Tàu Trung Quốc vơ vét hàng nghìn tấn cá, mực gần Galapagos
Trước tình trạng đánh bắt quá mức, các nhà bảo tồn đề xuất việc mở rộng diện tích khu bảo tồn biển xung quanh quần đảo Galapagos.
Khi tản bộ dọc theo bãi cát, bạn có thể thấy đàn sư tử biển gọi nhau. Trên những con đường mòn, nhiều loài chim xuất hiện và không hề nao núng trước con người. Đây là những trải nghiệm vô cùng đặc biệt tại Đảo Saymour nhỏ bé thuộc quần đảo Galapagos, theo Guardian.
Đến gần với tự nhiên mà không làm phiền các loài động vật dường như là điểm đặc trưng tại quần đảo Galapagos. Nằm cách xa đất liền, quần đảo là nơi sinh sống lý tưởng của nhiều loài động vật hoang dã.
Lý do khiến Galapagos trở thành một vùng đất tràn ngập sự sống là nhờ vùng nước giàu dưỡng chất, khoáng sản bao quanh các đảo san hô núi lửa; kết hợp với nhiều dòng hải lưu lạnh và nóng dưới đại dương.
Với nguồn tài nguyên biển phong phú, quần đảo Galapagos, thuộc lãnh hải Ecuador, đã trở thành điểm đánh bắt lý tưởng đối với nhiều tàu cá nước ngoài.
Đề xuất mở rộng
Ước tính mỗi tháng, gần 250 tàu cá nước ngoài, trong đó có 243 tàu mang cờ Trung Quốc, đã khai thác trên vùng biển này suốt 73.000 giờ đồng hồ và vơ vét hàng nghìn tấn mực, cá. Đội tàu cá năm 2020 là một trong những đội tàu lớn nhất trong những năm gần đây. Trong đó cũng bao gồm các công ty bị nghi đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và thiếu kiểm soát (IUU). Đội tàu của Trung Quốc có tàu đánh cá và tàu hàng lạnh để lưu trữ lượng cá đánh bắt khổng lồ.
Luật hàng hải quốc tế cấm chuyển hàng giữa các tàu. Tuy nhiên, đội tàu Trung Quốc có tàu tiếp tế, tàu hàng lạnh cùng với các tàu câu dầm và tàu câu mực.
Vào năm 2017, hải quân Ecuador từng bắt giữ tàu cá Fu Yuan Yu Leng 999 của Trung Quốc trong khu bảo tồn biển Galapagos. Bên trong tàu này là 6.000 con cá mập đông lạnh – bao gồm cả những loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá mập đầu búa và cá mập voi.
“Nơi đó không khác gì lò mổ”, ông Green nói về khung cảnh bên trong tàu Fu Yuan Yu Leng 999. “Kiểu tàn sát này đang diễn ra trên quy mô lớn ở các vùng biển quốc tế và không ai biết cả”.
Thuyền câu cá ngừ của Ecuador cũng hoạt động trong vùng biển có diện tích 133.000 km2.
Các nhà bảo tồn đã cảnh báo tình trạng đánh bắt quá mức tại vùng biển xung quanh quần đảo Galapagos. Từ đó, họ đề xuất việc mở rộng diện tích khu bảo tồn biển, bao quanh quần đảo từ phía bắc, đông và nam.
Chia sẻ với Guardian, Tổng thống Ecuador Lenín Moreno cho biết đề xuất này dựa trên “cam kết mạnh mẽ của chính phủ đối với việc bảo tồn, bảo vệ môi trường và đặc biệt là quần đảo Galapagos”.
Ông Moreno cho biết đây cũng là cam kết mà ông đã nêu ra tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP25 vào năm 2019.
Nhiều tổ chức bảo tồn đồng tình với ý tưởng này. Giám đốc Matt Rand của dự án Pew Bertarelli Ocean Legacy nhận xét: “Đây là đề xuất thông minh và sẽ mang lại lợi ích cho ngư dân cũng như nền đa dạng sinh học. Nó còn có thể giảm tác động của biến đổi khí hậu”.
