+
Aa
-
like
comment

Thể chế, sáng tạo và khát vọng – chìa khóa của văn kiện Đại hội XIII

22/01/2021 07:04

Ông Nguyễn Viết Thông đánh giá văn kiện Đại hội XIII bám sát cuộc sống, có tầm nhìn bao quát hơn. Chìa khóa của văn kiện được khái quát trong 6 chữ “thể chế, sáng tạo, khát vọng”. 

“Rất mừng là lần này, nhân dân cùng các tổ chức Đảng đặc biệt quan tâm, tâm huyết góp ý cho các văn kiện trình Đại hội Đảng XIII. Nhờ vậy, chất lượng văn kiện được nâng cao, mang tính thời sự và hơi thở cuộc sống, thể hiện khát vọng mạnh mẽ hơn”, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông chia sẻ cảm xúc với PV khi nói về văn kiện của Đại hội Đảng XIII.

Ông cho biết sau Hội nghị Trung ương 13, ngày 20/10/2020, Bộ Chính trị đã công bố toàn văn dự thảo các văn kiện để xin ý kiến rộng rãi nhân dân, đại biểu Quốc hội, mặt trận và các đoàn thể trong, ngoài nước.

Theo kế hoạch, Văn phòng Trung ương tổng hợp ý kiến của 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương; Đảng đoàn Quốc hội tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ban Dân vận Trung ương tổng hợp ý kiến của nhân dân; Ban Tuyên giáo Trung ương tổng hợp ý kiến trên báo chí, của kiều bào ở nước ngoài.

Nhân dân góp ý tâm huyết vào các dự thảo văn kiện

– Sau một tháng công khai lấy ý kiến nhân dân và các tổ chức, kết quả góp ý vào các văn kiện trình Đại hội Đảng XIII thu được là gì, thưa ông?

– Sau một tháng lấy ý kiến công khai, các cơ quan có thẩm quyền đã tổng hợp được 1.400 trang góp ý của nhân dân, các tổ chức Đảng vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII.

Sau đó, Văn phòng Trung ương chắt lọc các ý kiến đó còn lại 191 trang. Bản chắt lọc 191 trang này được gửi trước cho các ủy viên Trung ương trước khi bắt đầu Hội nghị Trung ương 14 (giữa tháng 12/2020). Hội nghị này đã xem xét tờ trình của các tiểu ban và đã đọc bản 191 trang góp ý để đánh giá việc tiếp thu ý kiến của các tiểu ban vào dự thảo văn kiện trình Đại hội.

tu khoa cua cac van kien Dai hoi XIII anh 1
Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông cho biết các cơ quan có thẩm quyền đã tổng hợp được 1.400 trang góp ý của nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII.  

Các tiểu ban đã tiếp thu ý kiến đưa vào tầm văn kiện, còn những ý kiến khác sẽ bàn giao cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo.

Như vậy, Hội nghị Trung ương 14 đã thảo luận, tiếp thu ý kiến của các tổ chức đảng và tầng lớp nhân dân để hoàn thiện dự thảo các văn kiện và có nhiều tiếp thu, sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Đến nay, qua ý kiến nhân dân cho thấy hầu hết đồng tình và đánh giá rất cao các dự thảo văn kiện, đó là điều rất mừng.

Dự thảo văn kiện là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn đảng, toàn dân, toàn quân, không riêng của ai, nhưng vai trò của nhân dân rất lớn trong việc hiến kế, góp ý, kể cả phản biện.

Dự thảo văn kiện là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn đảng, toàn dân, nhưng vai trò của nhân dân rất lớn trong việc hiến kế, góp ý, kể cả phản biện

Đặc biệt, lần này có rất ít ý trái chiều, trong khi các đại hội trước, như Đại hội XI và XII có nhiều ý kiến xuất hiện trên mạng xã hội.

Với đội ngũ trong tổ biên tập văn kiện, chúng tôi phải lắng nghe tất cả ý kiến, không chỉ nghe qua các kênh chính thống mà tiếp cận trên cả mạng xã hội để nghiên cứu. Trong bản tổng hợp các tiểu ban trình Hội nghị Trung ương cũng nói cả ý kiến trái chiều để Trung ương lắng nghe toàn diện.

Đến nay, các tiểu ban đã hoàn thiện dự thảo các văn kiện, gửi về Bộ Chính trị để Bộ Chính trị xem lần cuối rồi chính thức đem đi in, phục vụ Đại hội Đảng XIII.

