+
Aa
-
like
comment

Thương người xa xứ long đong…

06/12/2020 15:19

Để phòng dịch COVID-19, toàn tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia đã được canh giữ rất nghiêm ngặt nhưng ngoài biện pháp cứng rắn, người Việt muốn trở về từ Campuchia được chia sẻ, vận động vì lợi ích chung.

Thương người xa xứ long đong... - Ảnh 1.
Biển Hồ cạn kiệt nguồn thủy sản khiến nhiều người gốc Việt sinh sống lâu đời ở Campuchia tìm cách sang Việt Nam để tìm việc làm – Ảnh: TIẾN TRÌNH

Chúng tôi cũng đã khuyến cáo với bà con rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục thực thi nghiêm luật pháp, trong đó có luật xuất nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ biên giới, đặc biệt trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Ông Vũ Quang Minh

Chia sẻ với những hoàn cảnh này, ông Vũ Quang Minh – thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia – cho biết hiện các cơ quan chức năng của Campuchia đang nghiên cứu để trong tương lai có thể cấp một loại giấy thông hành để bà con có thể xuất nhập cảnh về thăm Việt Nam và quay lại Campuchia.

Tuy vậy, trước khi có được giấy này, bà con gốc Việt chưa được phép xuất cảnh Campuchia và nhập cảnh Việt Nam.

Xử lý có lý – có tình

Dịp cuối năm, lại trùng ngay lúc Campuchia phát sinh các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng nên có nhiều bà con đã cố gắng vượt qua biên giới tìm về Việt Nam trái phép. Đại tá Lý Kế Tùng – phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng An Giang – thông tin cách xử lý: nếu gặp người nhập cảnh trái phép mà là công dân Việt Nam thì đưa vào khu cách ly theo quy định.

Với người gốc Việt thì phải xác minh vì nhiều trường hợp không có giấy tờ hoặc biết rõ vị trí, địa phương mà mình cư trú trước đó.

“Giải pháp cuối cùng là vận động để bà con quay lại sinh sống ở Campuchia vì một số trường hợp sinh ra ở Campuchia, sống trên đất nước Campuchia qua nhiều thế hệ, họ không có nhà cửa hay người thân ở Việt Nam, không biết nguyên quán ông cha thì làm sao cho nhập cảnh cách ly được” – đại tá Tùng nói.

Trung tá Huỳnh Chiến Thắng – đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (An Giang) – cũng cho biết những người nhập cảnh trái phép đa số đều không có giấy tờ tùy thân liên quan đến Việt Nam. Trong số những người tìm sang Việt Nam bằng đường sông thì phần đông từ những gia đình sinh sống lâu năm ở các địa phương ven Biển Hồ của Campuchia.

Trong khi đó, ông Đoàn Tấn Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết trong lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp sẽ hạn chế tối đa những trường hợp qua lại biên giới. Địa phương thường vận động kiều bào quay trở lại Campuchia, hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm, xăng dầu để họ quay lại.

Thiếu tá Trần Duy Ê, chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), cho biết thêm, thông qua hội kiều bào ở Campuchia, phía Đồng Tháp có hỗ trợ lương thực, thực phẩm để bà con giảm bớt khó khăn. “Thường kiều bào muốn sang Việt Nam chủ yếu để tránh dịch” – ông Duy Ê thông tin.

Tìm về còn do sinh kế

Có nhiều lý do để người gốc Việt tìm sang Việt Nam, trong đó ngoài việc tránh dịch còn có chuyện sinh kế. Vừa mới nhập cảnh về Việt Nam được ít ngày, bà Phan Thị Tay (52 tuổi, ngụ xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, An Giang) cho biết gia đình bà sang Campuchia thuê đất trồng xoài nhiều năm qua. Năm nay dịch bệnh làm giá xoài xuống dốc, chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg.

