Ngày 24/9 (giờ New York, Mỹ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thông điệp quan trọng gửi Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Do tác động của đại dịch COVID-19, phiên thảo luận chung được tổ chức theo hình thức lãnh đạo cấp cao các nước ghi hình phát biểu trước để phát trực tiếp tại Trụ sở LHQ.
Với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương – ứng phó COVID-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”, Phiên thảo luận chung cấp cao là sự kiện quốc tế quan trọng thu hút sự quan tâm, theo dõi rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Hơn 170 lãnh đạo cấp cao các nước đã gửi thông điệp đến phiên họp đặc biệt này.
Trong thông điệp của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ đánh giá cho rằng cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi LHQ được thành lập, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế, xã hội, chính trị và trên hết là đối với cuộc sống của con người.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh LHQ cần được tiếp tục cải tổ để thực sự là tổ chức gắn kết, là “vườn ươm” cho những sáng kiến, ý tưởng hợp tác đa phương vì hoà bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới; kêu gọi tôn trọng và đề cao Hiến chương LHQ và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, kiên trì thực hiện hợp tác, hữu nghị thay cho xung đột và thù địch, đối thoại thay cho đối đầu, giải quyết hoà bình các tranh chấp thay cho hành động đơn phương, áp đặt; đồng thời, cộng đồng quốc tế cần hợp tác hơn nữa để cùng vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với LHQ, phát huy vai trò là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021, góp phần xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cùng các nước thành viên cũng đang hết sức nỗ lực để xây dựng một khu vực hoà bình, hữu nghị và hợp tác; cam kết duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; tuân thủ các nguyên tắc kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hoà bình, bao gồm các tiến trình pháp lý và ngoại giao.
Nhiều điểm đặc biệt
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, cho biết, đây là lần đầu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại LHQ, nhằm gửi đi thông điệp ở cấp cao nhất của quốc gia về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Năm nay cũng đặc biệt vì Việt Nam kỷ niệm 75 năm thành lập nước, trùng với thời gian kỷ niệm 75 năm ra đời Hiến chương LHQ. Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, nên những chủ trương, đường lối mới của đất nước được lồng ghép trong phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tại tuần lễ cấp cao này, trước khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thông điệp tại phiên thảo luận chung cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó đã có thông điệp gửi phiên kỷ niệm 75 năm ra đời Hiến chương.
Bình Giang/TP