+
Aa
-
like
comment

Thế hệ “một thận” ở Afghanistan

Bảo Trâm - 27/11/2022 14:04

Nhiều người Afghanistan đang buộc cho con họ uống thuốc an thần để chúng quên đi cơn đói, số khác tự bán nội tạng hoặc con gái để sinh tồn.

Mùa đông thứ hai kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan, hàng triệu người đang lún sâu vào nạn đói. “Những đứa trẻ cứ quấy khóc và không ngủ. Chúng tôi không có thức ăn. Vì vậy, chúng tôi đến hiệu thuốc và cho con uống thuốc an thần để chúng thấy buồn ngủ”, Abdul Wahab nói..

Wahab sống ở ngoại ô Herat – thành phố lớn thứ ba của Afghanistan. Khu dân cư này có hàng nghìn ngôi nhà nhỏ xây bằng bùn đất với những cư dân liên tục phải di dời vì chiến tranh và thiên tai.

Một nhóm người tụ tập quanh Wahab khi anh đang trò chuyện với phóng viên của BBC. Khi được hỏi có bao nhiêu người cho con uống thuốc an thần, họ trả lời: “Rất nhiều, tất cả”.

5 viên thuốc, một mẩu bánh mì

Ghulam Hazrat, một trong số những người đàn ông trò chuyện với Guardian, sờ vào túi áo dài và lôi ra vỉ thuốc alprazolam – thuốc an thần thường được dùng khi điều trị chứng rối loạn lo âu.

Ghulam có 6 người con, trong đó bé trai nhỏ nhất chỉ mới một tuổi. “Tôi thậm chí phải đưa thuốc cho cả thằng bé”, anh nói.

Nhiều người phải cho trẻ em uống thuốc an thần để qua cơn đói

Những người khác cũng lần lượt rút ra các vỉ thuốc escitalopram và sertraline, mà họ nói đang cho con uống. Loại thuốc này thường được kê đơn điều trị chứng trầm cảm và lo âu.

Các bác sĩ cho biết với trẻ nhỏ không được cung cấp đủ dinh dưỡng, việc sử dụng các loại thuốc này có thể gây tổn thương gan, kèm theo một loạt vấn đề khác như hội chứng mệt mỏi mạn tính, rối loạn hành vi và giấc ngủ.

Tại một hiệu thuốc địa phương, người dân Afghanistan có thể mua 5 viên thuốc loại này với giá khoảng 10 cent Mỹ, tương đương một mẩu bánh mì.

Hầu hết gia đình trò chuyện với BBC đều chỉ có vài mẩu bánh mì để sống qua ngày. Một phụ nữ nói rằng họ ăn bánh mì khô vào buổi sáng, và nhúng bánh vào nước để làm mềm vào buổi tối.

Liên Hợp Quốc cho biết một “thảm họa” nhân đạo đang diễn ra ở Afghanistan.

Đa số đàn ông ở khu vực ngoại ô Herat đều làm công theo ngày. Họ vốn đã chật vật suốt nhiều năm. Nhưng khi Taliban nắm quyền vào tháng 8/2021 khiến các nguồn viện trợ nước ngoài bị đóng băng và nền kinh tế sụp đổ, họ mất việc làm và cuộc sống càng khốn khó hơn.

Vào một ngày hiếm hoi tìm được việc, họ cũng chỉ kiếm được khoảng một USD.

Cho đến nay, không có quốc gia nào chính thức công nhận tính hợp pháp của chính quyền do Taliban lãnh đạo tại Afghanistan, theo Reuters.

Ở khắp nơi đều có thể gặp những người bị dồn đến đường cùng, phải dùng cách cực đoan để cứu gia đình mình khỏi nạn đói.

Ammar (nhân vật không sử dụng tên thật) nói anh đã phẫu thuật cắt bỏ một quả thận cách đây 3 tháng, với một vết sẹo dài ngang bụng. Anh đang ở độ tuổi 20 – khoảng thời gian lẽ ra đẹp nhất trong cuộc đời.

“Không có lối thoát. Tôi nghe nói có thể bán một quả thận ở bệnh viện địa phương. Tôi đến đó và nói với họ rằng tôi muốn (bán thận). Vài tuần sau, tôi nhận được điện thoại yêu cầu đến bệnh viện”, anh kể lại.

Bán nội tạng để lấy tiền không phải chuyện chưa từng thấy ở Afghanistan

“Họ đã làm một số xét nghiệm, sau đó tiêm thứ gì đó khiến tôi bất tỉnh. Tôi rất sợ nhưng không còn cách nào khác”, anh nghẹn ngào.

Ammar được trả khoảng 3.100 USD sau cuộc phẫu thuật, nhưng anh đã dành phần lớn số tiền trả khoản nợ mà anh đã vay để mua thức ăn cho gia đình.