– Những điểm quan trọng trong các văn kiện trình Đại hội Đảng được tiếp thu, sửa đổi, bổ sung từ ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân là gì?

– Có rất nhiều, nhưng tôi có thể nêu một số tiếp thu quan trọng.

Ví dụ ở chủ đề của Đại hội, dự thảo cũ nêu 5 chủ đề, dự thảo mới sau khi đã tiếp thu cũng có 5 chủ đề nhưng có bổ sung, hoàn chỉnh 2 thành tố.

Một là “phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Thành tố này được Hội nghị Trung ương 14 tiếp thu, hoàn chỉnh là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Tức là có thêm yếu tố “khát vọng phát triển đất nước” và đặt thành tố này lên phía trước, thể hiện tầm quan trọng.

Hai, thành tố “đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững đất nước”, được tiếp thu, sửa đổi là “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”.

Bên cạnh đó, dự thảo văn kiện mới đã cập nhật những số liệu quan trọng.

Dự thảo cũ nêu “tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,8%”, nhưng thực tế hiện chỉ đạt 5,9%; quy mô nền kinh tế trước đây là 300 tỷ, bây giờ là 268,4 tỷ; bình quân thu nhập đầu người trước đây ước đạt 3.000 USD, nay ước đạt 2.750 USD… Tất cả số liệu này đều do tác động của đại dịch Covid-19 nên phải cập nhật lại.

Ngoài ra, một số số liệu cũng cần cập nhật như số kết nạp đảng viên; số cán bộ bị kỷ luật. Trước đây số cán bộ cấp cao bị kỷ luật thuộc diện Trung ương quản lý là gần 90, nhưng đến nay là 113 người.

Hay trong “những dấu ấn nổi bật”, dự thảo văn kiện trước khi đem ra lấy ý kiến nêu 4 dấu ấn nổi bật, nhưng sau khi nghe góp ý của nhân dân, dự thảo mới bổ sung một dấu ấn là “kết quả phòng chống đại dịch Covid-19”, ghi nhận 5 dấu ấn thay vì 4 như trước đây. Nội dung này rất mang tính thời sự.

Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban) đã có nhiều phiên họp để thảo luận, cho ý kiến và lắng nghe góp ý của nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII.  

Nội dung nhìn lại 35 năm đổi mới cũng có tiếp thu, bổ sung. Dự thảo cũ nhận định “nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm thực hiện xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, lý luận và CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng rõ hơn”.

Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân và các tổ chức Đảng đã sửa lại thành “nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm thực hiện xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, lý luận về đổi mới, lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng được bổ sung, hoàn thiện”.

Chìa khóa “thể chế, sáng tạo, khát vọng” trong văn kiện

– Là thành viên trong tổ biên tập văn kiện, sát sao nghiên cứu từng câu, từng chữ trong các bản dự thảo, cá nhân ông thấy tâm huyết với các ý kiến góp ý nào?

– Phải khẳng định rằng các tầng lớp nhân dân có rất nhiều ý kiến góp ý xác đáng, nhân dân và các tổ chức góp ý cho từng câu, từng chữ, từng lĩnh vực và cho cả nội dung dự báo tình hình. Là người tham gia chuẩn bị văn kiện, chúng tôi rất mừng, rất tâm huyết với những nội dung này.

Ví dụ lâu nay chúng ta dự báo “tình hình thế giới sẽ biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường”. Nhưng nhân dân góp ý không nên dùng từ “khó lường” mà dùng từ “khó dự báo”. Đó là góp ý hợp lý nên chúng tôi đã tiếp thu.

Hay với nhận định “hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn”, thì các ý kiến góp ý đề nghị bổ sung “xu thế này đang đứng trước nhiều trở ngại, thách thức”. Tức là nhìn nhận vào thực tế một cách sát hơn.

Dự thảo cũ chỉ nói đến “nguy cơ khủng hoảng kinh tế và suy thoái”, nhưng nhân dân góp ý cho rằng điều đó phải dự báo lại vì nó đã thành sự thật, không còn là nguy cơ nữa.

Với cá nhân, tôi tâm huyết nhất với những ý kiến góp ý về quan điểm.

Dự thảo cũ nêu 5 quan điểm nhưng sau khi tiếp thu ý kiến từ nhân dân, dự thảo mới đã bổ sung thêm nội dung.

