Thuốc lá – kẻ hủy diệt 40 nghìn người một năm ở Việt Nam
Thấy cậu bạn hút thuốc, không nói không rằng tôi dang tay tát một cái thật mạnh. Mắt bạn tôi long sòng sọc, tức tối, rồi nước mắt nó chảy ra. Hai thằng chẳng nói với nhau câu gì nữa.
Là bởi vì trước đó, hai thằng chúng tôi cam kết bỏ thuốc. Nó bảo, “nếu thấy tao hút, mày hãy tát thật đau”. Hôm tôi tới nhà nó chơi, đến không báo trước, thấy cậu ta ngồi uống trà một mình, điếu thuốc cháy dở trong gạt tàn. Nó nhìn tôi có vẻ hối lỗi, nhưng tôi vẫn tát, dù cái tát đó không giúp được bạn tôi.
Gần chục năm trước, chúng tôi cùng chuyển từ bắc vào nam sinh sống. Đang hút một ngày hai bao Vinataba, tôi phải đổi sang Mèo, Hê-rô, Zet, vì trong Nam không bán “Vina”. Không hợp nên tôi ho rũ rượi, chưa kể tốn tiền, nhưng bỏ thuốc mấy lần không xong, “buồn quá nên hút”.
Ngày tôi mới 13 tuổi, nhà có hai người chị đang tuổi cập kê. Gần như tối nào đám trai làng cũng tới nhà tôi chơi, mang theo thuốc lá để hút. “Sông Cầu là đầu câu chuyện” hồi ấy chưa có đầu lọc và giấy lót bạc như bây giờ. Ngày nào cũng vậy, đám thanh niên để lại bao thuốc còn một vài điếu lẻ. Khi ngồi học, tò mò, tôi thử hút, rồi tập thở sao cho khói thuốc cuộn thành hình chữ “O” hay hình con rồng. Cứ thế, tôi nghiện lúc nào không hay.
Ba năm học cấp ba, trọ xa nhà, ngày nào tôi cũng hút hết cả bao, có khi tiền thuốc lá nhiều hơn tiền ăn. Cứ mở mắt ra, chưa làm gì đã với điếu thuốc, hút xong mới đi đánh răng. Bạn tôi ở chung cũng nhiễm mùi khói của tôi và nghiện thuốc.
Phải đến 15 năm hút thuốc, tôi mới bỏ được khi vợ sinh con. Nằm gần con ngủ, tôi không dám thở mạnh vì sợ con phải hút thuốc thụ động quá sớm. Vì vậy, khi nào hút thuốc xong tôi lại đi đánh răng và súc miệng, cảm giác thuốc lá bớt “ngon”. Tôi quyết định “cai” và đã thành công. Gần 20 năm qua tôi chưa đụng đến điếu thuốc nào. Nhưng bạn tôi và cả gia đình của cậu rất chật vật vì thuốc lá. Sau hơn 25 năm hút thuốc, giờ cậu bị phổi tắc nghẽn mạn tính, hôm rồi mới bị đi cấp cứu. Khi gia đình đưa đến bệnh viện, người cậu đã tím tái vì tắc thở, bác sĩ đã báo vợ “về lo chuẩn bị hậu sự đi”, may mà sau đó lại cứu được.
Báo cáo khảo sát của WHO năm 2015 chỉ ra Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới. Năm 2015, Việt Nam có trên 45,3% số người trưởng thành hút thuốc, tỷ lệ này chiếm đến hơn 65% ở người trẻ từ 25 đến 45 tuổi. Nghĩa là bình quân nhà nào cũng có người hút thuốc, điều này dẫn đến tỷ lệ người không hút thuốc bị phơi nhiễm rất cao. Gần 60% dân số đang phải hút thuốc thụ động trong chính gia đình mình, 42,6% số người bị phơi nhiễm thuốc lá ở nơi làm việc. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì thuốc lá. Thuốc lá đánh cắp khoảng 13,2 năm tuổi thọ ở người hút thuốc là nam và ở phụ nữ khoảng 14,5 năm.
Mức thuế đánh trên sản phẩm thuốc lá trong những năm qua tăng đáng kể nhưng giá trung bình của một bao thuốc lá lại có xu thế giảm từ 12.700 đồng năm 2010 xuống còn 11.800 đồng năm 2015. Nếu so với mức tăng lương cơ sở, giá thuốc lá trở nên rất rẻ so với các mặt hàng khác.
Khác với xăng dầu, thuốc lá không bị đánh thuế môi trường. Thuế đánh trên thuốc lá gồm thuế tiêu thụ đặc biệt cộng với thuế giá trị gia tăng, chiếm khoảng 45% giá bán lẻ. Mức này thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của WHO hay Ngân hàng Thế giới – từ 65% đến 80% giá bán lẻ.
