Thủ tướng: Xây dựng Việt Nam hùng cường là khát vọng của người nông dân
Chiều nay, tại Đắk Lắk, lần thứ 3 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại với nông dân Việt Nam.
Hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho khoảng 14 triệu hộ nông dân của cả nước tham gia đối thoại với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.
Đại dịch nhưng vẫn được mùa trúng giá
Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong 350 nông dân có mặt tại hội nghị đặt câu hỏi sát với yêu cầu thực tế, phù hợp với đặc thù sản xuất ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Chính phủ, Bộ ngành muốn nghe những tâm tư nguyên vọng, kiến nghị với Chính phủ từ quy hoạch sản xuất, tới tiêu thụ sản phẩm, có khó khăn gì bà con nêu lên.
Theo Thủ tướng, dịch Covid-19 xảy ra khiến nền kinh tế cả thế giới tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng được, trong đó có trụ đỡ quan trọng là nông nghiệp, nông thôn.
Năm nay vì xảy ra Covid–19, không ít lao động bị mất việc làm, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Tuy nhiên lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hầu như không bị thất nghiệp.
Đáng mừng, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt tới 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu châu Á về xuất khẩu. Đặc biệt, năm nay đại dịch, song cơ bản chúng ta vẫn được mùa trúng giá từ lúa gạo, thuỷ sản, trái cây… Có thể nói nông nghiệp thắng lợi toàn diện. Số hộ thiếu đói giảm 70% so với cùng kỳ.
Về nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta đã đạt mục tiêu hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, chúng ta đang hình thành lớp nông dân mới, Chính phủ rất tự hào về điều này. Chưa bao giờ khu vực nông nghiệp, nông thôn từ đồng bằng đến miền núi có sự tăng trưởng tốt như vậy.
Song Thủ tướng cho rằng trách nhiệm của chúng ta còn nhiều việc cần làm, còn nhiều trăn trở cần giải pháp tháo gỡ. Ngoài vấn đề cần mở rộng thị trường mới thì tỷ lệ chế biến các mặt hàng nông sản còn thấp, như cà phê mới có 12%. Tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu kém chất lượng cũng còn nhức nhối, gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho bà con. Hay như về vốn cho nông dân…
“Tôi hy vọng lần này chúng ta sẽ tập trung mạnh vào những vấn đề bức xúc cần tháo gỡ. Hy vọng sau hội nghị này, sẽ có thêm những lớp nông dân mới về kiến thức, ý chí, tư duy mới, suy nghĩ mới, cái thời con trâu đi trước cái cày theo sau đã qua rồi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu vấn đề làm thế nào phát huy hơn nữa tinh thần tự lực tự cường của nông dân; suy nghĩ phải làm gì để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, từ đó giải quyết tốt các vấn đề ở nông thôn, nông dân. Đó không chỉ là vật chất, tinh thần đang đặt ra ở nông thôn, nhất là nông thôn ở miền Trung, Tây Nguyên. Tây Bắc heo hút, khó khăn hơn nhiều, nhưng chúng ta cần phối hợp để làm sao 15 cơ quan nhà nước ngồi đây cùng tập trung giải quyết. Đối thoại phải là thiết thực chứ không phải là hình thức.
Cà phê Tây Nguyên quý hơn vàng, phải gìn giữ
Tại cuộc đối thoại, nông dân Đỗ Quý Toán (Đắk Lắk) cho biết, mới đây lô cà phê đầu tiên đã được xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA, hưởng thuế suất 0%. 39 chỉ dẫn địa lý cà phê của Việt Nam cũng được EU cam kết bảo hộ. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam.
“Vậy Chính phủ có giải pháp gì để phát triển ngành chế biến, xuất khẩu cà phê bền vững?”, ông Toán hỏi.
Cũng theo ông Toán, thời gian qua giá cà phê xuống thấp, nông dân địa phương lo lắng muốn chặt bỏ để trồng cây khác. Ông muốn biết người trồng cà phê như ông có nên tiếp tục duy trì cây trồng gắn với lịch sử, văn hóa của Tây Nguyên hay không? Chính phủ có định hướng gì để giúp nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác và làm sao xác định được đâu là cây trồng chủ lực của Tây Nguyên?
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam, cà phê Việt Nam có chất lượng rất tốt, được thế giới đánh giá cao. Vì vậy, Thủ tướng khuyên bà con vẫn tiếp tục trồng cà phê, song phải quy hoạch vùng trồng cho rõ ràng.
Phía Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh.
“Cà phê Tây Nguyên là thương hiệu quý hơn vàng, nên phải gìn giữ”. Thủ tướng nói và cho biết, phải đẩy mạnh chế biến sâu. Hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu mới đạt 12%, còn lại chủ yếu là sản xuất thô. Trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp là phải giữ vững thương hiệu cà phê Tây Nguyên.
Tây Nguyên có tới 2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp với một loạt nông sản chủ lực, nhưng lại có rất ít nhà máy chế biến nông sản. Nông dân Phạm Lê Mạnh (Đắk Lắk) hỏi: Chính phủ sẽ có giải pháp gì để xây dựng, mở rộng nhiều nhà máy chế biến nông sản ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, biến Tây Nguyên thành khu vực công nghiệp chế biến nông sản lớn của cả khu vực Đông Nam Á.
