+
Aa
-
like
comment

Thực hư “chuyện bầu cử ở làng quê tôi”

Hải Anh - 01/06/2021 16:08

Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra thành công tốt đẹp với tỷ lệ đi bầu cử rất cao. Điều đó cho thấy sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị hướng về ngày hội non sông. Tuy nhiên, những cá nhân tổ chức chống phá vẫn ra sức tìm mọi cách để xuyên tạc, hòng đánh lừa dư luận. Chúng tung tin bịa đặt rằng “kết quả đã được dàn xếp”, “nhiều cử tri không quan tâm bầu cử và đi bầu cử chỉ là ép buộc”…

Luận điệu xuyên tạc hoạt động bầu cử ở Tây nguyên của tổ chức chống phá Việt Tân.
Luận điệu xuyên tạc hoạt động bầu cử ở Tây nguyên của tổ chức chống phá Việt Tân.

Ngày 1/6, trang mạng Việt Tân đăng tải bài viết “Chuyện bầu cử làng quê tôi” của đối tượng Cao Nguyên. Trong bài viết, đối tượng này tự nhận mình là người thuộc nhóm dân tộc bản địa của vùng Tây nguyên và kể lại câu chuyện đi bầu cử vừa qua của làng mình rằng: “Mỗi gia đình có thể tự cử một người đi bỏ phiếu giùm cho tất cả thành viên khác trong gia đình cũng được, Ô lạ quá! Có một ông chú ngồi bên cạnh tôi mới nói ‘Qua bầu cho có hình thức thôi chứ họ tự chọn người hết rồi cháu ơi’, tôi cũng khá bất ngờ về hệ thống bầu cử lạ quá này”.

Chưa hết, đối tượng này cho rằng “các ứng cử viên chẳng cần làm gì, vì đã có loa phát thanh của chính quyền địa phương kêu gọi bầu cử. Điều này hoàn toàn trái ngược lại với một cuộc bầu cử tự do dân chủ” và kết luận rằng “Cuối cùng thì cuộc bầu cử ở quê tôi cũng đã diễn ra tốt đẹp dù không như ý của mọi người. Có lẽ ai trong chúng tôi cũng đang mong chờ một ngày nào có được sự thay đổi, để chính mình được bầu chọn cho người mà mình muốn, vị mà mình biết, đối tượng mà mình tin, được nghe và biết về những kế hoạch và chiến lược của những ứng cử viên mà mình chọn sẽ làm cho bản làng”

Nhưng sự thật đây chỉ là luận điệu xuyên tạc, bịa chuyện nhằm mục đích kêu gọi mọi người tẩy chay bầu cử ở Việt Nam. Có thể thấy trong bài viết này, Cao Nguyên không hề đưa ra chứng cứ bầu cử ở đâu, làng nào, xã nào, huyện nào mà chỉ nói chung chung “ở Tây Nguyên”.

Thực tế, câu chuyện bầu cử ở các buôn làng Tây Nguyên hoàn toàn khác hẳn với bài viết trên. Chẳng hạn, ở buôn Kna B có gần 900 cử tri, trong đó cử tri là người Ê Đê chiếm gần 2/3. Trước ngày bầu cử, các cử tri ở đây có dịp ra hội trường Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng để xem lại một lần nữa các ứng cử viên ĐBQH và Đại biểu HĐND các cấp để lựa bỏ phiếu cho Đại biểu xứng đáng.

Trong ngày bầu cử, ai cũng chọn mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của dân tộc mình để đến điểm bỏ phiếu bầu cử thực hiện quyền công dân của mình, lựa chọn những người tiêu biểu về đạo đức, tài năng vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương.

Thậm chí, ông ông Y Bhông Niê, 82 tuổi ở buôn Akô Đhông còn cho biết ông đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về lý lịch, tiểu sử của các ứng cử viên, và thấy những Đại biểu thuộc nhiều thành phần, trình độ chuyên môn cao và nhiều năm công tác trong các lĩnh vực nên ai cũng xứng đáng làm Đại biểu nhân dân. “Tuy nhiên, tôi sẽ lựa chọn những người thật sự tiêu biểu về đạo đức, trí tuệ bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương với mong muốn, những Đại biểu trúng cử sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò là người Đại biểu nhân dân” ông nói.

Tỉ lệ cử tri tham gia bầu cử cao là biểu hiện sống động, thể hiện niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền, đồng thời cũng thể hiện tình cảm, tinh thần trách nhiệm của cử tri đối với quê hương, đất nước. Đặc biệt cuộc bầu cử lần này đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả trong việc triển khai công tác bầu cử ở các khu vực, đối tượng đặc thù, như: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, người bỏ phiếu tại nhà, người trong các khu cách ly do dịch bệnh Covid-19… việc triển khai công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các cơ quan chức năng góp phần vào thành công của cuộc bầu cử.

Tất cả những điều trên đã chứng tỏ những luận điệu trong bài viết của Việt Tân là hoàn toàn bịa đặt thông tin không có sự thật. Và bằng chứng không thể chối cãi, đó là dù ra sức dùng mọi thủ đoạn, tất cả chiêu trò chống phá như “tự ứng cử”, “tẩy chay bầu cử” đều bị cử tri trên mọi miền Tổ quốc thẳng thừng bác bỏ, không chấp nhận và lên án kịch liệt.

Dù âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nham hiểm đến mức nào, những kẻ chống phá đã không thể đánh lừa được cử tri, thực hiện được dã tâm thâm độc của chúng.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều