Đừng để khi khóc và ước thì đã quá muộn rồi…
Năm 2007, số vụ chết do tai nạn giao thông vào khoảng 13200 người. Năm 2008, con số đó giảm xuống còn 11318 người. Trong một năm, tổng số người chết giảm khoảng 1900 người, tương đương với mức giảm khoảng 14%. Đó là con số % giảm cao nhất trong 30 năm thống kê chính thức số người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam, đến bây giờ, đó vẫn là mức % giảm tuyệt đối cao nhất.
Điều gì đã xảy ra vào năm ấy?
Đó là một trong những bộ luật giao thông đường bộ gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử tư pháp Việt Nam được áp dụng: Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên mọi tuyến đường. Người dân khi đó đặt ra một câu hỏi rằng: Đây phải chăng là một bộ luật duy ý chí. Chẳng lẽ đi vài km cũng vác cái mũ bảo hiểm nồi đồng cối đá ra à? Hoặc, người ta chống chế bằng cách đội mũ không cài quai, đội mũ bảo hiểm thời trang, đến giờ, những cái mũ mỏng tang vẫn được duy trì trên nhiều con đường, lề phố. Và rồi, họ nghĩ rằng bộ luật đó ra đời là để công an giao thông ăn tiền dân. Một vài tờ báo trào phúng xỏ xiên rằng quy định này gây bất tiện, rằng đội nón khiến người ta dễ viêm nhiễm nấm da đầu… hàng loạt tranh biếm hoạ vẽ nón bảo hiểm thành nồi cơm điện được tung ra đá đểu chính quyền.
Đến giờ, hơn 12 năm từ bộ luật ấy, có thể thấy rằng, thói quen đội mũ bảo hiểm đã đi sâu vào trong đời sống nhân dân, chúng ta chấp hành tốt hơn, số vụ tai nạn vì chấn thương sọ não giảm nhiều. Nếu nghĩ về bây giờ và ngày ấy, hẳn những ai phản đối và chê bai, đều sẽ phải im miệng lại. Có những điều, sẽ không có tác dụng ngay và phải vài năm sau, con người ta mới thấu hiểu được nó. Nhưng, tính ích kỷ, cá nhân lại khiến cho người ta không nhìn xa được.
Cách đây 3 ngày, những luật mới về phòng chống tác hại của rượu bia được đưa ra và thực hiện. Về căn bản, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ không được có trong hơi thở một chút nồng độ cồn nào cả, mức phạt gia tăng gấp nhiều lần. Và dĩ nhiên, nhiều người phản đối.
Kênh QPVN làm một phóng sự ngắn về việc ăn vải và kiểm tra nồng độ cồn và họ nói rằng cần phải xem xét lại về bộ luật này. Nhưng mình khá thất vọng, thay vì các phóng viên làm việc theo kiểu “thầy bói xem hoa”, họ có thể căn cứ vào luận cứ khoa học hoặc đọc kĩ các văn bản hướng dẫn pháp luật.
Vậy ăn hoa quả có làm tăng độ cồn? Câu trả lời là CÓ. Một số loại hoa quả chứa hàm lượng đường cao có thể gây ra nồng độ cồn trong hơi thở như: vải, nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, xoài… máy đo của anh em công lộ thì nhạy nên việc sai lệch là tất nhiên. Tuy nhiên, khác với việc uống rượu bia, hơi cồn do hoa quả tồn tại chỉ tầm 15p là hết. Và tỉ lệ một người ăn cả đống trái cây rồi lập tức móc chìa khoá xe chạy ra đường rồi gặp lực lượng chức năng phạt vạ trong 15p xác xuất sảy ra bao nhiêu %?
Về cơ bản, không phải cứ đo là đã có kết luận bạn bị phạt, bạn có thể trình diện lý do giải thích nồng độ cồn tăng cao và xin đo nhiều hơn 2 lần, rồi CSGT sẽ căn cứ để phạt bạn và dĩ nhiên, bạn có thể xin thổi phạt lại sau 10 – 15 phút sau lần đầu tiên. Sau khi ăn hoa quả tầm chục phút là nồng độ cồn đã không còn nữa rồi, còn nếu uống rượu bia thì có cả đêm cũng không hết. Điều này chắc nếu bạn nào uống rượu bia rồi thì biết, đúng không? Làm một phóng sự sai quá là sai. Đáng buồn thay rất nhiều người lại đang ra sức hùa theo cái luận điệu ấy.
Như cái dạo, Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm ra đời, người ta còn không thèm cài quai và biện minh rằng: Tao có đội nhưng tao không cài quai, chúng mày không ghi rõ, ráng chịu, đừng lấy cớ và phạt tao. Rồi chuyện vứt rác ra đường, đó là luật đúng và chẳng có ai bàn cãi và phản đối cả, nhưng họ vẫn vứt rác và vẫn đổ lỗi.
Chắc mấy cái luật nó chừa mình ra – Họ nghĩ
Nhưng rất tiếc, tao lại không chừa ai cả – Tử thần nói.
Mình đã chứng kiến có quá nhiều điều thương tâm xảy ra rồi và mình có bạn bè từng bị thương rất nặng, từng đâm chết người chỉ vì bia và rượu và cũng có người thân phải nằm xuống vì điều này.
Thái độ và mạng sống là của các bạn và nó chỉ 1 lần trong đời, đừng phản đối cái điều mà nó khiến cho các bạn, người thân của các bạn duy trì cái điều mà không bao giờ mỗi người có được lần thứ 2.
Khi khóc và ước gì thì đã quá muộn rồi.
TH