Thương dân từ những gánh hàng rong
Một thành phố đáng sống không phải là nơi không có người nghèo. Khái niệm ấy thuộc về nơi người giàu biết sẻ chia và người nghèo biết nỗ lực. Từ bao đời chắt chiu tảo tần mưa nắng, nghề “buôn gánh bán bưng” đã dưỡng nuôi nâng giấc những giấc mơ lành cho người Việt Nam ta. Để rồi bản thân những “gánh hàng rong” trở thành một nét đẹp văn hóa của dải đất hình chữ S nặng ân tình. Trong chiến lược phát triển của TP.HCM, thân phận con người bé nhỏ với gánh hàng rong trĩu nặng trên vai sẽ đi về đâu?
Thời gian gần đây, tại TP.HCM diễn ra tình trạng người bán hàng rong chèo kéo khách du lịch, lấn chiếm lòng lề đường gây mất trật tự và mỹ quan đô thị. Đa phần thực phẩm trong những gánh hàng rong khó có thể kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. Người bán hàng rong đến từ nhiều địa phương khác nhau nên khó khăn trong quản lý và giải quyết các vấn đề phát sinh. Trước thực trạng đó, chính quyền thành phố trăn trở việc làm sao chấm dứt thực trạng này và tạo sinh kế cho người dân. Trong buổi họp gần đây, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh: “Đừng bao giờ trong đầu bất kì đồng chí nào nghĩ đây là chỗ của những người giàu, người sang trọng. Nếu có 100, 200 hay 300 người mua gánh bán bưng thì cũng phải tìm hiểu họ là ai, cách thức như thế nào và tạo sinh kế gì cho người ta sống được, đừng nghĩ đẩy người ta ra chỗ này”. Cách nhìn nhận trên được nhiều người chú ý và hoan hỉ đồng tình cao.
Xây dựng và phát triển TP.HCM luôn không nằm ngoài mục tiêu đảm bảo cuộc sống cho người dân lao động. Lực lượng này chiếm số lượng không nhỏ dân số nơi đây. Buôn gánh bán bưng là một kiểu nghề nghiệp có từ rất lâu đời với lực lượng đông đảo, tạo ra sự đa dạng trong bức tranh kinh tế văn hóa xã hội của thành phố. Việc thành phố kêu gọi người giàu đến đầu tư, sinh sống và đẩy người nghèo, cụ thể là người buôn gánh bán bưng ra địa phương khác làm ăn sẽ không bao giờ xảy ra. Vì đặt trong yếu tố của một thành phố đáng sống là sự phát triển ổn định của những nghề nghiệp phù hợp và đảm bảo được đời sống của người lao động.
Nhìn ra thế giới, đến với cường quốc kinh tế như Mỹ thì hàng rong vẫn tồn tại với những xe bánh mì xúc xích, khoai tây chiên, sữa lắc. Những hình ảnh ấy, tạo ra một nét văn hóa riêng biệt và độc đáo. Vì lý do ấy, tại TP. HCM trong chiến lược phát triển kinh tế, những gánh hàng rong như một lẽ hiển nhiên không thể loại bỏ. Gánh hàng rong, chỉ có thể là biểu hiện của một thực trạng nhức nhối gây mất an ninh trật tự, làm xấu bộ mặt và hình ảnh con người đất Việt khi chúng ta thiếu sự định hướng và giải quyết tận gốc những vấn đề còn tồn tại. Tạo sinh kế cho người làm nghề buôn gánh bán bưng, hướng dẫn chuyển đổi nghề nghiệp hoặc thực hiện quản lý tập trung phát triển thành một loại hình buôn bán văn hóa văn minh là một trong những giải pháp cần có trong điều kiện hiện nay.
Một gánh hàng rong nặng gánh đời. Tiếng rao của những phận người trong nghèo nàn tăm tối hi vọng sẽ vang xa hơn nữa trong rộn ràng no đủ theo từng bước phát triển và hội nhập của thành phố!
Hạnh Phúc