+
Aa
-
like
comment

Thanh gươm của Tổng Bí thư thì có liên quan gì đến Đại hội 13?

Đặng Trường - 09/09/2019 17:59

Không phụ lòng tin của nhân dân, công cuộc chống tham nhũng đã và đang được thực hiện quyết liệt mà không hề có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có dấu hiệu chùng xuống.

Hiện nay, một số kẻ cơ hội chính trị và các trang mạng mang tên “Việt Tân”, RFA liên tục rêu rao rằng công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng là “thanh trừng phe phái”, “tranh giành quyền lực” trước Đại hội 13. Nhưng xin thưa, công cuộc chống tham nhũng đã được thực hiện xuyên suốt từ nhiều năm nay, quá trình đó diễn ra ở khắp cả nước, từ Trung ương đến địa phương và kết quả của nó không chỉ loại bỏ quan tham mà còn thu lại được những đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân bị rút ruột thì không thể nói là “thanh trừng phe phái” trước Đại hội 13 được.

Điểm lại sơ sơ vài vụ án nổi cộm nhất trong những năm gần đây không thể bỏ qua những cái tên như, Đinh La Thăng, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”), Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, Vũ Văn Ninh, Lê Tấn Hùng, Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), Nguyễn Văn Hiến và một số cán bộ, lãnh đạo sai phạm trong việc giải phóng đất đai ở KĐTM Thủ thiêm, các dự án ở Khánh Hòa, Trà Vinh.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bị đề nghị kỷ luật.

Đặc biệt, mấy năm trước, con số tham nhũng là vài chục, vài trăm tỷ đồng, bây giờ các quan đã nhắm mắt đưa tay tới mấy nghìn tỷ. Một người nông dân lao động cả năm, thu được vài tấn thóc, chắc cũng không biết 3 triệu đô hối lộ đổi ra tiền Việt, xếp chồng lên nhau thì nó cao bằng bao nhiêu bao lúa.

Ông Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và những cá nhân sai phạm trong thương vụ Mobifone mua AVG.

Đặc điểm của tham nhũng là không chỉ nằm ở một cá nhân đơn lẻ mà nó đã trở thành một “dịch bệnh” lây lan từ người này sang người khác, thậm chí là có nguyên cả một tổ chức, một nhóm người lên kế hoạch tham nhũng. Con số trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự không phải tự dưng mà có. Tất cả đều vì lòng tham, vì sự suy thoái đạo đức của con người. Để lôi cho được bầy sâu to béo đó vào lò là cả quá trình hành động quyết liệt, quyết tâm làm cho bằng được của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và những người cộng sự.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh “Ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo và xin thôi đi. Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần xuống bên dưới như thế” chứ không hề có dấu hiệu chùng xuống, dù bên trong nội bộ đúng là còn những điểm trăn trở về tình cảm, chưa kể nhiều kẻ cơ hội chính trị liên tục đăng đàn xuyên tạc.

Nhưng ngẫm lại, chẳng lẽ bây giờ thấy sâu đục khoét cả rừng cây, chúng ta vẫn để yên cho cây héo mòn, chết dần hay sao? Không xử lý, không làm thì trách lãnh đạo không quan tâm đến đời sống nhân dân. Mạnh tay xử lý thì bảo phe cánh các kiểu. Đặng Trường cam đoan rằng: Nếu không chống tham nhũng thì đất nước này sẽ tan nát tất cả, từ truyền thống, đạo đức xã hội đến những những điều kiện cơ bản đến phát triển kinh tế. Bây giờ không chống tham nhũng, không loại bỏ quan tham thì đến bao giờ mới làm?

Muốn bảo vệ đất nước trước âm mưu xâm lược của ngoại bang thì chính nội lực bên trong phải mạnh. Đại hội 13 mà những kẻ cơ hội đang chầu chực thực chất là “một dịp để nước ta sàng lọc cán bộ” chứ không phải tạo cơ hội cho những con sâu ngày càng to béo. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã khẳng định: “Dứt khoát không được để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái về đạo đức vào cấp ủy sắp tới. Chỗ nào để xảy ra tình trạng này thì kỷ luật chỗ đó”. Khi xưa vua vung gươm để “trên chém tham quan, dưới chém nịnh thần” thì ngày nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và những người cộng sự cũng dùng sự quyết tâm và bản lĩnh của mình để làm thanh bảo kiếm “ trảm tham nhũng”.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều