+
Aa
-
like
comment

Thay đổi tư duy để định vị lại ngành nông nghiệp

Diệu Hương - 03/03/2021 15:44

Trong bức tranh kinh tế chung, nông nghiệp góp phần là điểm sáng quan trọng, khẳng định vai trò là trụ cột của nền kinh tế vào những lúc khó khăn khi tăng trưởng đạt 2,68%, cao hơn mức hơn 2% của năm 2019 và xuất khẩu liên tiếp xác lập kỷ lục mới khi tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 đạt hơn 41 tỷ đô la Mỹ, tăng 2,5% so với năm 2019 và thặng dư thương mại toàn ngành đạt hơn 10 tỷ đô la Mỹ, tăng 6,5%.

Nhưng sau niềm vui là nỗi đau giữa xuân mới, nhiều nơi, các loại rau xanh như: bắp cải, su hào, cải ngồng,… đến lứa thu hoạch song vẫn vắng bóng thương lái thu mua. Giá quá rẻ, nhiều nông dân cũng chẳng buồn thu hoạch khiến rau quá lứa, ế hỏng đầy đồng.

Là người nông dân, ai chẳng mong đến cuối vụ bán được giá, bõ công vất vả một nắng hai sương. Việc phải tự tay mình bỏ đi thành quả lao động do mình chăm bẵm rõ ràng là việc chẳng đặng đừng. Nghịch lý đau xót ấy rất tiếc, cứ lặp đi lặp lại nhiều năm, ngay trong lúc chúng ta hân hoan nhất về sự thăng hạng của hạt gạo và trái cây Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong vòng từng ấy năm, giá gạo Việt Nam xuất khẩu bao giờ cũng chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng một phần ba những nước xuất khẩu gạo đứng đầu. Khi chưa được giải quốc tế, mỗi ngày ST25 chỉ bán được chừng 30 tấn, thì giờ con số đó là 300 tấn. Rất nhiều địa phương sau tiếng vang đấy đã tìm đến kỹ sư Hồ Quang Cua để triển khai đại trà giống gạo thơm này ở tỉnh mình. Thật may, cha đẻ của giống lúa đã không vội vã. Ông bình tĩnh khuyến cáo các địa phương đừng vì nôn nóng mà vội vàng mở rộng diện tích để rồi dẫn đến hậu quả nhãn tiền khủng hỏa thừa lúa chất lượng cao.

Sự thận trọng của kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự không phải là không có cơ sở. Sóc Trăng hay rất nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long hơn chục năm nay đã phải khóc dở, mếu dở về tình trạng thừa mứa gạo phẩm cấp thấp IR50404 – hậu quả của một thời chạy theo giống lúa sản lượng cao, nhưng chất lượng không tương xứng. Và rồi không ai khác chính người nông dân lại là nạn nhân của những phong trào tự phát không theo quy hoạch.

Nhiều năm rồi, cái vòng luẩn quẩn “trồng chặt, chặt trồng” đã đeo bám nhiều loại nông sản của Việt Nam. Không riêng gì cây lúa, từ cà phê, cao su cho đến thanh long, các loại hoa quả có múi, vùng nào cũng thấy bà con hò nhau canh tác. Lỗi nằm ở chỗ là chúng ta đang thiếu một quy hoạch vừa tổng thể, vừa chi tiết, trên đó nghiên cứu kỹ càng từng vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt phù hợp cho từng loại cây trồng. Làm ra bản quy hoạch tổng thể phù hợp đó phải là vai trò đầu tầu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc tập hợp trí tuệ của những nhà khoa học hàng đầu trên cơ sở tham vấn các địa phương. Nếu làm được thế sẽ bớt đi phần nào tình trạng “trồng chặt, chặt trồng”, phá đi mồ hôi công sức của những người nông dân “hai sương, một nắng”.

Chúng ta đã có những vùng sản xuất trái cây, nông sản an toàn trong vài năm trở lại đây. Giờ là lúc lan tỏa để sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu nông sản mạnh, phải trở thành một xu hướng canh tác mới tại các vùng quê. Chẳng nói đâu xa, tại Đồng Tháp, người nông dân vùng xoài Mỹ Xuyên vài năm nay đã biết xây dựng phong trào “cây xoài nhà tôi” nhờ thế mà xuất khẩu được gần 80 nước. Xoài trồng ra không những sạch, ngon mà mỗi nông dân lại còn là một nghệ nhân trồng xoài. Họ tự tạo ra màu sắc riêng biệt cho quả xoài nhà mình và ai cũng cố giữ nét đặc sắc trong từng sản phẩm của mình.

Làm sao để những mô hình như thế không phải là hiện tượng đơn lẻ mà phải trở thành một xu hướng canh tác thương mại mới. Sự khác biệt trong làm nông nghiệp thông minh còn nằm ở sự sáng tạo. Trong nhiều năm rồi, dưa hấu miền Trung cứ chín rộ lại xuống giá 2000 đồng đến 3000 đồng. Cũng chỗ dưa bán rẻ ấy, nếu chế biến thành nước dưa hấu ép thì giá trị cao cấp cả chục lần. Cũng là cà chua sao không làm nước cà chua ép bán cho các quán giải khát, cà phê… Đó là điều đáng suy ngẫm không chỉ của riêng người sản xuất.

Từ sự thức tỉnh mang tên ST25, giờ là lúc nông nghiệp Việt Nam cần định vị lại vai trò của người nông dân, của hợp tác xã, nhà nước với tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp, nông thôn. Không thể khác, thị trường chính là yếu tố quyết định nền sản xuất. Nếu không thay đổi, thật khó để bước qua lời nguyền nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như thời gian qua.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều