Thủ tướng: Làm luật phải sát thực tế, dẹp bỏ cấp trên “ký cho có”
Sáng 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 7, xem xét, cho ý kiến đối với 8 nội dung xây dựng pháp luật, trong đó có 7 dự án luật sửa đổi, thay thế nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, hoàn thiện thể chế và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các lĩnh vực then chốt như: hàng không dân dụng, lý lịch tư pháp, phòng chống ma túy, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, thương mại điện tử và báo chí.
Trong đó, các dự án luật như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) và Luật Giáo dục đại học (thay thế) được kỳ vọng sẽ tạo đột phá thể chế, giúp tháo gỡ những bất cập kéo dài, thúc đẩy đầu tư, chuyển đổi số và tăng cường quản trị hiện đại.
Dự án Luật Thương mại điện tử (sửa đổi) sẽ giúp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong không gian mạng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khuyến khích đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế số.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Công tác xây dựng pháp luật phải lấy thực tiễn làm trung tâm, xuất phát từ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, từ đó tạo nên những khung pháp lý sát thực, khả thi và hiệu quả.
Ông yêu cầu chuyển tư duy “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, mạnh dạn phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát rõ ràng. Đồng thời, cắt giảm thủ tục hành chính, loại bỏ trung gian, chống tình trạng cấp trên “hợp thức hóa” cho cấp dưới.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khi trình luật cần làm rõ 5 câu hỏi trọng tâm (“5 sao”): Vì sao sửa, vì sao bổ sung, vì sao bỏ thủ tục, vì sao phân quyền và vì sao hoàn thiện.
Bên cạnh đó, mỗi dự án luật mới phải thể hiện rõ 6 yếu tố (“6 rõ”): phân cấp, nguyên tắc, cắt giảm thủ tục, thể chế hóa quan điểm của Đảng, đánh giá tác động và sự khác biệt chính kiến (nếu có).
Ông cũng yêu cầu soạn thảo luật phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, tránh luật hóa những điều còn chưa rõ, chưa chín muồi; đồng thời phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến phản biện từ sớm và từ xa, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và đại biểu chuyên trách.
Việc Chính phủ lựa chọn sửa đổi đồng thời nhiều đạo luật trọng điểm trong các lĩnh vực chiến lược cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong cải cách thể chế – trụ cột then chốt của phát triển bền vững.
Những cải cách này sẽ giúp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng tính minh bạch, cạnh tranh và hội nhập quốc tế – đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mạnh sang mô hình kinh tế số, công nghiệp hiện đại và đổi mới sáng tạo.
Thảo Nguyên