Thật kỳ diệu, phi công người Anh tỉnh hoàn toàn
“Bệnh nhân có cơ hội hồi phục phổi và sống mà không cần phải ghép phổi” – một thành viên của hội đồng chuyên môn đã tham dự tất cả các cuộc hội chẩn ca bệnh 91 nói một cách xúc động.
Hơn một tuần sau cuộc hội chẩn ba miền lần thứ 3 và đặc biệt là sau khi được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 phi công người Anh đã có những thay đổi ngoạn mục, được coi là “kỳ tích” khi phổi gần như đông đặc, xơ cả hai lá phổi, từng chỉ còn 10% hoạt động.
Ngày 2-6, hơn 1/2 phổi bên trái của bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn, phổi phải có cải thiện về chức năng hô hấp, chức năng thận đã hồi phục, thần kinh tỉnh táo. Bệnh nhân đã có thể xoay đầu, cầm ly nước… với sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Hi vọng đang đến gần
Nửa tháng trước, điều mà người ta nhìn thấy trước mắt về ca bệnh 91 là bệnh nhân có thể sẽ phải ghép phổi và có khi phải ghép cả thận, nếu chức năng thận bị ảnh hưởng quá nhiều sau thời gian dài điều trị. Ghép phổi là kỹ thuật rất khó, và khó nữa là nguồn phổi hiến tặng.
Có khoảng 70 người từ 21 – 76 tuổi đăng ký tặng một phần phổi cho bệnh nhân, nhưng thể trạng của một người Anh cao khoảng 1,8m, nặng 100kg (trước bệnh), cần phải ghép cả 2 lá phổi, tức là nếu không có nguồn tạng từ người hiến chết não, thì cần phải có tới 2 người hiến mới đủ phổi ghép cho bệnh nhân này. Và vì bệnh nhân đang nhiễm trùng, chưa thể chỉ định ghép phổi, hi vọng tưởng như xa dần.
Điều kỳ diệu đã xảy ra, khi phương án ghép phổi đã gần như là phương án cuối cùng, thì những ngày sau đó phổi bắt đầu hồi phục dần, đầu tiên là 20-30% (khi bệnh nhân còn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM), hiện nay là 40%. Chức năng thận đã hồi phục, ngày 3-6 bệnh nhân đã được ngưng ECMO (thiết bị tim phổi ngoài cơ thể), cơ hoành phải bắt đầu hoạt động, trong khi những ngày cuối tháng 5 là liệt, cơ chi trên và chi dưới đang hồi phục.
“Hi vọng sống của bệnh nhân là có thật” – thành viên Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chia sẻ.
Phổi sẽ phục hồi ra sao?
Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm – phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thể bệnh của bệnh nhân 91 tương tự thể bệnh bệnh nhân 19, cùng có dấu hiệu là đông đặc phổi. Bác sĩ Khiêm chia sẻ sau giai đoạn tổn thương, có thể xảy ra những chiều hướng hoặc là phổi xẹp, thối rữa, mủn ra và không hồi phục, hoặc là tương tự như vết thương ở da, sẽ liền lại sau một thời gian.
“Có trường hợp tùy cơ địa của bệnh nhân, vết thương sẽ thành sẹo xấu, nếu ở phổi thì sẹo sẽ là các dải xơ, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của bệnh nhân, nhưng có trường hợp sẹo cũng sẽ liền ổn hơn, tái cấu trúc, ảnh hưởng sau này sẽ không nhiều bằng người cơ địa sẹo xấu. Vì thế giai đoạn bệnh nhân nặng, các thầy thuốc giữ cho bệnh nhân sống được để sau này những vết thương ấy phục hồi, hiện giờ bệnh nhân đang ở giai đoạn phục hồi” – bác sĩ Khiêm nói.
Bác sĩ Khiêm cũng cho biết qua theo dõi đã có những bệnh nhân bị tổn thương phổi tương tự bệnh nhân 91 nhưng sau thời gian (tính bằng một số tháng) thì phổi cũng phục hồi.
Đội ngũ nhân viên y tế tập trung hết mình
Vào chiều tối 22-5, từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân 91 được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị. Nằm trên chiếc băng ca, người bệnh nhân chằng chịt mớ dây nhợ cùng với hệ thống máy lọc, ECMO… Các nhân viên y tế khẩn trương đưa bệnh nhân vào lối đi riêng về khoa hồi sức cấp cứu.
Ngay trong đêm, êkip phụ trách điều trị cho bệnh nhân đã hội chẩn, đánh giá tình trạng bệnh nhân. Ông Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – khẳng định sẽ huy động toàn lực để tiếp tục cứu chữa bệnh nhân.
Đến nay kỳ tích đã xuất hiện: phi công người Anh có các phản ứng biểu cảm, nước mắt ông đã rơi và môi đã mỉm cười.
Hướng điều trị sắp tới
Trong hành trình hơn 2 tháng “đánh bại” virus corona, bệnh nhân từng trải qua những thời điểm thập tử nhất sinh, rồi tìm thấy hi vọng ở cuối đường hầm, sức sống nơi anh đang trỗi dậy mạnh mẽ từng ngày khiến những y bác sĩ chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân và thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch vui mừng, phấn chấn.
Về hướng điều trị trong những ngày tới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia cepacia (một trong những tác nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm) và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới.
Song song đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp, dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục. Đồng thời cân bằng đầy đủ rối loạn nước điện giải để tránh nguy cơ tổn thương thận có thể tái phát.
Đến cuối ngày 3-6, Việt Nam có 328 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 188 ca từ nước ngoài về. Với 140 ca lây trong cộng đồng hầu hết đã điều trị khỏi, bệnh nhân 91 – phi công người Anh – là bệnh nhân cuối cùng ghi nhận từ cộng đồng, còn đang điều trị.
LAN ANH – XUÂN MAI/TTO