìm kiếm, giao dịch, làm việc với các đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài để đặt vấn đề mua hàng tại nước ngoài.

Từ năm 2014 đến tháng 7-2015, Huy trực tiếp giao dịch mua hàng. Giai đoạn sau đến tháng 5-2019, Huy giao cho bị can Trần Ngọc Ánh, phó tổng giám đốc Nhật Cường, trực tiếp đặt mua hàng lậu của các nhà cung cấp.

Sau khi giao dịch, Bùi Quang Huy và một số nhân viên của công ty thông báo cho Nguyễn Bảo Ngọc, giám đốc tài chính Nhật Cường, về thông tin liên quan đến việc chuyển tiền cho chủ hàng như số tiền, hình thức thanh toán là tiền mặt hoặc chuyển khoản, số tài khoản nhận tiền… Từ đó bị can Ngọc cân đối nguồn tiền và giao cho cấp dưới chi tiền cho các đối tượng là người của nhà cung cấp trực tiếp đến công ty nhận tiền.

Các bị can cũng có thể chuyển khoản hoặc nộp vào tài khoản của các cá nhân là người Việt Nam theo yêu cầu của chủ hàng.

Đáng chú ý, ông chủ và nhân viên của Nhật Cường còn thông qua trung gian thanh toán là các tiệm vàng ở phố Hà Trung, phố Hàng Dầu, để những nơi này quy đổi ngoại tệ và chuyển vào tài khoản nước ngoài do các chủ hàng yêu cầu. Nguyễn Bảo Ngọc chịu trách nhiệm ghi chép, hạch toán đầy đủ việc chi tiền cho các chủ hàng nước ngoài trên hệ thống phần mềm điện tử của công ty.

Theo kết luận điều tra, từ tháng 7-2015 đến tháng 12-2018, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã mua hơn 34.000 sản phẩm của nhà cung cấp có tên Mike USA, tổng trị giá hơn 564 tỉ đồng.

Với thương vụ mua bán này, các bị can đã chuyển hơn 534 tỉ đồng cho các tiệm vàng để chuyển vào tài khoản nước ngoài của chủ hàng.

Cụ thể ông chủ Nhật Cường đã chuyển 321 tỉ đồng qua tiệm vàng ở Hà Trung, trong đó chuyển hơn 176 tỉ tiền mặt và chuyển hơn 144 tỉ vào tài khoản của 10 cá nhân là nhân viên của tiệm vàng.

Còn lại, số tiền hơn 213 tỉ đồng thương vụ mua bán trên được các bị can chuyển qua một tiệm vàng khác ở phố Hàng Dầu để chuyển cho chủ hàng nước ngoài.

Còn lại hơn 7 tỉ đồng cơ quan điều tra chưa xác định được chuyển vào tài khoản nào cho nhà cung cấp, trong đó chỉ xác định gần 4 tỉ được nộp vào một ngân hàng lớn có vốn của Nhà nước, nhưng không xác định được số tài khoản và thông tin cá nhân.

Trong thương vụ với nhà cung cấp có tên “Công ty miền Tây”, trong thời gian 5 năm, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã mua hơn 84.000 sản phẩm trị giá 427 tỉ đồng.

Các bị can đã đưa cho tiệm vàng ở Hà Trung và Hàng Dầu 208 tỉ để chuyển vào tài khoản nước ngoài của nhà cung cấp. Tiếp đó Bùi Quang Huy và đồng phạm thực hiện giao dịch mua hàng ngàn sản phẩm với một người tên Quý sinh sống tại Mỹ.

Các bị can cũng chuyển hơn 400 tỉ đồng cho các tiệm vàng để chuyển vào tài khoản nước ngoài của chủ hàng Quý.

Cũng với thủ đoạn tương tự, trong thời gian dài, Bùi Quang Huy và đồng phạm mua hàng ngàn sản phẩm từ các chủ hàng ở Mỹ, Hong Kong, Canada…

Để thực hiện trót lọt những phi vụ tuồn hàng lậu về Việt Nam, các bị can đều thông qua trung gian là tiệm vàng để chuyển tiền cho nhà cung cấp ở nước ngoài với số tiền mỗi lần ít thì vài tỉ và nhiều lên đến vài trăm tỉ.

