‘Thời cơ vàng để ngành xây dựng Việt Nam thay thế Trung Quốc’
“Hầu hết quốc gia sử dụng nhà thầu Trung Quốc đều mong muốn tìm kiếm sự thay thế hiệu quả hơn”, doanh nhân Lê Viết Hải khẳng định.
Nhìn về cơ hội hậu đại dịch Covid-19, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải cho rằng đây là thời cơ vàng để ngành xây dựng Việt Nam thay thế Trung Quốc trên thị trường quốc tế.
“Phát triển ngành xây dựng ra nước ngoài, qua đó gia tăng tổng sản lượng công nghiệp là đóng góp hiệu quả trong việc đưa Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình trong thập kỷ tới, tạo tiền đề để đất nước bứt phá trở thành một quốc gia hùng mạnh”, ông Hải phát biểu tại buổi tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19” ngày 3/10.
Theo Chủ tịch Hòa Bình, tổng giá trị ngành xây dựng Việt Nam có quy mô chưa đến 16 tỷ USD trong năm 2019. Trong khi đó, quy mô thị trường xây dựng toàn cầu lên tới 12.000 tỷ USD. Do đó, chỉ cần chiếm được 1% thị trường xây dựng thế giới, quy mô ngành của Việt Nam sẽ tăng giá trị lên tới 120 tỷ USD.
Nhà thầu Trung Quốc yếu kém
Ông Hải nhận định trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc nhanh chóng mở rộng ngành xây dựng sang các châu lục, cạnh tranh bằng giá rẻ về cả vật tư và nhân công. Đồng thời, Trung Quốc xây dựng sức mạnh tài chính để tài trợ dưới dạng vốn ứng trước của nhà thầu hoặc vốn cho chính phủ các nước vay để đầu tư công.
Nhưng thực tế là nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện không đảm bảo tiến độ và chất lượng. Hậu quả là chủ đầu tư trả thêm rất nhiều tiền cho chi phí phát sinh. “Trong số 12 dự án của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương thua lỗ trên 1.000 tỷ, có 5 dự án tranh chấp rất phức tạp về hợp đồng EPC với Trung Quốc”, ông Hải cho biết.
“Nhiều dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải cũng gặp khó khăn, rắc rối tương tự. Trong đó, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một ví dụ điển hình về cách làm ăn nói trên của nhà thầu Trung Quốc”, ông Hải nhấn mạnh.
Việc đại dịch Covid-19 bùng lên ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020, buộc doanh nghiệp nhiều nước phải tư duy lại về tình trạng các chuỗi cung ứng phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc.
“Hầu hết quốc gia sử dụng nhà thầu Trung Quốc đều mong muốn tìm kiếm sự thay thế để đem lại sự hiệu quả hơn khi đầu tư và giảm thiểu rủi ro khi bỏ hết trứng vào một giỏ”, ông Hải nhìn nhận.
Ông chủ Tập đoàn Hòa Bình cho rằng Việt Nam là một sự lựa chọn thay thế có thể nói là tối ưu ở một số loại công trình. Theo ông, ngành xây dựng Việt Nam có giá cạnh tranh hơn, chất lượng, tiến độ đảm bảo hơn.
Cơ hội vàng của ngành xây dựng Việt Nam
Với 3 lý do gồm năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, nhu cầu thay thế nhà thầu Trung Quốc của nhiều nước và các quốc gia sẽ lấy xây dựng làm đòn bẩy khôi phục kinh tế sau đại dịch, chủ tịch Hòa Bình khẳng định đây là cơ hội quý báu của đất nước trên thị trường xây dựng quốc tế.
Ông Hải nhấn mạnh cần nắm bắt cơ hội này, nhanh chóng huy động mọi nguồn lực để doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời thay thế nhà thầu Trung Quốc ở thị trường nước ngoài.
Nguồn lực nói trên gồm các công ty xây dựng tổng hợp và chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ liên quan; các đơn vị tư vấn thiết kế, quản lý dự án; nhà sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị thi công, thiết bị nội ngoại thất; nhà thầu phụ chuyên ngành; các công ty logistics; ngân hàng, quỹ đầu tư.
Theo ông Hải, tất cả đều cần sự nỗ lực, hợp tác rất lớn để phát triển mạnh mẽ khi cùng ra biển rộng. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, ngành xây dựng Việt Nam sẽ nâng cao năng lực, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp xây dựng khác trên toàn thế giới, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng Trung Quốc.
“Chúng tôi tha thiết mong Chính phủ, TP.HCM quan tâm, tạo điều kiện cho ngành xây dựng và các ngành trong chuỗi cung ứng liên quan phát triển đồng bộ ra thị trường toàn cầu. Cần chú trọng truyền thông, kêu gọi sự hợp tác vì sứ mệnh, hoài bão chung, tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ của ngành xây dựng Việt Nam trên thị trường quốc tế”, chủ tịch Hòa Bình nói.
Ông Hải nhấn mạnh điều này sẽ giúp Việt Nam khai thác hiệu quả nhất giai đoạn đất nước đang có nguồn nhân lực dồi dào để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, có cơ hội trở thành một cường quốc.
Việt Đức/ ZFN