Song vẫn có những bên không nhất trí với dự định này. Ngay cả Tổng thống Ecuador cũng chưa chính thức phê duyệt việc mở rộng diện tích vùng bảo tồn biển.
Theo đề án, diện tích bảo tồn sau khi được mở rộng là 445.953 km2, tương đương ba lần diện tích khu bảo tồn biển ở thời điểm hiện tại.
Đề án cũng ngăn các tàu đánh bắt cá ngừ của Ecuador hoạt động trên 3/4 vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo. Chỉ riêng khu vực tây nam của Galapagos được dành cho các hoạt động “đánh bắt có trách nhiệm”.
Ông Luigi Benincasa, giám đốc điều hành Hiệp hội Đánh bắt Cá ngừ Atunec, chỉ trích kế hoạch này là hình phạt đối với ngư dân địa phương. Ông Benincasa nói: “Chúng tôi hiểu rằng một phần ba sản lượng đánh bắt sẽ không còn nữa. Sao điều này mang lợi cho chúng tôi được?”.
Đánh bắt cá ở Galapagos
Được thành lập vào năm 1998, khu bảo tồn xung quanh quần đảo Galapagos từng là khu bảo tồn biển lớn thứ hai trên thế giới. Giờ đây, nó đứng ở vị trí thứ 33 trên toàn cầu, song vẫn vượt xa nhiều khu bảo tồn ở Nam Mỹ về quy mô và tham vọng mở rộng.
Ông Eliecer Cruz, lãnh đạo một tổ chức địa phương thúc đẩy việc mở rộng khu bảo tồn biển, cho biết đội tàu đánh bắt cá ngừ của Ecuador đã tăng gấp đôi về quy mô. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy sản lượng đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo tăng 104% trong thế kỷ qua.
Khu bảo tồn biển chỉ cho phép các hoạt động đánh bắt quy mô nhỏ. Song nhiều tàu lớn vẫn tìm cách lách luật nhờ sử dụng những thiết bị dẫn dụ cá (FAD). Mục tiêu ban đầu của họ là cá ngừ, nhưng các thiết bị có thể dẫn dụ cá mập, cá cờ, sư tử biển và cá heo.
Ông Cruz cho biết: “Những thiết bị dẫn dụ cá liên tục xuất hiện bên trong khu bảo tồn biển. Các tàu đánh cá có tải trọng trên 2.000 tấn có thể sử dụng 500 thiết bị như vậy”.
Ông Walter Borbor, một ngư dân trên đảo Santa Cruz, đã bắt gặp nhiều thiết bị dẫn dụ cá. Chúng là những bẫy cá nổi, có chiếc bè gỗ gắn thiết bị định vị GPS và lưới đánh cá có độ sâu đến 100 m.
“Các thuyền lớn ném bẫy ở bên ngoài khu bảo tồn rồi đợi dòng hải lưu đưa chúng vào bên trong. Bẫy cá sẽ bắt được nhiều con cá nhỏ, từ đó dẫn dụ những con cá lớn hơn”, ông Borbor phân tích.
“Chúng tôi đã thu thập được ít nhất 30 thiết bị dẫn dụ. Chúng tôi tái sử dụng phần lưới để làm võng và chuồng gà”, ngư dân này cho biết.
Đối với Tổng thống Ecuador, việc mở rộng khu bảo tồn biển cần được thực hiện trước ngày 24/5, khi ông rời nhiệm sở.
Ông đã trả lời phóng viên về vấn đề này: “Việc gia tăng các biện pháp bảo tồn biển ở quần đảo Galapagos sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động quan trọng của ngành đánh cá, bao gồm cả đánh bắt tận thu. Điều này có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia”.
“Vì điều đó, mọi phương án phân tích đều phải mang tính toàn diện, bao gồm tất cả khía cạnh môi trường và kinh tế xã hội”, ông Moreno tuyên bố.
Nếu ông Moreno không ký sắc lệnh, kế hoạch mở rộng khu bảo tồn biển có thể phải trải qua một lộ trình dài và phức tạp hơn.
(Theo Guardian)