Thủ tướng: Việt Nam được nhắc đến là quốc gia đi đầu về xu hướng mới!
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau thế kỷ 21, thế giới có thể không nhớ quốc gia đứng đầu về thu nhập mà nhớ nước đi đầu về xu hướng vì con người và Việt Nam có thể đi đầu trong một số lĩnh vực…
Sáng 28/12, Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm 2020 khai mạc với quy mô toàn quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Nhân tố truyền cảm hứng vượt lên chính mình
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sự kiện không chỉ tổng kết năm 2020 mà còn nhìn lại cả 4 năm trước đó.
Nhớ lại 5 năm trước, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. Sau 5 năm nhìn lại, đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ hết, tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, niềm tin được củng cố… Thủ tướng nhắc tới việc Việt Nam đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trên trường quốc tế và khu vực, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng.
Năm 2020 đi vào lịch sử dưới tác động của Covid-19, nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội. Đến thời điểm này, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép trong phòng chống Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh.
“Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua”, Thủ tướng nói.
Năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của Việt Nam trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam.
Bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Lãnh đạo Chính phủ dẫn thông tin từ tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
“Đặc biệt, chúng ta còn chứng kiến con số tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi, đây là nhân tố truyền cảm hứng để nhiều địa phương khác vượt lên chính mình”, Thủ tướng nói.
Ông nhấn mạnh Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội với việc tạo ra hơn 8 triệu việc làm, thu nhập và mức sống người dân ngày càng được nâng cao.
Trong thu – chi ngân sách, Thủ tướng đánh giá thu đạt yêu cầu, chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Minh chứng cho nhận định này, ông cho biết trước tình hình dịch Covid-19, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội, được cho phép có thể hụt thu 200.000 tỷ, nhưng tổng giảm thu trong năm chỉ có 50.000 tỷ.
Cán cân thương mại, hàng hóa liên tục thặng dư trong suốt những năm qua nhờ lợi thế, cạnh tranh trong cơ cấu.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá tăng trưởng GDP có nhiều ý nghĩa, nhưng không thể đo đếm được hết tình người trong bão lũ miền Trung, không phản ánh đầy đủ được bản chất tốt đẹp của chế độ.
Trong các chương trình nghị sự, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn đặt quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm.
Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng bao trùm hơn rất nhiều. Tăng trưởng kinh tế cả nước có sự đóng góp từ tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi, đây là nhân tố truyền cảm hứng khác cho nhiều địa phương khác vượt lên chính mình. Tăng trưởng cũng không phụ thuộc nhiều vào riêng thành phần kinh tế nào.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2021
Nhắc về bối cảnh lịch sử khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Thủ tướng cũng nói về những “từ khóa” như cách mạng 4.0, khởi nghiệp… mà Việt Nam đã tiến tới trên con đường phát triển đất nước.
Với kết quả kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, bảo vệ người dân, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, Thủ tướng khái quát, sau thế kỷ 21, thế giới có thể không nhớ quốc gia đứng đầu về thu nhập mà nhớ những quốc gia đi đầu về xu hướng vì con người và Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực.
Thủ tướng tin tưởng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc sẽ giúp làm nên thành công, như cha ông đã đứng vững trước mọi thiên tai, đẩy lùi mọi cuộc xâm lược, giúp cả nước đạt được những thắng lợi trong 35 năm đổi mới.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, hơn lúc nào, đây là thời điểm củng cố niềm tin, nền kinh tế. Đất nước đang tiến nhanh về phía trước và chắc chắn dân tộc sẽ tiến nhanh hơn nữa. Dù vậy, Thủ tướng nêu tinh thần, không được chủ quan, Việt Nam còn có thể làm tốt hơn nữa.
Theo ông, Đảng ta đã sớm nhìn ra cơ hội này và đang chủ động đề ra chủ trương, chính sách lớn. Cả hệ thống chính trị và người dân cần nỗ lực, quyết tâm biến cơ hội thành lợi thế, biến lợi thế thành nguồn lực, chuyển nguồn lực thành kết quả, giữ sự phát triển bền vững cho đất nước.
Mặc dù còn nhiều thách thức, Thủ tướng cho biết Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%, và đặt mức tăng cao hơn nữa trong các chỉ tiêu về kinh tế.
“Đất nước đang đối diện nhiều cơ hội đan xen thách thức mới, chúng ta cần tiếp tục hun đúc, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ với niềm tin kiên định cho chặng đường phát triển trong 5 năm tiếp theo”, Thủ tướng nói và bày tỏ tin tưởng đất nước ta sẽ tiến nhanh hơn nữa.
Phương Thảo/DT