Theo Thủ tướng, trong những năm qua, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có tiến bộ. Ví dụ như trong năm nay, chúng ta khánh thành 15 nhà máy chế biến nông sản. Trong đó, có nhà máy chế biến thịt gà đứng vào top lớn nhất thế giới, hay như nhà máy chế biến rau quả cũng nhất nhì thế giới… Dư địa về phát triển chế biến nông sản của Việt Nam còn rất lớn.
Về giải pháp, Nhà nước khẳng định sẽ tạo mọi cơ chế chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường để đầu tư vào chế biến nông sản. Ai làm chế biến nông sản sẽ được Trung ương hỗ trợ về vốn và địa phương sẽ hỗ trợ mặt bằng.
Nhưng muốn phát triển được chế biến nông sản thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chúng ta phải sản xuất có quy hoạch. Nếu như tỉnh Đắk Lắk không tổ chức quy hoạch sản xuất được thì kêu gọi tất cả các tỉnh thành khác cùng bắt tay tham gia phát triển.
Theo nông dân Phạm Văn Chử, Tây Nguyên có tiềm năng để phát triển chăn nuôi, tới đây Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy chăn nuôi toàn vùng và có cơ chế để nông dân được hợp tác, tham gia vào chuỗi chăn nuôi của doanh nghiệp. Ông cũng mong Thủ tướng có chỉ đạo các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, giúp người chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, Tây Nguyên là một vùng đất rộng lớn, có rất nhiều tiềm năng nhưng đến nay ngành chăn nuôi vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo thống kê sơ bộ, toàn vùng mới có 3 triệu con lợn, 25 triệu con gia cầm, đàn đại gia súc khoảng 1 triệu con. Trong khi, cả nước đang có 25 triệu con lợn, 500 triệu con gia cầm,… Tây Nguyên hoàn toàn có thể phát triển chăn nuôi, các tỉnh phải bố trí lại, cân đối cơ cấu giữa chăn nuôi và trồng trọt.
Về việc hỗ trợ tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi, ông Cường cho biết, sau dịch bệnh đàn lợn của cả nước giảm sâu, Chính phủ đã đã chi hơn 7,6 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân. Đây là sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với nông dân. Tuy nhiên, để nông dân nhanh tái đàn lợn, ông đề nghị các tỉnh cần quan tâm hỗ trợ cho bà con bằng những giải pháp thiết thực nhất.
Xây dựng Việt Nam hùng cường
Sau khi lắng nghe ý kiến của nông dân về các vấn đề trong nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, có được bức tranh tam nông như ngày hôm nay là có sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt có sự đóng góp rất lớn của hơn 10,2 triệu hộ nông dân Việt Nam. Bà con nông dân chúng ta một nắng hai sương, tần tảo lo cho gia đình, cuộc sống, đóng góp cho nền nông nghiệp những thành quả to lớn để đạt kim ngạch xuất khẩu lớn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoanh nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, các nhà khoa học luôn phối hợp chung vai sát cánh cùng nông dân, thực hiện tốt mối liên kết 6 nhà. Công lao bà con nông dân rất lớn, giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, nông nghiệp năm nay còn tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt 2,6% trong khi năm ngoái là 2,1%; không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp nhiều sản phẩm cho xuất khẩu.
Hiện nay nước ta còn 65% dân số sống ở vùng nông thôn, nhiệm vụ phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đời sống bà con ấm no hạnh phúc chính là quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước; tiến trình đô thị hoá, xây dựng nông thôn mới phải theo hướng phát triển bền vững, hài hoà, theo nền kinh tế thị trường.
Khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, cũng chính là khát vọng của những người nông dân Việt Nam. Nếu 65% bộ phận người dân nông thôn không phát triển, đời sống không được nâng cao, thì đó chưa phải là hùng cường, Thủ tướng nhấn mạnh.
Mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn tới là thúc đẩy, giúp nông dân tăng thu nhập. Hiện nay nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam dù đứng đầu thế giới, như cà phê, hồ tiêu, cao su, gạo, chè…, nhưng vẫn xuất thô nhiều, hàm lượng chế biến thấp. Đây là điểm yếu, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta phát triển, đẩy mạnh chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực.
Theo Thủ tướng, nông nghiệp là ‘mỏ vàng’, nhưng nếu không biết khai thác thì ‘mỏ vàng’ cũng bị cạn kiệt. Do đó cần gắn với phát triển đa dạng sinh thái, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, đặc biệt là bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Quan điểm xuyên suốt trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp chính là thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, cách mạng 4.0, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc áp dụng robot, máy bay không người lái, Big data, internet vạn vật… Nếu chúng ta còn không hiểu cuộc cách mạng đó thì không thực hiện hiệu quả được.
“Các bộ ngành cần tiếp tục cùng chúng tôi đẩy mạnh cải cách các chính sách đầu tư vốn nông nghiệp, chính sách về hạn điền, tích tụ đất đai quy mô lớn; thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các chuỗi giá trị, thúc đẩy liên kết 6 nhà. Nếu 6 nhà không liên kết tốt thì khó thực hiện hiệu quả, nhất là các nút thắt về vốn, thị trường…”, Thủ tướng yêu cầu.