Thông tin đối ngoại và nhiệm vụ nâng cao vị thế của đất nước
Trải qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam ngày nay đã có vị thế rất khác với một nền kinh tế phát triển, dân số đông và thể chế ổn định. Vị thế mới đòi hỏi trách nhiệm mới trên trường quốc tế, và ngược lại chúng ta cũng cần cho bạn bè thế giới hiểu chúng ta là ai, chúng ta như thế nào và chúng ta có thể làm gì. Điều này là trách nhiệm của ngành thông tin đối thoại.
Trong thời kỳ hiện đại, các quốc gia cạnh tranh nhau không chỉ bằng kinh tế mà còn bằng thông tin, bằng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Để thu hút được bạn bè, khách du lịch, các nhà đầu tư cùng các tổ chức hợp tác khác thì mọi quốc gia trong đó có Việt Nam cần phải biết tự quảng bá hình ảnh của mình, giới thiệu về đất nước, con người, thể chế, kinh tế. Nếu chúng ta “ngồi im” trong thời đại thông tin bùng nổ này thì sẽ gặp rất nhiều bất lợi, đặc biệt là khi các đối tượng chống phá vẫn luôn hàng ngày hàng giờ tung ra các tin tức giả mạo, sai lệch để làm xấu hình ảnh của đất nước.
Khi tham dự buổi lễ trao giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã tóm tắt ngắn gọn như sau: công tác thông tin đối ngoại phải giúp cho mọi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế hiểu rõ và thêm tin yêu Việt Nam, một Việt Nam đổi mới, giàu tiềm năng, chính trị ổn định, luôn nỗ lực vì hợp tác, hoà bình của khu vực và thế giới, luôn sẵn sàng mời gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam. Không ai hiểu rõ về Việt Nam với những tiềm năng và triển vọng tốt hơn chính người Việt Nam, và chúng ta cũng không thể chờ đợi các nhà đầu tư quốc tế tự đi tìm hiểu về mình, vì như vậy là sẽ bị chậm chạp và có nguy cơ tụt hậu.
Công tác thông tin đối ngoại cũng có vai trò quan trọng góp phần tạo đồng thuận xã hội củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ tối đa ngoại lực cho phát triển đất nước. Hiện nay theo thống kê có tới vài triệu người Việt Nam đang làm ăn và sinh sống ở nước ngoài, đây là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Những người Việt xa quê luôn có tấm lòng hướng về đất nước, muốn về đầu tư, làm ăn, sinh sống nhưng trong nhiều trường hợp do xa xôi, thiếu thông tin mà có thể sự hợp tác, gắn kết với quê hương của họ bị ít nhiều hạn chế. Kênh thông tin đối ngoại của Nhà nước chắc hẳn sẽ là một nguồn thông tin chính thức và vô cùng quý báu với họ.
Một nhiệm vụ khác của công tác thông tin đối ngoại, theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, đó là cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu xuyên tạc, thù địch, nhất là trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền; kịp thời lên án, phê phán, đấu tranh với những hành vi phi văn hoá, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh đất nước con người Việt Nam… Nhiều kẻ chống đối hiện nay ra sức phá hoại hình ảnh của Việt Nam thông qua các tin tức giả mạo, bôi nhọ, giật dây hòng âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ. Nhờ có những nguồn tin chính thống, đúng sự thật, đông đảo nhân dân và bạn bè quốc tế nhận ra được những âm mưu và thủ đoạn đó.
Có thể thấy nhiệm vụ của công tác thông tin đối ngoại như vậy là rất nặng nề. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ thì chắc chắn những người làm nhiệm vụ này phải nhận thức sâu sắc về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước, về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, nhận thức rõ “nguy và cơ”. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ đường hướng phát triển và thể chế chính trị của đất nước. Đây là vấn đề mà chúng ta có sự khác biệt với nhiều quốc gia khác trên thế giới, và cũng là chủ đề bị nhiều đối tượng chống phá lợi dụng để xuyên tạc. Cần phải làm cho bạn bè quốc tế hiểu rằng chúng ta là người bạn và đối tác đáng tin cậy, bất chấp những khác biệt về mặt thể chế.
Vị thế đất nước đang lên cao, tiếng nói Việt Nam càng có trọng lượng trên trường quốc tế, đây là điều thuận lợi cho ngành thông tin đối ngoại. Cần phát huy hơn nữa để thông tin đến với bạn bè song hành cùng sự phát triển của đất nước.
An Diễm