“Thao túng” không đến từ 1 đầu dây!
Việc toàn bộ các vị trí chủ chốt tại HoSE bị cáo buộc giúp sức cho hành vi thao túng cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của cán bộ nhà nước trong việc duy trì sư minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Chỉ cần một nhóm cán bộ bị tha hóa sẽ dẫn đến hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn là lòng tin của nhà đầu tư trong tương lai.
Từ trái qua: Bị can Trần Đắc Sinh, Trịnh Văn Quyết, Lê Hải Trà
Vào ngày 9/4, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã công bố cáo trạng vụ án về hành vi can thiệp vào thị trường chứng khoán và gian lận chiếm đoạt tài sản có liên quan đến cựu chủ tịch của Tập đoàn FLC – ông Trịnh Văn Quyết.
Tổng cộng 50 cá nhân đã bị truy tố, trong đó ông Trịnh Văn Quyết bị buộc tội về việc can thiệp vào thị trường chứng khoán và gian lận chiếm đoạt tài sản.
Các cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM bị truy tố bao gồm: ông Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT; Lê Hải Trà, cựu tổng giám đốc, cựu ủy viên HĐQT và là thành viên độc lập của hội đồng niêm yết; Trầm Tuấn Vũ, nguyên phó tổng giám đốc, phó chủ tịch hội đồng niêm yết; Lê Thị Tuyết Hằng, giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, cũng là thành viên của hội đồng niêm yết.
Tất cả bốn người này đều bị buộc tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Ba cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng bị truy tố, bao gồm: Lê Công Điền, vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng tại Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Dương Văn Thanh, tổng giám đốc của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam; Phạm Minh Trung, trưởng phòng đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Tất cả ba người này đều bị truy tố về tội công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Cựu chủ tịch HoSE Trần Đắc Sinh bị cáo buộc giúp sức Trịnh Văn Quyết.
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, trước đây là Công ty xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu là 1,5 tỉ đồng. Trong hơn ba năm tiếp theo, quy mô vốn này được duy trì ổn định. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2016, ông Trịnh Văn Quyết đã thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, tương đương với 430 triệu cổ phần của FLC Faros.
Trong thời điểm này, ông Quyết đã đề xuất kế hoạch biến Faros thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn chứng khoán Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Kế hoạch này đã được ông Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà và một số cán bộ khác tại HoSE và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam ủng hộ.
Theo quy chế hoạt động của HĐQT và hội đồng niêm yết sàn HoSE, việc thẩm định và chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros không thuộc thẩm quyền của HĐQT. Tuy nhiên, ông Sinh, với vai trò là chủ tịch HĐQT HoSE, đã biết báo cáo kiểm toán về tài chính năm 2014 và 2015 của Faros không đủ chuẩn. Mặc dù có các lưu ý lớn trong báo cáo kiểm toán như “không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp”, ông Sinh vẫn hỗ trợ việc niêm yết của Faros vì mối quan hệ cá nhân và sự giúp đỡ từ Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương.
Ông Sinh bị cáo buộc nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các cấp dưới của mình, bao gồm ông Trà, Vũ, Hằng, tạo điều kiện cho việc niêm yết cổ phiếu của Faros mặc dù công ty này chưa hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Là cấp dưới của ông Sinh, ông Trà cũng biết rõ về việc vi phạm trong báo cáo kiểm toán của Faros nhưng vẫn gây áp lực để Đoàn Vĩnh Nam chấp thuận hồ sơ niêm yết. Ông Trà cũng đã ký phiếu đồng ý niêm yết cổ phiếu của Faros và tham gia vào quyết định niêm yết cổ phiếu trái pháp luật khi là phó tổng giám đốc sàn HoSE.
Tại cơ quan điều tra, ông Trà thừa nhận hành vi của mình và nêu rõ nguyên nhân phạm tội là “do có mối quan hệ cá nhân muốn giúp đỡ Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương”. Viện kiểm sát cáo buộc sai phạm của ông Sinh và ông Trà đã dẫn đến việc Faros được niêm yết 430 triệu cổ phiếu từ vốn góp khống trên sàn chứng khoán, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của nhà đầu tư.
Ông Lê Hải Trà, cựu tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, bị truy tố trong vụ án liên quan Trịnh Văn Quyết.
Theo cáo trạng, ông Lê Công Điền, với vai trò là vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, trong quá trình thẩm định hồ sơ của Faros, đã phát hiện rằng “không có đủ cơ sở để xác định vốn thực góp”, các báo cáo kiểm toán không tuân thủ đúng quy định pháp luật…
Tuy nhiên, ông Điền không thực hiện kiểm tra và xử lý, mà ký văn bản chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng cho Faros, sau đó công bố trên phương tiện thông tin của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Nhờ đó, Faros đã được niêm yết thành công trên sàn chứng khoán với vốn điều lệ 4.300 tỉ đồng, sau đó Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Tại cơ quan điều tra, ông Điền thừa nhận nhận thấy rằng Faros là một công ty lớn và ông Trịnh Văn Quyết lại “có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các cấp, cũng như sở hữu một công ty chuyên tư vấn pháp luật”.
Khi thẩm định hồ sơ của Faros, ông Điền đã yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng về việc góp vốn, nhưng hai lần bị công ty này khiếu nại rằng vụ trưởng “đang vượt quá phạm vi thẩm quyền và gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
“Do lo sợ ảnh hưởng đến công việc cá nhân, ông Điền đã nhận ra sai sót của mình, nhưng vẫn viết báo cáo ông Vũ Bằng (cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước) đề xuất chấp thuận Faros là một công ty đại chúng,” cáo trạng nêu.
Ông Điền bị cáo buộc đã tạo điều kiện cho công ty của Trịnh Văn Quyết đủ điều kiện để được chấp thuận là công ty đại chúng và được niêm yết chứng khoán trên sàn HoSE.
Một lần nữa chúng ta thấy được, nếu như không có sự giúp sức, tiếp tay của của các vị trí tại HoSE, Ủy ban Chứng khoán nhà nước thì các hành vi phạm tội của ông Trịnh Văn Quyết và các đối tượng khác đã không thể thực hiện được. Từ đó, câu hỏi về giải phạm ngăn chặn triệt để hành vi bắt tay giữa doanh nghiệp và cán bộ Nhà nước lại một lần nữa được đặt ra? Đâu sẽ là giải pháp hữu hiệu để những hành vi này không thể tiếp tục được diễn ra trong tương lai?
Thành An