+
Aa
-
like
comment

Tham ô, tham nhũng đáng sợ hơn giặc ngoại xâm tới mức nào?

17/09/2019 17:12

Vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng luôn là đại cuộc sinh tử, thành bại của muôn thời, của mọi quốc gia, dân tộc trên hoàn cầu, tự cổ chí kim. Phải xem tham nhũng là một thế lực thù địch của nhân dân ta, đất nước ta, và Đảng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định giặc nội xâm là tham ô, tham nhũng

Nhân dịp phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Người cho rằng: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Giặc nội xâm chính là “giặc ở trong lòng”, là tham ô, lãng phí, quan liêu.

Giặc nội xâm ở bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan đoàn thể. Giặc bên ngoài dễ nhìn ra, dễ phát hiện, còn giặc ở bên trong, khó phát hiện, không dễ nhìn thấy. Vì giặc nội xâm và ngoại xâm cấu kết nhau, chúng ta không chỉ chống giặc bên ngoài, giặc ngoại xâm, mà còn phải chống giặc bên trong, giặc nội xâm. Nếu chỉ ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu còn giữ nguyên giá trị
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu còn giữ nguyên giá trị

Bác đã phân tích rõ các biểu hiện của giặc nội xâm, giặc ở trong lòng. Giặc nội xâm đầu tiên là tham ô. Với cán bộ, tham ô là ăn cắp, ăn bớt của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, tiêu ít mà khai nhiều; lợi dụng của chung, của Chính phủ làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình.

Giặc nội xâm nguy hại hơn là lãng phí. Theo Người, lãng phí thể hiện dưới nhiều dạng, như: Lãng phí sức lao động, thời giờ, của công, lãng phí nhiều khi tai hại hơn nạn tham ô.

Người cho rằng, có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành; không sợ nguy hiểm, gian khổ, không sợ địch, nghĩa là có công với cách mạng; song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác đấu tranh với chính mình, cho nên lại thành người có tội với cách mạng. Đáng sợ hơn là, có những người miệng thì nói phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng dễ dàng phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân. Theo Người, tác hại của loại giặc nội xâm này chẳng khác nào

như cỏ dại đối với lúa; muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi.

Tại Lễ khai mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ đảng, dân, chính các cơ quan Trung ương (ngày 6-2-1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc đấu tranh với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc đấu tranh với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”. Kẻ định trong người, trong tinh thần cũng là giặc nội xâm, bao gồm mọi cái xấu xa nói chung, mà chủ yếu là chủ nghĩa cá nhân, là tham ô, lãng phí, quan liêu.

Việc đấu tranh với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, vì nó ở bên ngoài, chúng ta dễ nhìn thấy, dễ phát hiện; còn việc đấu tranh với kẻ địch trong người, trong tinh thần, trong nội bộ là một khó khăn không chỉ trong nhận diện, mà còn khó khăn trong lúc tiến hành đấu tranh, vì mình phải cắt bỏ chính bản thân mình, cũng giống như cắt bỏ cái ung nhọt, dù phải cắt bỏ nhưng vô cùng đau xót.

Tham nhũng là quốc nạn mà toàn Đảng, toàn dân đang ra sức triệt trừ

Tại buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu ngày 18-1-1949, trong bài nói chuyện Người nói: “Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”. Và sau này, khi nêu ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách người tốt, việc tốt, (6-1968), Người chỉ rõ: “Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ đảng viên phải tự giáo dục rèn luyện hàng ngày. Người xưa còn biết tu thân mỗi buổi tối kiểm điểm mình và dùng hai cái lọ đỗ đen, đỗ trắng để ghi việc tốt, việc xấu”.

Như vậy, muốn làm cách mạng, muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt thì cán bộ, đảng viên trước hết phải cải tạo tính nết của mình, phải tự giáo dục rèn luyện hàng ngày.

Trong bài nói chuyện về xây dựng con người xã hội chủ nghĩa (3-1961), Người nói: “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ định bên trong là chủ nghĩa cá nhân”. Như vậy, muốn thắng giặc ngoại xâm, thì trước hết phải thắng giặc nội xâm; mà địch bên trong chính là chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân sẽ đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, bịt mắt những nạn nhân, khiến những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng ham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và quyết tâm phòng chống tham nhũng
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và quyết tâm phòng chống tham nhũng

Người cho rằng, một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không chắc chắn hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Tham nhũng là giặc nội xâm, là một thế lực thù địch, nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm, thì đương nhiên, diệt trừ nó, là sứ mệnh cao cả của toàn dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư. Không nên gọi là đấu tranh chống tham nhũng, giai đoạn này phải là triệt trừ tham nhũng, phải xem diệt giặc tham nhũng như diệt ngoại giặc ngoại xâm.

Nhân dân và Đảng từng xem tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, hơn thế, đe dọa sự sống còn của quốc gia, dân tộc. Như thế, giặc nội xâm với giặc ngoại xâm, không hẳn thứ giặc nào nguy hiểm hơn giặc nào. Giặc nội xâm làm đất nước suy yếu, xã hội rối ren, trên dưới bất hoà, trong ngoài nghi kỵ, đó là cơ hội để ngoại xâm dòm ngó, tính đường động binh. Giặc nội xâm là thứ giặc nằm ngay trong nội bộ, không dễ phát hiện, rất dễ trở thành lực lượng “cõng rắn cắn gà nhà”, tiếp tay, tiếp ứng cho giặc ngoại xâm.

Tham nhũng đang ngày càng tinh vi nhưng chưa hẳn không liều lĩnh, trắng trợn, bất chấp. Nhân dân quan ngại, cuộc chiến triệt trừ tham nhũng, vì lý do nào đấy, dừng lại giữa chừng, xem như mọi niềm tin vỡ vụn, và khi ấy, coi chừng, không biết điều gì sẽ xảy ra, vì điều gì cũng có thể xảy ra.

Đa số kẻ tham nhũng vẫn tâm lý “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”, chưa thấy Tổng Bí thư điểm mặt chưa run, chưa thấy Uỷ ban Kiểm tra Trung ương “hỏi thăm” chưa sợ. Không còn vùng cấm, nhưng còn nhiều vùng tối, góc khuất. Đã “tắm từ trên tắm xuống”, nhưng rất cần gột rửa từ dưới lên. Cũng cần thường xuyên thanh lọc đội ngũ được mệnh danh là thanh bảo kiếm, để thanh gươm không bị hoen ố, cùn rỉ trước sự cám dỗ, mua chuộc và hù dọa từ thế lực thù địch- giặc nội xâm.

Những năm qua, tham nhũng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng luôn là chủ đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Nhưng đã có một điều khác biệt. Nếu như trước kia đó thường là những bức xúc lo lắng về tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội và quan trường, là sự xót xa về những khoản tiền khổng lồ từ những vụ việc tham nhũng, lãng phí, về sự bất lực trước quốc nạn hoành hành, thì giờ đây chúng ta được nghe nhiều hơn là những vụ việc bị phát hiện phanh phui, những nhóm lợi ích bị đưa ra ánh sáng. Và nhất là nhiều quan chức với chức vụ ngày càng cao bị xử lý, nghiêm trị trước công lý, trước nhân dân.

Đó chính là kết quả của cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên trung của toàn Đảng toàn quân, toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời và sau đó là lời hiệu triệu của Trung ương về cuộc đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí với Nghị quyết Trung ương 4 khóa X đã qua hơn 10 năm thực hiện. Những kết quả, cả thành công và thất bại, đã cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc để tiếp tục tiến lên trong cuộc chiến cam go chống nạn tham nhũng.

Phạm Minh Hà

Bài mới
Đọc nhiều