Tài liệu điều tra thể hiện, khi trích xuất dữ liệu điện tử từ hệ thống của Nhật Cường, cơ quan điều tra phát hiện tổng giám đốc Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thông qua hai tiệm vàng tại Hà Nội là Lộc Phát (ở phố Hà Trung, do Nguyễn Thị Thanh Loan làm chủ) và Thuận Phát (ở phố Hàng Dầu, do Bùi Thanh Phượng điều hành) để chuyển tiền hàng, tiền cước vận chuyển hàng lậu vào các tài khoản của chủ hàng và đường dây vận chuyển ở nước ngoài. Lời khai của bị can Nguyễn Bảo Ngọc cũng thể hiện điều này.

Trong đó tiệm vàng Lộc Phát đã chuyển hơn 1.700 tỉ đồng, tiệm vàng Thuận Phát chuyển gần 800 tỉ. Tuy nhiên, chủ tiệm vàng là Nguyễn Thị Thanh Loan và Bùi Thanh Phượng khai, sau khi nhận tiền từ Nhật Cường, chỉ chuyển tiền cho khách hàng trong nước, nhưng không nhớ rõ đơn vị, cá nhân nào. Cả hai đều không thừa nhận việc chuyển tiền ra nước ngoài.

Quá bất thường khi một tiệm vàng chuyển tiền ngàn tỉ - Ảnh 2.
Cơ quan chức năng khám xét một cửa hàng của Nhật Cường trên đường Lý Quốc Sư (Hà Nội) tháng 5-2019- Ảnh: NAM TRẦN

Cách “con voi” chui qua “lỗ kim”

Trước đại án Nhật Cường và vụ án 30.000 tỉ, Tổng cục Hải quan cũng từng có văn bản gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố cảnh báo về hiện tượng chuyển ngoại tệ ra nước ngoài bằng thủ đoạn khai báo nhập khẩu khống phần mềm có trị giá lớn.

Cụ thể, tháng 12-2017, Cục Hải quan TP.HCM khám xét 2 lô hàng nhập khẩu qua cảng Cát Lái, phát hiện hai công ty nhập khẩu 1.800 máy tính cũ nhưng khai khống phần mềm trị giá gần 3,7 triệu USD. Cơ quan hải quan đánh giá các doanh nghiệp khai khống nhập khẩu hàng hóa có trị giá lớn nhằm chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài.

Trao đổi với PV, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mặc dù Việt Nam đã có Pháp lệnh quản lý ngoại hối, các đối tượng lợi dụng nhiều lỗ hổng để chuyển tiền ra nước ngoài với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Theo ông Hiếu, kể cả các tiệm vàng khi làm trung gian cũng lợi dụng những phương thức hợp pháp và bất hợp pháp để chuyển tiền ra nước ngoài. Khi muốn chuyển tiền ra nước ngoài, tổ chức, cá nhân phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính qua thương vụ hợp pháp, nhưng rất khó kiểm soát 100% các thương vụ này. Và những đối tượng phạm pháp có thể dùng “trăm phương ngàn kế” để chuyển tiền.

Nghiêm trọng nhất là các đối tượng muốn chuyển tiền còn dùng thủ đoạn mở hóa đơn thương mại xuất nhập khẩu (CI) với trị giá lớn. Cụ thể một người mở CI cho đối tượng ở Mỹ với giá trị lớn. Bên xuất khẩu chuyển hàng, gửi tất cả chứng từ qua ngân hàng ở Mỹ về ngân hàng ở Việt Nam, và ngân hàng này thanh toán số tiền đó sang tài khoản xuất khẩu ở bên Mỹ.

“Nếu họ dùng thủ đoạn lừa đảo, CI trị giá 100.000 USD chẳng hạn nhưng bị đẩy lên 1 triệu USD thì ngân hàng cứ thế làm. Ngân hàng cũng khó kiểm soát được trong khi mục đích là nhằm chuyển tiền” – ông Hiếu phân tích.

Theo ông Hiếu, để lấp “lỗ hổng” ngăn chuyển tiền ra nước ngoài với những phương thức trên, ngân hàng phải là “chốt chặn” kiểm soát thanh toán đó có thực hay không. “Khi một người mua hàng ở nước ngoài thì hóa đơn đó có phải là giao dịch hàng hóa, hay là một hình thức để chuyển tiền. Ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề chuyển ngoại hối. Tiếp đó Ngân hàng Nhà nước có nên tiếp tục cho phép việc thanh toán ngoại tệ qua thẻ tín dụng hay không vì đây cũng là khâu thất thoát rất nhiều” – ông Hiếu đặt vấn đề.