Quan điểm thứ nhất nói về 3 kiên định: Kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới.

Nhưng các tổ chức Đảng, nhân dân đề nghị bổ sung kiên định thứ tư, đó là “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”. Đây là điểm mới, trước đây chỉ đề cập rải rác trong các văn kiện nhưng giờ đưa thành quan điểm chính thức trong văn kiện.

Hay trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, Đại hội XII dùng từ “lợi ích tối cao”, dự thảo cũ không dùng từ “tối cao” mà dùng từ “bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia, dân tộc”, nhưng nhân dân góp ý từ “trên hết, trước hết” không phù hợp, nên sửa thành “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc”. Đó là góp ý xác đáng.

tu khoa cua cac van kien Dai hoi XIII anh 2
Theo đánh giá của Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông, các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII bám sát cuộc sống hơn, có tầm nhìn bao quát hơn so với các nhiệm kỳ trước.  

Trên các lĩnh vực kinh tế, nhân dân cũng có góp ý rõ ràng. Ví dụ trong nông nghiệp, qua các ý kiến góp ý đã xác định hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Cùng với đó làm rõ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh. Đó cũng là điểm mới.

Các nội dung nhân dân góp ý đều được tiếp thu, đưa vào dự thảo văn kiện mới nhất trình Đại hội XIII. Lần này là tiếp thu thực sự chứ không phải dân chủ, lấy ý kiến hình thức

Một góp ý nữa tôi cho rằng rất xác đáng, là về học phí của giáo dục đào tạo. Dự thảo cũ nêu “nghiên cứu lộ trình miễn học phí cho học sinh THPT công lập”. Nhưng ý kiến góp ý của các tổ chức Đảng cho rằng không chỉ miễn học phí cho học sinh THPT hệ công lập mà cả dân lập.

Vì thế lần tiếp thu này bỏ chữ “công lập” đi, chỉ còn “nghiên cứu thực hiện lộ trình miễn học phí cho học sinh phổ thông”, tức là bao gồm cả công lập và dân lập. Đó mới là nội dung phù hợp với định hướng XHCN.

Các nội dung nhân dân góp ý đều được tiếp thu, đưa vào dự thảo văn kiện mới nhất trình Đại hội XIII. Lần này là tiếp thu thực sự chứ không phải dân chủ, lấy ý kiến hình thức.

– Để so sánh văn kiện của các nhiệm kỳ Đại hội trước với dự thảo văn kiện của Đại hội XIII, ông thấy sự khác biệt lớn nhất là gì?

– Dự thảo các văn kiện trình đại hội lần này được chuẩn bị một cách bài bản, công phu, qua nhiều bước, ngày càng hoàn thiện, có nhiều điểm mới và điểm nhấn, có bước tiến về chất so với các đại hội trước.

Khái quát lại, các văn kiện lần này bám sát cuộc sống hơn, có tầm nhìn bao quát hơn.

Chìa khóa của văn kiện trình Đại hội XIII được khái quát trong 6 chữ “thể chế, sáng tạo, khát vọng”. Tức là lần này chúng ta nhìn nhận rõ vướng mắc về thể chế phát triển đất nước nói chung, không chỉ bó hẹp ở thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thể chế lần này được đề cập gồm cả thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Đó là điểm mới và là dấu ấn lớn nhất.

Chìa khóa của văn kiện trình Đại hội XIII được khái quát trong 6 chữ “thể chế, sáng tạo, khát vọng”

Thứ hai, để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lần này văn kiện nhấn mạnh yếu tố đổi mới, sáng tạo.

Thứ ba là nhấn mạnh khát vọng phát triển đất nước, để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN.

Ba từ khóa “thể chế, sáng tạo, khát vọng” thể hiện dấu ấn nổi bật của Đại hội XIII lần này.

Đại hội XIII không chỉ đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII mà còn đánh giá 10 năm thực hiện cương lĩnh phát triển năm 2011, 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, nhìn lại 35 năm đổi mới đất nước nên các văn kiện phải thể hiện được sự đánh giá khách quan.

Với những dấu mốc đặc biệt của đất nước được xác định trong 5 năm, 10 năm và 25 năm tới, cán bộ đảng viên và nhân dân đặt niềm tin, đặt kỳ vọng rất lớn vào những quyết sách của Đại hội XIII.

– Xin cảm ơn ông!

Hoài Thu/ ZF

Bài mới
Đọc nhiều