“Trồng xoài bên Campuchia thua lỗ vì giá quá thấp nên tôi nhập cảnh sang Việt Nam và chấp nhận cách ly” – bà Tay chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Sok Chea, chủ tịch Hội người gốc Việt tại Sihanoukville (Campuchia), cho biết tình hình dịch bệnh tại thành phố đặc khu này vẫn chưa có gì phức tạp. Hơn 1.000 người gốc Việt sinh sống lâu đời tại đây vẫn cảm thấy an toàn. Ông Sok Chea nói một vài trường hợp người gốc Việt tìm cách sang Việt Nam chủ yếu là lý do riêng như thăm thân nhân, trị bệnh, làm ăn… chứ không phải vì lo lắng dịch bệnh.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng – chủ tịch Hội người gốc Việt tại tỉnh Pursat, tỉnh có đông người gốc Việt sinh sống trên Biển Hồ – cho biết trong năm qua có khoảng 50-60 gia đình người gốc Việt ở Pursat rời Biển Hồ về Việt Nam. Các địa phương mà người gốc Việt nhắm tới là Tây Ninh, Long An, An Giang, Bình Phước… Họ đi để tìm nơi đánh bắt cá hoặc làm thuê.

“Ở Biển Hồ năm nay đời sống khó khăn, cá mắm đã không còn như mọi năm. Cũng đã có nhiều bà con chuyển đổi nghề nghiệp, đi làm cho các doanh nghiệp nông nghiệp do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Campuchia. Nhưng họ cũng muốn tìm sang Việt Nam để làm. Người gốc Việt muốn về Việt Nam chủ yếu là do mưu sinh” – ông Hoàng nói.

Khuyến cáo không nhập cảnh trái phép

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Quang Minh cho biết thời gian gần đây nhiều bà con gốc Việt ở Campuchia có cuộc sống khó khăn không chỉ về kinh tế gia đình, công ăn việc làm mà cả về địa vị xã hội, vị thế pháp lý, đặc biệt bà con sống trên sông, hồ ở các tỉnh, thành phố, địa phương ở Campuchia, nhất là trên Biển Hồ. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, đời sống của phần lớn bà con càng khó khăn hơn nên bà con tìm về Việt Nam tìm kế sinh nhai.

Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia cũng nỗ lực hết sức để hỗ trợ bà con bị di dời từ mặt nước lên bờ, đặc biệt ở Kampong Chhnang, vận động chính quyền địa phương cho phép thuê đất với giá hợp lý tại các khu tái định cư được chỉ định. Ngoài ra còn vận động các nguồn lực tại chỗ để tài trợ cho bà con di dời, xây dựng lại nhà, xây nhà vệ sinh, đào giếng… từng bước ổn định cuộc sống.

Vừa qua, chính quyền Campuchia đã thu hồi các giấy tờ bất bình thường và yêu cầu bà con đăng ký để nhận thẻ ngoại kiều, cho phép sống hợp pháp ở Campuchia, cứ 2 năm phải đăng ký lại, có nộp phí. Sau ba lần đăng ký, từ năm thứ bảy bà con đủ tiêu chuẩn để làm đơn xin nhập quốc tịch.

Do đó, nếu bà con di cư tự do ngay cả trong nội địa Campuchia, mà không đảm bảo đăng ký liên tục duy trì thẻ ngoại kiều, thì bà con cũng sẽ mất quyền lợi sống hợp pháp và cơ hội nhập quốc tịch khi đủ điều kiện.

Rất thông cảm nhưng phải vì lợi ích chung

Ông Vũ Quang Minh nói rằng tất cả cơ quan phía Việt Nam và Campuchia đều rất thông cảm với hoàn cảnh của bà con nhưng cần nói rõ là bà con gốc Việt đã vi phạm pháp luật khi tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Mặc dù không mong muốn nhưng đáng tiếc bà con là những người không may mắn khi không có quốc tịch nào như định nghĩa của Liên Hiệp Quốc. Vì thế bà con cần hiểu rõ là nếu không có giấy tờ gì chứng minh là công dân Việt Nam, và chưa phải là công dân chính thức của Campuchia, thì bà con không thể được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

T.TRÌNH – N.TÀI – B.ĐẤU/TTO

Bài mới
Đọc nhiều