Quá bất thường khi một tiệm vàng chuyển tiền ngàn tỉ - Ảnh 3.
Dữ liệu: ÁNH HỒNG – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Chủ tiệm vàng: Phí chuyển tiền ra nước ngoài 1,2%

Theo tìm hiểu của PV, dù không được cấp phép làm dịch vụ chuyển tiền, nhưng theo tiết lộ của những người trong giới kinh doanh vàng, vẫn có đường dây “chuyển ngầm” mà chỉ nội bộ trong giới biết với nhau, và chỉ có một vài tiệm vàng lớn mới có thể chuyển tiền ra nước ngoài.

Ông T., chủ một tiệm vàng tại TP.HCM, cho biết với khoản tiền chuyển ra nước ngoài trong vụ án Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường tương đương gần 108 triệu USD.

Trước đây, để chuyển tiền ra nước ngoài, có thể phân ra thành nhiều món, và thông qua ngân hàng có thể chuyển khá nhanh, vì mỗi lần chuyển được từ 100.000 – 300.000 USD.

“Tuy nhiên, gần đây các ngân hàng tại Việt Nam đã siết chặt quy định, do vậy phải tách nhỏ khoản tiền, còn khoảng 20.000 USD/lần chuyển. Nếu chuyển số tiền lớn như trên thì phải chuyển làm nhiều lần, đến nhiều tài khoản khác nhau và phải thực hiện trong nhiều tuần liền” – ông T. tiết lộ.

Về mức phí chuyển tiền dạng này, theo ông T., phổ biến hiện dao động từ 0,8-1,2%, tùy chuyển nhanh hay chậm. Như vậy nếu chuyển 100.000 USD thì mất từ 800 – 1.200 USD. Thời gian chuyển tiền cũng khá nhanh, thường chỉ trong vòng 24 giờ.

“Việc chuyển số lượng lớn tiền ra nước ngoài phải có mối quan hệ, có đường dây chứ một mình tiệm vàng khó thực hiện” – ông T. nói thêm.

ÁNH HỒNG

Tiệm vàng không được chuyển tiền ra nước ngoài

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết theo quy định hiện nay, các tiệm vàng chỉ được phép mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Và nếu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ và mua bán vàng miếng, tiệm vàng phải có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp. Tiệm vàng không có chức năng chuyển tiền ra nước ngoài.

Quá bất thường khi một tiệm vàng chuyển tiền ngàn tỉ - Ảnh 5.
Theo quy định, chỉ ngân hàng mới có thể chuyển tiền ra nước ngoài – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Làm rõ trách nhiệm hai tiệm vàng

Cũng theo ông Minh, trường hợp tiệm vàng làm dịch vụ thu đổi ngoại tệ thì phải ký hợp đồng làm đại lý thu đổi với ngân hàng thương mại, và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận làm đại lý thu đổi ngoại tệ cho tổ chức tín dụng. Lưu ý rằng với giấy phép này, các tiệm vàng chỉ được thu đổi ngoại tệ chứ không được bán ngoại tệ cho khách hàng, trừ tổ chức tín dụng mà mình làm đại lý.

“Về chuyển tiền, các tiệm vàng không có chức năng chuyển tiền ra nước ngoài. Chỉ ngân hàng mới có thể thực hiện các giao dịch chuyển ngoại tệ xuyên biên giới theo quy định của pháp lệnh ngoại hối phục vụ mục đích thanh toán xuất nhập khẩu, du học, đầu tư, định cư, chữa bệnh… với điều kiện bên chuyển tiền phải có đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh”, ông Minh khẳng định.

Trao đổi thêm với PV, một chuyên gia ngân hàng đề nghị không nêu tên cũng cho rằng tiệm vàng không thể chuyển tiền ra nước ngoài nếu không xuất trình giấy tờ hợp pháp về mục đích chuyển tiền như hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ… Chỉ ngân hàng mới có chức năng chuyển tiền.

Thế nhưng trở lại với vụ chuyển tiền của Nhật Cường, vị chuyên gia trên cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ một số vấn đề đặt ra như: Hai tiệm vàng trên có được cấp phép thu đổi ngoại tệ không? Phương thức mà hai tiệm vàng chuyển tiền cho Nhật Cường là bằng cách nào, tiền mặt hay chuyển khoản? Tiền đồng hay ngoại tệ? Chuyển cho đối tác trong nước hay nước ngoài. Nếu tiệm vàng chuyển tiền trong nước thì qua trung gian nào?