Nhờ thị trường tiêu thụ lớn do đông người hút thuốc, lại chịu mức thuế thấp nên ngành sản xuất và kinh doanh thuốc lá đạt lợi nhuận rất tốt. Trên trang web của mình, Vinataba cho biết, tổng công ty có thị phần trên 67% toàn ngành. Năm 2019, họ đạt kỷ lục về nộp ngân sách trong 35 năm hoạt động, vượt 11,3 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 1,6 nghìn tỷ đồng. Nếu giả sử 33% thị phần còn lại nộp ngân sách nhà nước tương đương Vinataba thì ngân sách thu được từ ngành sản xuất thuốc lá trong nước gần 17 nghìn tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với 23 nghìn tỷ đồng chi phí WHO ước tính cho việc chữa trị các căn bệnh liên quan đến thuốc lá tại Việt Nam.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết năm 2015 có khoảng 15 triệu người Việt Nam hút thuốc. Ước tính mỗi năm người Việt đốt hơn 38 nghìn tỷ đồng vào thuốc lá. Chưa kể chi phí chữa các bệnh liên quan như ung thư phổi, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư… Riêng tiền đốt thuốc lá của người Việt Nam có thể xây hoàn chỉnh cao tốc Bắc-Nam hay sân bay Long Thành.
Nghị định 117/2020 có hiệu lực trong tuần này, ngày 15/11, đã tăng cường mức xử phạt với hành vi hút thuốc lá nơi bị cấm từ 300 ngàn lên 500 ngàn đồng. Cửa hàng, đại lý bán lẻ thuốc lá không có bảng thông báo “không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi”, phạt một đến ba triệu đồng; phạt ba đến năm triệu đồng nếu bán hoặc cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Quy định này “tăng thẩm quyền, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng tăng cường xử phạt”, đại diện Bộ Y tế nói.
Tôi thử hỏi một vòng người quen, trong đó có nhiều bạn bè hút thuốc, không ai từng biết hay từng thấy việc bị xử phạt vì hút thuốc. Theo đại diện thanh tra Bộ Y tế, con số xử phạt vi phạm hút thuốc lá tại điểm cấm trong hai năm 2017, 2018 trên toàn quốc chỉ hơn 200 triệu đồng.
Với lực lượng thanh tra rất mỏng, người hút thuốc thì nhiều, nếu thanh tra có đến gần, người vi phạm có thể phi tang rất nhanh, búng đầu thuốc đi xa hay di chuyển từ vùng cấm (khuôn viên bệnh viện, trường học) ra ngoài. Kể cả khi bị bắt quả tang, người hút thuốc có thể né bằng các lý do như không mang giấy tờ tùy thân, không có tiền, hoặc tranh cãi trong khi bên xử phạt khó mà áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Nói cách khác, với biện pháp phạt tiền người hút thuốc – chưa bàn về số tiền phạt cũng không cao – khả năng giúp giảm số người hút thuốc cũng rất thấp.
Nơi bạn tôi làm việc, khu vực giải lao khá hẹp, mà giờ nghỉ thì người hút thuốc lá, người thuốc lào. Ngay trong văn phòng nhỏ hẹp chạy điều hòa liên tục, chỉ có cậu với người quản lý, nhưng khói thuốc vàng cả trần nhà. Những buổi họp giao ban, ông sếp bê cả cái gạt tàn sang phòng họp để vừa họp vừa hút. Quản lý các phòng ban khác cũng mỗi người một điếu thuốc, biến căn phòng thành mờ ảo như lò xông hơi.
Vì thế, tôi cho rằng đánh thêm thuế, tăng gía bán thuốc lá thật cao, giới hạn điểm bán thuốc lá và đối tượng được mua khắt khe hơn, đồng thời kiểm soát cả với các sản phẩm thay thế như thuốc lào hay thuốc lá điện tử không phải biện pháp thừa. Những cách không hề mới này đã hữu hiệu từ lâu ở Singapore hay Nhật Bản. Có nhiều người sẽ nói, dân trí của họ cao hơn Việt Nam nên mới làm được. Tôi cho rằng dân trí trong nhiều trường hợp được hình thành bởi sự nghiêm khắc của luật pháp.
Nếu không, việc bắt phạt 500 ngàn đồng một lần hút thuốc lá nơi bị cấm, với những người lao đao vì thuốc lá nhưng vẫn chưa bỏ được như bạn tôi, có lẽ vẫn chỉ là một quy định để cho có.
Vũ Ngọc Bảo (Luật gia)