+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng Anh và liều thuốc đắng thời hậu Brexit

Phạm Khoa - 11/07/2022 16:55

Chiều ngày 7/7 có lẽ là thời điểm tồi tệ nhất trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Anh Boris Johnson, khi ông phải đọc diễn văn từ chức. Dù không đề cập nhiều đến hiện thực khó khăn của nước Anh, nhưng hầu như tất cả người dân đều hiểu chuyện gì đang diễn ra với họ.

Thủ tướng Anh tuyên bố từ chức.

Xung đột Nga – Ukraine và những bê bối đáng buồn

Từ tháng 2/2022, khi xung đột giữa Nga – Ukraine diễn ra, mọi thứ ở Anh bắt đầu trở nên khó kiểm soát. Ngay từ ngày đầu, ông Boris Johnson đã là lãnh đạo phương Tây hăng hái nhất đứng về phía Ukraine. Hàng loạt các lệnh cấm dưới sự vận động của Anh, Mỹ được áp đặt lên Nga – một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới – đã đẩy tình trạng giá nhiên liệu tăng chóng mặt. Giá nhiên liệu tăng, đồng bảng suy yếu, lạm phát từ mức 2% – theo dự đoán của Ngân hàng Trung ương Anh – đến tháng 5 đã vượt quá 9%. Cùng với đó, tình trạng lương không tăng, thất nghiệp gần 4%… đã làm cho cuộc sống của người dân Anh trở nên khốn đốn.

Anh đã viện trợ 375 triệu USD khí tài quân sự cho Ukraine.

Giữa bối cảnh bất ổn đó, hành động của ông Boris Johnson lại không cho thấy trách nhiệm của người “đứng mũi chịu sào”. Liên tục vướng vào các bê bối như bị phạt vì vi phạm quy định chống dịch Covid-19 khi tham dự buổi tiệc mừng sinh nhật hồi tháng 6-2020; bổ nhiệm nghị sĩ Christ Pincher làm phó lãnh đạo Văn phòng Kỷ luật của Đảng Bảo thủ khi ông này bị cáo buộc quấy rối tình dục; viện trợ khí tài cho Ukraine một cách hào phóng bằng tiền thuế của người dân Anh, bất chấp họ đang khổ sở vật lộn với các khó khăn sau dịch Covid-19.

Biểu tình phản đối Thủ tướng Boris Johnson và đảng Bảo thủ tại London, Anh hôm 6/7.

Nhân viên đường sắt ở Anh đình công, nhiều tài xế xe tải và xe hơi đã cho xe chạy với tốc độ chậm trên các đường cao tốc lớn ở Wales, Essex và Devon để yêu cầu giảm giá xăng dầu… Có thể nói, thành tựu kinh tế ít ỏi dưới thời ông Boris Johnson đã bị hủy hoại phần nhiều dưới tác động của các chính sách mà Anh dành cho hai bên Nga và Ukraine.

Ra khỏi EU, người Anh đối diện với nhiều khó khăn

Từ ngày 1/1/2021, Anh đã chính thức không còn là thành viên EU sau gần 50 năm gắn bó với tổ chức này. Hệ lụy kéo theo nhiều trở ngại trong giao dịch thương mại giữa Anh và EU, 43% hàng hóa của Anh được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường EU, hơn 30% thực phẩm dân Anh đang dùng hàng ngày đến từ các nước EU. Nếu không có giải pháp kịp thời thì hàng loạt các ngành chủ chốt, đặc biệt là ô tô, dệt may, chế biến thịt… sẽ lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Nhẹ sẽ sa thải lao động, nặng sẽ đẩy các doanh nghiệp Anh vào tình trạng thua lỗ, phá sản do phải chi cho các khoản chênh lệch lên đến hàng tỷ bảng.

Brexit làm giảm trao đổi thương mại giữa Anh và EU.

Thêm vào đó, đồng bảng Anh suy yếu, lạm phát tăng, vuột mất nhiều cơ hội nhận được nhận FDI từ các nước EU vì không còn các lợi thế về chính sách chung. Thực ra, ngay từ khi quá trình Brexit mới khởi động (2016), những người tiền nhiệm của ông Boris Johnson đã nỗ lực “giảm sốc” cho người dân Anh bằng các cuộc đàm phán về thuế quan, thương mại, dịch vụ… với EU. Tuy vậy, theo Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh, Brexit khiến tăng trưởng của Anh giảm khoảng 4% so với mức khi nước này vẫn nằm trong EU.

Vết thương Scotland không lành được

Ngay từ cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức cách đây 6 năm, nước Anh đã cho thấy những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ, khi có đến 62% cử tri Scotland phản đối việc Anh tách khỏi EU. Từ đó đến nay, sự bất đồng này càng lúc càng được đào sâu, đặc biệt sau thắng lợi của Đảng Dân tộc (SNP) ở Scotland. Đảng này lên nắm quyền và cho rằng việc Anh rời EU đã làm tổn hại đến lợi ích của Scotland và chỉ có trở thành một quốc gia độc lập mới bảo vệ được lợi ích của vùng đất này.

Trong một diễn biến đáng chú ý, đầu tháng 5 năm ngoái, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã bác đề xuất của Thủ tướng Anh Boris Johnson về một cuộc gặp nhằm giải quyết khủng hoảng liên minh. Phía Scotland nhấn mạnh cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Scotland chỉ là vấn đề thời gian. Vậy là, sau hơn 3 thế kỷ liên minh với nước Anh, dù vẫn thường xuyên đặt vấn đề tách khỏi Anh, tìm kiếm nền độc lập, nhưng xem ra lần này, quyết tâm ly khai Anh của người Scotland mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm khi Bắc Ireland và Xứ Wales cũng đang có các quan điểm tương tự.

Scotland quyết tâm mở cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi Anh.

Không thể hoàn toàn đổ lỗi cho những khó khăn của thời kỳ hậu Brexit đối với tình hình kinh tế – xã hội Anh cho Chính phủ và cá nhân ông Boris Johnson, nhưng những phản ứng không tinh tế và quyết định vội vàng đã khiến các vấn đề lớn của nước Anh được giải quyết khá chậm chạp và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Giờ đây, có chăng ông Boris Johnson chỉ có thể là “nhân vật chính trị phương Tây được yêu mến nhất ở Ukraine”, như cái cách mà Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn thường tán dương. Hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh Tom Tugendhat đã trở thành ứng viên đầu tiên tuyên bố khởi động chiến dịch tranh cử cho chiếc ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ. Giới quan sát cho rằng Bộ trưởng Tư pháp kiêm Phó Thủ tướng Anh Dominic Rabb hay Ngoại trưởng Anh Liz Truss sẽ cân nhắc đến việc ra tranh cử. Dù là nhân vật chính trị nào thì mớ bòng bong của nước Anh thời kỳ hậu Brexit và “hậu Johnson” cũng không dễ gánh vác.

Thụy Khuê

Bài mới
Đọc nhiều