Với số tiền chuyển lên tới hàng ngàn tỉ đồng, hai tiệm vàng không thể không có chứng từ!

“Hậu quả hành vi “buôn lậu”, “rửa tiền” của Công ty Nhật Cường gây thất thoát rất lớn tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, sai phạm của công ty này còn khiến cạnh tranh không lành mạnh cho môi trường kinh doanh, thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, vị chuyên gia nhận định và cho rằng cần phải điều tra, làm rõ những vấn đề trên.

Bịt lỗ hổng

Để bịt các lỗ hổng hiện nay như việc núp dưới danh nghĩa thanh toán tiền xuất nhập khẩu hàng hóa cho phía nước ngoài nhưng tiền đi mà hàng không về, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết vấn đề này Ngân hàng Nhà nước giao các ngân hàng thương mại tự xem xét, giám sát bộ chứng từ chặt chẽ và phải có biện pháp đánh giá rủi ro cũng như ngăn chặn khi thấy dấu hiệu rủi ro.

Theo tìm hiểu của PV, gần đây ngân hàng siết chặt hơn các quy định về chuyển tiền. Trong thông báo gửi khách hàng, Vietcombank đề nghị khách hàng chủ động tuân thủ các quy định quản lý ngoại hối trong hoạt động vay, trả nợ nước ngoài, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Ngân hàng này cũng yêu cầu khách hàng khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền phải đảm bảo tính minh bạch, nội dung chuyển tiền cần được thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chính xác. Theo đó, đối với các giao dịch có liên quan đến vay, trả nợ nước ngoài; đầu tư trực tiếp; đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Vietcombank sẽ yêu cầu khách hàng xuất trình chứng từ để kiểm tra tính phù hợp trước khi ghi có vào tài khoản.

Trường hợp khách hàng không xuất trình được chứng từ phù hợp, chuyển tiền vào các tài khoản thanh toán sai mục đích, điện chuyển tiền không thể hiện rõ nội dung, mục đích chuyển tiền, ngân hàng có quyền không thực hiện ghi có vào tài khoản khách hàng theo thông tin trên lệnh chuyển tiền.

Nhiều ngân hàng vi phạm

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM trong 7 tháng đầu năm 2020 đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngoại hối và kinh doanh vàng với 35 tổ chức, cá nhân trên địa bàn với tổng số tiền phạt hơn 5,4 tỉ đồng. Ngoài ra, nơi này còn nhắc nhở bằng văn bản với 1 tổ chức kinh tế và 4 ngân hàng vi phạm quy định quản lý ngoại hối về vay, trả nợ nước ngoài, đầu tư vào Việt Nam và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Ngoài ra, trong báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về phòng chống rửa tiền được Ngân hàng Nhà nước công bố trước đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã đưa tội trốn thuế là 1 trong 17 loại tội phạm nguồn của tội rửa tiền.

Theo đó, so với các loại tội phạm khác, số vụ và số bị cáo bị kết án về tội trốn thuế trong những năm qua tương đối thấp. Thế nhưng số tiền phải thi hành án là tương đối cao và tăng dần trong những năm gần đây. Đây là các vụ việc có tính chất phức tạp, nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định việc người dân mang tiền ra nước ngoài

xuat canh
Người dân khi xuất nhập cảnh nếu mang theo ngoại tệ có trị giá trên 5.000 USD phải khai báo hải quan – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo quy định hiện nay, người Việt Nam và người nước ngoài khi xuất nhập cảnh nếu mang theo ngoại tệ có trị giá trên 5.000 USD hay ngoại tệ khác tương đương hoặc mang trên 15 triệu đồng và từ 300g vàng trở lên thì phải khai báo hải quan.

Nghị định 70 của Chính phủ cũng quy định người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài; chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.

Ngân hàng có trách nhiệm xem xét các chứng từ, giấy tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển, xác nhận nguồn ngoại tệ tự có hoặc mua từ tổ chức tín dụng được phép để mang ra nước ngoài.

THÂN HOÀNG – A.HỒNG – L.THANH/TTO

Bài mới
Đọc nhiều