“Sau khi bán một quả thận, tôi cảm thấy như mình chỉ còn một nửa. Thật tuyệt vọng. Nếu cuộc sống tiếp tục như thế này, tôi nghĩ mình có thể chết”, anh nói.

Bán thận, bán con

Bán nội tạng để lấy tiền không phải chuyện chưa từng thấy ở Afghanistan. Tình trạng này từng xảy ra trước khi Taliban tiếp quản đất nước. Nhưng giờ đây, ngay cả sau khi đưa ra một lựa chọn đau đớn như vậy, nhiều người nhận thấy họ vẫn không còn cách sống sót.

Trong một ngôi nhà trống trải, lạnh lẽo khác, một người mẹ trẻ cho biết cô đã bán thận cách đây 7 tháng để trả khoản nợ từng vay khi mua một đàn cừu. Số cừu này đã chết trong một trận lũ lụt vài năm trước, khiến gia đình cô trắng tay. Thậm chí khoản tiền 2.700 USD mà cô nhận được vẫn không đủ trả nợ.

“Giờ chúng tôi buộc phải bán đứa con gái 2 tuổi của mình. Chủ nợ quấy rối chúng tôi mỗi ngày, ép chúng tôi giao con gái cho họ nếu không thể trả nợ”, cô nói.

“Tôi cảm thấy rất xấu hổ về hoàn cảnh của mình. Đôi khi tôi nghĩ thà chết còn hơn sống thế này”, chồng cô nghẹn ngào.

Nizamuddin, một người dân địa phương khác, cũng chia sẻ: “Tôi đã bán đứa con gái 5 tuổi của mình với giá khoảng 1.100 USD (tức chưa bằng một nửa quả thận)”. Anh cắn môi, nước mắt trực trào ra.

Theo Guardian, những phẩm giá mà người dân nơi đây từng tôn thờ đang dần bị phá vỡ bởi nạn đói.

“Chúng tôi hiểu điều đó là vi phạm luật Hồi giáo và đe dọa tính mạng con mình, nhưng không còn cách nào khác”, Abdul Ghafar, một trong những người đứng đầu cộng đồng dân cư ở ngoại ô Herat, cho biết.

Trong một ngôi nhà khác, các phóng viên gặp cô bé Nazia, 4 tuổi. Ông Hazratullah, cha của cô bé, nói: “Chúng tôi không có tiền mua thức ăn, vì vậy tôi đã thông báo bán con gái mình tại nhà thờ địa phương”.

Ông Hazratullah dùng phần lớn khoản tiền nhận được “để mua thức ăn, và một ít thuốc cho con trai nhỏ”.

“Nhìn nó đi, nó bị suy dinh dưỡng”, ông Hazratullah nói, kéo áo cậu bé lên để lộ cái bụng căng phồng.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng gia tăng đáng kinh ngạc là bằng chứng cho thấy tác động của nạn đói đối với trẻ em dưới 5 tuổi ở Afghanistan. Theo tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), ​​tỷ lệ nhập viện tại các cơ sở điều trị suy dinh dưỡng ở nước này tăng 47% so với năm 2021. Họ đã tăng số giường điều trị, nhưng gần như luôn trong tình trạng quá tải.

Phụ nữ Afghanistan mặc burqa tại một điểm tiếp nhận lương thực ở Kandahar

Tại 33 bệnh viện được Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) hỗ trợ, số ca suy dinh dưỡng ở trẻ em đã tăng hơn 90% so với tổng số ca năm 2021, chạm mức hơn 63.000 ca.

BBC đã liên hệ với Hameedullah Motawakil, người phát ngôn của chính quyền Taliban ở Herat, và hỏi họ đang làm gì để giải quyết nạn đói.

“Tình trạng này là kết quả của các lệnh trừng phạt quốc tế và việc đóng băng tài sản của Afghanistan. Chính phủ đang cố gắng xác định xem có bao nhiêu người cần giúp đỡ. Nhiều người nói dối về tình trạng của họ vì nghĩ rằng sẽ được hỗ trợ”, ông nói.

Ông Motawakil kiên quyết giữ lập trường này dù các phóng viên chỉ ra nhiều bằng chứng cho thấy tình hình tồi tệ đến mức nào. Ông cũng cho biết chính quyền Taliban đang cố gắng tạo công ăn việc làm: “Chúng tôi đang tìm cách mở các mỏ quặng sắt và một dự án đường ống dẫn khí”.

Song điều đó khó có thể xảy ra trong ngắn hạn.

Người dân Afghanistan cảm thấy họ đang bị chính phủ và cộng đồng quốc tế bỏ rơi. Nạn đói là một sát nhân thầm lặng. Khi không nhận được sự chú ý từ thế giới, quy mô cuộc khủng hoảng ở Afghanistan có thể không bao giờ thực sự được đưa ra ánh sáng.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều