Thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học sẽ được coi là ‘người có công’?
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng cần bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3. Tức là thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến sẽ được coi là “người có công với cách mạng”.
Đây là một trong những nội dung được bàn thảo và thu hút nhiều ý kiến của đại diện các bộ, ngành tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), do Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tổ chức sáng 25-10.
Ông Đào Ngọc Lợi – cục trưởng Cục người có công Bộ LĐTB&XH, cơ quan soạn thảo – cho biết dự thảo đã bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, coi 27.000 người thuộc diện này vào chính sách người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, quá trình soạn thảo và lấy ý kiến, có ý kiến đề nghị chưa bổ sung chính sách này mà tiếp tục thực hiện theo chế độ bảo trợ xã hội vì nếu mở rộng chính sách ưu đãi đến thế hệ thứ 3 thì tạo ra sự không bình đẳng, có sự so bì và không tương xứng chế độ ưu đãi giữa thân nhân của người có công với cách mạng khác.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Hội nạn nhân chất độc da cam cho rằng nên mở rộng chính sách, bởi “số lượng thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng chất độc hóa học cũng không nhiều, trong khi những người bị ảnh hưởng chất độc dù là thế hệ thứ 3 thì cũng rất đau khổ, thiệt thòi về bệnh tật của họ…
Một nội dung cũng thu hút nhiều ý kiến là có nên công nhận liệt sĩ đối với các trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát. Nếu được công nhận thì thương binh thương tật từ 61% hay 81% trở lên chết do vết thương tái phát mới được công nhận liệt sĩ?
Các ý kiến đều cho rằng đây là nội dung rất mới cần bàn thảo, lấy ý kiến rất kỹ. Đại diện Bộ Quốc phòng đặt vấn đề nếu công nhận thương binh từ 61% (hay 81%) chết do vết thương tái phát thì cần phải có xác nhận của cơ quan y tế cấp nào, chỉ công nhận liệt sĩ nếu người thương binh chết trong độ tuổi lao động hay công nhận cả những thương binh chết vì tuổi già, mất khả năng lao động…
Theo thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng, dự thảo pháp lệnh được xây dựng từ đầu năm 2018, qua rất nhiều hội thảo thì tháng 8-2019 dự thảo đã được công bố, lấy ý kiến, các bộ, ngành, địa phương, người dân.
“Đã có trên 120 ý kiến phản hồi, đóng góp của các bộ, ban, ngành, các đoàn đại biểu quốc hội, các địa phương gửi về, trong đó nổi lên 6 nội dung vẫn còn những ý kiến khác nhau. Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo sớm trình Chính phủ”.
ĐỨC BÌNH